Lập đề án nghiên cứu và phát huy giá trị ấn “Sắc mệnh chi bảo”

(Dân trí) - Đề án nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật gỗ “Sắc mệnh chi bảo” sẽ được Trung tâm Bảo tồn Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Cục Di sản văn hóa thực hiện trong thời gian tới đây.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín thì trong đợt khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2012 - 2014, các nhà khảo cổ dã tìm thấy ấn gỗ đã tìm thấy ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” tại khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G)”. Ấn được phát hiện ở độ sâu 6,38 mét so với mặt nước biển. Ấn bị mất núm, gồm hai mảnh ghép, kích thước của ấn là 10,5 cm. Đặc biệt, khi phát hiện, ấn nằm nguyên vẹn trong tầng văn hóa thời Trần, sau tầng văn hóa thời Lý, trước thời Lê Sơ và nằm giữa nhiều di vật gốm sành khác.

Cận cảnh ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo. Ảnh: HTL.
Cận cảnh ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo". Ảnh: HTL.

Thời điểm được phát hiện, hiện vật chưa được nghiên cứu đầy đủ nên khi công bố và tiến hành phát huy giá trị hiện vật còn nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.

Mới đây, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức buổi họp bàn về vấn đề nêu trên với sự tham dự của một số nhà khoa học và các cơ quan có liên quan. Sau khi nghe đại diện của Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội báo cáo về quá trình phát hiện, nghiên cứu hiện vật gỗ “Sắc mệnh cho bảo” cùng ý kiến thảo luận của các nhà khoa học và cơ quan liên quan, Bộ VH,TT&DL đã có ý kiến đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện việc lập Đề án nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật gỗ “Sắc mệnh chi bảo” đề sớm làm rõ hơn giá trị cũng như tìm kế hoạch cụ thể bảo tồn hiện vật vô giá này.

Hội thảo nghiên cứu ấn Sắc mệnh chi bảo diễn ra vào 26/2 tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: HTL.
Hội thảo nghiên cứu ấn "Sắc mệnh chi bảo" diễn ra vào 26/2 tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: HTL.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được nghiên cứu chỉnh lý sơ bộ và trưng bày tại nhà N26 - Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, cùng với hơn 150 hiện vật tiêu biểu đã tìm thấy tại khu vực 18 Hoàng Diệu, Vườn Hồng và khu vực Kính Thiên - Đoan Môn (trong vùng lõi và vùng đệm của di sản Hoàng Thành Thăng Long, là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành Thăng Long xưa). Cho đến nay, ấn đặc biệt này vẫn đang được Hoàng Thành Thăng Long bảo quản và gìn giữ.

Hà Tùng Long