Lần đầu tiên chấm điểm công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian Việt Nam

(Dân trí) - Cục Văn hóa cơ sở và Báo Văn hóa thuộc Bộ VH,TT&DL đã họp báo, lấy ý kiến cơ quan thông tin đại chúng bằng hình thức chấm điểm nhằm đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian của 63 tỉnh, thành phố trong mùa lễ hội năm 2015.

Theo ông Trần Đăng Khoa - Tổng Biên tập báo Văn hóa cho biết, việc lấy ý kiến đánh giá của các cơ quan báo chí bằng hình thức chấm điểm góp phần tăng tính khách quan, hiệu quả trong đánh giá, phân loại công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian ở các tỉnh, thành phố mùa lễ hội năm 2015.

Bởi trong mỗi mùa lễ hội, các cơ quan báo chí đã luôn theo sát, đồng hành và phản ánh đa chiều các nội dung, diễn biến các lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, diễn ra trong nhiều ngày, thu hút đông lượng người tham dự. Thông tin báo chí nêu đã góp phần quan trọng, hỗ trợ đắc lực công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động lễ hội.

Lấy ý kiến đánh giá của các cơ quan báo chí về công tác tổ chức lễ hội 2015
Lấy ý kiến đánh giá của các cơ quan báo chí về công tác tổ chức lễ hội 2015

Bà Trịnh Thu Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, mục đích chấm điểm này sẽ đánh giá tốt hơn (theo phương thức cũ Cục VHCS đánh giá theo báo cáo), sau đó Cục sẽ tổng hợp các báo cáo để đánh giá từng địa phương. Bộ VH, TT&DL cũng sẽ dựa vào đó để đánh giá công tác thi đua cả năm.

Theo đó, việc chấm điểm đánh giá sẽ có 3 bên cùng tham gia đó là các địa phương tự đánh giá, báo cáo và chấm điểm; đánh giá, chấm điểm từ phía cơ quan quản lý nhà nước; các cơ quan báo chí. Điểm số này sẽ là căn cứ để các địa phương cũng như cơ quan quản lý cấp Bộ có điều kiện, cơ sở đánh giá hiệu quả quản lý, tổ chức lễ hội.

Bảng điểm có thang điểm tối đa là 100, chia thành 6 mục cụ thể, mỗi mục cũng được chia thành các nội dung cụ thể với mức điểm tương ứng như: Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm; Quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ Bộ VHTTDL; Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Đảm bảo môi trường ăn toàn tổ chức lễ hội; Tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật; Thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở.

Bảng tiêu chí chấm điểm cũng có quy định rõ ràng về Điểm cộng, điểm trừ. Kết quả, các địa phương đạt từ 95-100 điểm được xếp loại A - hoàn thành xuất sắc; 85-94 điểm loại B - Hoàn thành tốt; 51-84 điểm loại C - Hoàn thành và chưa hoàn thành là loại D - dưới 50 điểm.

Lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng là một trong những nghi lễ hiến sinh gây tranh cãi trong năm qua. Ảnh: AAF
Lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng là một trong những nghi lễ hiến sinh gây tranh cãi trong năm qua. Ảnh: AAF

Việc làm được kỳ vọng góp phần siết chặt công tác tổ chức, quản lý lễ hội nhưng hầu hết phóng viên dự buổi lấy ý kiến lo ngại về tính hình thức, cảm tính. Nhiều phóng viên cho rằng, cả nước hiện có khoảng cả nước hiện có khoảng 8.000 lễ hội, phần lớn là các lễ hội dân gian, các lực lượng chức năng trong đó có báo chí không thể đi hết toàn bộ các lễ hội nằm rải rác khắp 63 tỉnh, thành phố, nên việc chấm điểm cũng cần tập trung hơn vào các lễ hội lớn, nổi trội...

Theo đại diện các cơ quan báo chí, việc chấm điểm mỗi mùa lễ hội là nên làm nhưng không nhất thiết phải chấm điểm toàn bộ 63 tỉnh, thành phố có lễ hội mà nên chấm điểm theo các lễ hội lớn, thu hút đông người tham gia, lễ hội đã có những hiện tượng nổi cộm, hạn chế nhiều năm chưa được khắc phục...

Quỳnh Nguyên