1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Làng cổ Hà Nội: Vỡ nát cảnh quan

Bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Hà Nội đang trở nên cấp bách và đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc, bởi thực trạng phai nhạt bản sắc, mai một các giá trị văn hóa diễn ra ngày càng gay gắt.

Trong đó, sự phá vỡ cảnh quan, không gian, kiến trúc truyền thống và đặc trưng… là những điều dễ nhận thấy nhưng dường như đang bị bỏ qua?

Hỏng từ cổng làng

TS Phạm Thị Lan Anh - Phòng Quản lý di sản văn hóa Hà Nội phản ánh, đến nhiều làng cổ ở Hà Nội đều thấy sự đô thị hóa với các nhà cao tầng đan xen với những ngôi nhà cổ, các con đường làng nhỏ đôi khi chạy ngoằn ngoèo được xây dựng lại thẳng tắp, rác thải hay vật liệu xây dựng bừa bộn. Cũng bởi dân số tăng, nhiều gia đình phải chia nhỏ mảnh đất cha ông để lại cho các con xây nhà ở riêng, chứ không chung sống theo kiểu gia đình ba, bốn thế hệ trong ngôi nhà truyền thống lợp ngói không tiện nghi hay chật hẹp.

Một góc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội

Một góc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội

Làng cổ mai một, xuống cấp, phai nhạt bản sắc, có thể nhận ngay ra từ cái nhìn tổng thể cho đến sự quan sát những công trình kiến trúc, cảnh quan cụ thể hoặc theo dõi nếp sinh hoạt văn hóa của người dân sở tại. TS Tạ Quốc Khánh - Viện Bảo tồn di tích “ngán ngẩm” cho chiếc cổng làng: Nhiều cổng làng bị đập bỏ, đường làng được mở rộng hơn hoặc có làng bỏ ra hàng tỉ đồng xây lại cổng mới to, rộng hơn, sơn lòe loẹt nhưng không có hồn. TS Khánh nhấn mạnh: Đáng buồn hơn, kiểu dáng kiến trúc cứ na ná như nhau, cổng làng trở thành những chiếc cổng chào vô cảm. Còn Th.S-KTS Nguyễn Đỗ Hạnh - Viện Bảo tồn di tích, với cái nhìn mặt nước trong các làng cổ như một yếu tố vật chất và không gian quan trọng, thì qua khảo sát cho biết, các làng ven hồ Tây trước nằm trong hệ thống sông, hồ, ao chằng chịt. Tuy nhiên đến nay, có sông không còn dấu vết, các ao đầm bị san lấp hoặc ô nhiễm, tù đọng nước thải.

Được biết, hiện trên toàn địa bàn Hà Nội, có khoảng hơn 60 làng đang là đối tượng cho việc đưa vào danh mục để lựa chọn công nhận là làng cổ. Tuy nhiên, từ việc thống kê, bước đầu xem xét để đi đến đề xuất chọn lựa, rồi mới quyết định công nhận để có hướng bảo tồn hay không, còn là quãng thời gian rất dài. Trong khi hiện nay, sự hủy hoại các giá trị không gian, cảnh quan, kiến trúc, mỹ thuật, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp… đã trở thành vấn đề nổi cộm và là thực trạng quen thuộc. Theo Th.S Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, thì với trường hợp làng cổ Đường Lâm - di tích quốc gia đặc biệt, mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển đặt ra rất gay gắt. Cũng như vậy, với nhiều làng cổ chưa được xếp hạng khác như Cự Đà (Thanh Oai), làng Cựu (Phú Xuyên), Đông Ngạc (Từ Liêm)… thì nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian làng truyền thống là rất lớn, làm cho quỹ di sản văn hóa Hà Nội bị vơi cạn.

Phát triển phải bảo tồn

Việc bảo tồn làng cổ Hà Nội đang được thực tế đặt ra một cách gay gắt, dù có thể trong mắt một số nhà quản lý, đây chưa đến mức “cháy nhà”! Còn nhiều những đánh giá về mức độ hệ trọng khác nhau, cũng như có những quan điểm chưa đồng nhất về bảo tồn theo diện, theo điểm, chọn lựa để bảo tồn hay bảo tồn đại trà. Bên cạnh đó, dù giới nghiên cứu có đưa ra rất nhiều những ý tưởng, giải pháp, đề xuất thì việc đón nhận, áp dụng, triển khai của chính quyền các cấp, các sở ngành chức năng vẫn chậm chạp, bất cập. Những điều này khiến cho nhiều năm qua, các làng cổ biến dạng, bị làm xấu, làm bẩn, bị ô nhiễm nặng nề, nhưng việc chống lại, làm chậm lại tốc độ chóng mặt đó lại rất yếu ớt. Cho đến khi, nhìn trên diện rộng, rất nhiều làng cổ đã “sứt sẹo”, méo mó như trên đã phản ánh một phần, thì dường như hoàn cảnh, điều kiện lại không cho phép có thể cứu chữa, bảo tồn được tất cả. Ngoài ra, sự thay đổi, biến dạng của các làng cổ vốn đã diễn ra từ lâu, để lại những hậu quả, nên có cứu chữa thì cũng không thể kéo lại được những gì đã mất.

