Lào Cai: Di chuyển chùa để mở rộng khuôn viên Di tích lịch sử Đền Thượng

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Mới đây, UBMTTQ thành phố Lào Cai ( tỉnh Lào Cai) tổ chức hội nghị phản biện đối với Dự án Hạ tầng kỹ thuật Di tích lịch sử quốc gia Đền Thượng và khu dân cư tổ 27 phường Lào Cai nằm sát đền.

Theo Văn phòng UBND thành phố Lào Cai, Dự án Hạ tầng kỹ thuật Đền Thượng thành phố Lào Cai và khu dân cư tổ 27, phường Lào Cai sát nhà đền phải di dời có 2 hợp phần, trong đó hợp phần Hạ tầng kỹ thuật Đền Thượng bao gồm việc tôn tạo, xây dựng mới các hạng mục mở rộng mặt bằng Đền Thượng, sắp xếp lại một số phân khu chức năng của nhà đền.

 Cơ quan chức năng cho phép di chuyển toàn bộ chùa Tân Bảo ở vị trí hiện nay sát khu vực đền Thượng lên trên đồi cao Nhà máy nước Lào Cai nằm phía sau chùa và sẽ xây mới chùa theo quy mô lớn hơn, đẹp hơn.

Lào Cai: Di chuyển chùa để mở rộng khuôn viên Di tích lịch sử Đền Thượng - 1

Lễ hội Đền Thượng lớn nhất tỉnh Lào Cai năm 2022 được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia (Ảnh: Bảo tàng Lào Cai).

Tại vị trí khu đất nhà chùa sau di dời sẽ được mở rộng khuôn viên Di tích lịch sử Đền Thượng và ở đây sẽ xây dựng tượng đài vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo .

Quảng trường Di tích lịch sử đền Thượng hiện nay sẽ được mở rộng về phía nam, đồng thời quy hoạch xây dựng lại vườn hoa Thủy Vỹ chạy dọc bờ sông biên giới Nậm Thi kéo dài từ Di tích lịch sử Đền Mẫu (nằm ở phía nam sát Cửa khẩu quốc tế Lào Cai) tới sát khu vực Quốc lộ 70 nằm phía bắc .

Trong Dự án này còn  mở rộng, nâng cấp một số tuyến phố tới khu vực Di tích lịch sử đền Thượng và Cột mốc quốc gia 102 (2) của Cửa khẩu quốc tế Lào Cai như đường Nguyễn Huệ, đường Ngô Thị Nhậm, đường Nậm Thi và bãi đỗ xe dành cho du khách.

Ngoài ra, hợp phần còn liên quan đến Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Thượng, Đền Am đang được triển khai theo Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai từ cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư 47 tỷ đồng.

Với hợp phần Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 27, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, ngoài việc đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp một số tuyến phố còn là xây dựng mặt bằng khu tái định cư, di chuyển vườn tượng 12 con giáp nằm dưới chân cây đa cổ thụ Di tích lịch sử Đền Thượng  tới công viên Thủy Vỹ, giải phóng 17 hộ dân trong phạm vi dự án để mở rộng khuôn viên nhà đền…

Tổng mức đầu tư xây dựng Dự án Hạ tầng kỹ thuật Đền Thượng và khu dân cư tổ 27 , phường Lào Cai gồm 165 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 76 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến bày tỏ tính đúng đắn, khả thi, sự phù hợp của Dự án Hạ tầng kỹ thuật Đền Thượng thành phố Lào Cai và khu dân cư tổ 27, phường Lào Cai đối với pháp luật hiện hành.

Việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ thành phố Lào Cai nhằm tiếp thu ý kiến, góp ý, đề xuất của các nhà nghiên cứu, đại diện tổ chức chính trị, các thành phần xã hội, tầng lớp nhân dân đối với chủ trương đầu tư thực hiện Dự án quan trọng này góp phần bảo vệ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Thượng, thiết thực phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân và phát triển du lịch.

Theo Bảo tàng tỉnh Lào Cai, thành phố biên cương Lào Cai có nhiều ngôi đền được du khách chọn tới chiêm bái nhưng nổi tiếng nhất là đền Thượng hơn 200 tuổi là Di tích lịch sử quốc gia.

Đền được xây dựng trên đồi cao Mai Lĩnh sát đường biên giới Việt - Trung, nơi đây có cây đa hàng trăm tuổi được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.

Đền Thượng  thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - người có công lớn, chỉ huy đánh thắng giặc Nguyên - Mông thế kỷ XV và từ lâu được tôn vinh là Đức Thánh Trần.

Ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, Lễ hội xuân đền Thượng được thành phố Lào Cai tổ chức trọng thể, ngoài phần lễ, tưởng nhớ công lao to lớn của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là phần hội với nhiều hoạt động văn nghệ - thể thao dân tộc thu hút hàng chục vạn nhân dân địa phương và du khách từ mọi miền tới tham dự.

Đây là Hội xuân lớn nhất của thành phố Lào Cai và được đông đảo du khách nước ngoài tới thăm địa phương chung vui.

Đền Thượng đã từng được nhà vua triều Nguyễn ban sắc phong và cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và Lễ hội Đền Thượng cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.