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, thách thức lớn đối với việc bảo tồn là công cuộc phát triển của Hà Nội khó cho phép giữ được nhiều làng cổ cũ. Với nhu cầu có thật, cần được tôn trọng của người dân, là cần được ở trong những cơ ngơi mới, thuận lợi về các điều kiện sinh hoạt, việc bảo vệ những ngôi nhà truyền thống trở nên rất khó khăn. Bởi vậy, theo GS Kính, cần đặt việc giải quyết vấn đề vào bài toán của tính khả thi. Nếu cứ bảo tồn tràn lan thì những tinh hoa quan trọng nhất sẽ dễ bị đánh mất. GS Kính cảnh báo, hàng trăm làng cổ Hà Nội trở nên những ứ tồn của lịch sử, biến thành những ốc đảo và là những dị thể của một đô thị văn minh.

Cổng xóm ở xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội

Cổng xóm ở xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội

Cùng với quan điểm này, tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội” do Viện Bảo tồn di tích tổ chức mới đây, một số ý kiến chuyên gia đã đề cao vấn đề bảo tồn phải gắn liền với phát triển, giữ gìn cái cũ giá trị phải không được ngăn cản cái mới văn minh, tích cực, bảo tồn phải tôn trọng và gắn với lợi ích cộng đồng chủ thể của làng cổ… GS.TS.KTS Phạm Đình Việt cho rằng, vai trò của cộng đồng rất quan trọng vì họ là những người sở hữu các di sản một cách hữu hình và vô hình, họ cần được hưởng lợi nhuận tư nó nhưng đồng thời họ cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó một cách trung thực nhất. Nhà nước nên đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ tích cực.

Bảo vệ gấp di sản

Như vậy, trên cơ sở những quan điểm, tinh thần bảo tồn làng cổ cùng các giải pháp mà các nhà nghiên cứu cố vấn, giới quản lý, thực hành bảo tồn cần chọn lấy những giải pháp phù hợp để sớm áp dụng. Và cũng không ngừng tranh thủ sự tham gia của giới nghiên cứu trong thực tế bảo tồn, phát huy để kịp thời điều chỉnh. Như GS Kính đề xuất thì nên coi làng cổ là di sản chứ không phải là di tích và cần phải mở rộng luật cho “mềm” hơn, vì Việt Nam nhiều di sản hơn là di tích, nhất là những di sản sống động. Còn GS Việt đề nghị xây dựng bản đồ làng cổ để từng bước xếp hạng và có các cấp độ bảo tồn khác nhau.

Với một góc nhìn trong bảo tồn làng cổ, TS.KTS Lê Quỳnh Chi - Trường ĐH Xây dựng cho rằng: Cần nhận diện và có các nghiên cứu chuyên sâu về giá trị giao thoa văn hóa Đông - Tây trong không gian kiến trúc cảnh quan làng ngoại thành Hà Nội. Cần nhìn nhận đây là một quỹ di sản riêng và có các ứng xử phù hợp. TS Chi cũng đề nghị giữ không gian xanh ngoài làng, có các quy định về thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan nhằm giữ gìn cổng làng, đồng thời tôn trọng kiến trúc truyền thống, duy trì cảnh quan truyền thống.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến vấn đề giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, không gian làng quê, các công trình kiến trúc tâm linh, tín ngưỡng và nhà ở truyền thống. Nên chăng, trước khi có được những đề án, chương trình lâu dài, bảo tồn, phát huy di sản làng cổ Hà Nội, thì với các công trình truyền thống, sự vật của làng cổ như hệ thống cổng, đình, chùa, đền, miếu, cầu, quán, giếng nước, cây cổ thụ… thì nhà nước, TP Hà Nội cần đầu tư để các chuyên gia và cơ quan quản lý, xây dựng các bộ nguyên tắc hay quy định trong việc gây dựng, bảo vệ hay trả lại cảnh quan không gian phù hợp với quy mô công trình, sự vật. Cần đưa ra những quy định nghiêm khắc và kiên quyết trong việc bảo vệ và xử lý những xâm phạm đến diện tích mặt nước, không gian xanh, không gian công cộng của các làng cổ.

Ngoài ra, một mảng rất thiếu lâu nay là những quy định và chế tài xử phạt trong hoạt động xây dựng vốn rất tự do, bừa bãi tại các làng cổ. Rất cần có những quy định đủ sức ràng buộc, răn đe, liên quan đến những khu vực được phép xây dựng, chiều cao cho phép, kiểu dáng kiến trúc… trong làng cổ, để người dân có điều kiện nâng cấp điều kiện sống nhưng không được gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung và các di tích, di sản trên địa bàn.

Theo Xuyên Sơn
Petro Times