Làm "bầu" - Khi tâm trạng lên xuống theo... khán giả

Dù ở đâu, nhà hát hay một góc quán, lúc sang hay lúc khó... sân khấu vẫn là nơi giữ lửa nghề, tìm phút thăng hoa của người nghệ sĩ. Và sau cánh màn nhung còn rất nhiều câu chuyện...

Nghề làm bầu được xem là nghề coi khán giả. Mỗi đêm diễn, từ màn nhung cánh gà sân khấu nhìn xuống, thấy khán giả đầy thì cảm xúc của bầu cũng đầy, mà khán giả lưng lửng thì cảm xúc của bầu cũng... lưng lửng.

 

Mối quan hệ giữa khán giả với ông bầu gần như là mối quan hệ giữa mặt trăng với thủy triều vậy, trăng tròn thì nước lớn. Nói về nghề của mình, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cho biết: “Nghề làm bầu không coi vở diễn, chỉ coi khán giả...!”.

 

Dạo này kinh tế khó khăn, tâm trạng làm bầu của Văn Long - sân khấu Nụ Cười Mới - cũng trồi sụt thất thường. Ông bầu lên thay nghệ sĩ Hữu Lộc (ra đi vì một tai nạn giao thông hồi năm 2010) này tâm sự: “Hồi trước có những tên tuổi như Hoài Linh, Chí Tài, Thanh Thủy... thì sân khấu 300 ghế của Nụ cười mới thường kín chỗ.

 

Nửa năm trở lại đây, mỗi đêm diễn chỉ độ 100-150 vé, hôm nào kín khán giả thì mừng. May mà khán giả ít trả vé, khoảng 100 suất diễn thì đôi khi bị trả vé một suất!”.

 
Nghệ sĩ Hồng Vân (trái) và Ái Như (phải) - hai “bà bầu” của làng kịch TP.HCM

Nghệ sĩ Hồng Vân (trái) và Ái Như (phải) - hai “bà bầu” của làng kịch TP.HCM

 

Buồn vui theo... chiếc vé

 

Từng là một diễn viên trước khi cáng đáng vai trò làm bầu cho sân khấu Nụ cười mới, so sánh tâm trạng diễn viên với tâm trạng làm bầu, Văn Long nói: “Lúc trước làm diễn viên chỉ diễn, gặp hôm khán giả đông thì diễn sung lên một chút, còn khán giả thưa thớt thì cũng... không sao. Lương mình vẫn lĩnh đủ. Bây giờ mỗi đêm mở màn nhìn xuống khán giả chỉ khoảng 100 ghế là... buồn”.

 

Phía sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như dí dỏm rằng từ lúc làm bầu chị mới có những kinh nghiệm mà... bỏ tiền mới mua được. Kinh nghiệm mua bằng tiền này hiểu đúng theo nghĩa đen, nghĩa là những lúc đầu tư âm thanh, ánh sáng, sân khấu... phải hao hụt mất một số tiền mới mua được kinh nghiệm kinh doanh.

 

Nhưng đó là chuyện bên lề, nỗi băn khoăn của êkip Thành Hội - Ái Như - Lê Bảo Anh vẫn là tính chuyên nghiệp của sân khấu, làm sao thuyết phục được khán giả đến rạp. Điều mà đạo diễn Ái Như thừa nhận là khán giả của Hoàng Thái Thanh còn ít, nhưng đó là những khán giả yêu mến sân khấu này thật sự như lời chị nói:

 

“Từng đêm diễn, nhìn xuống khán giả tôi thấy họ có một nhu cầu đòi hỏi nghệ thuật rất lớn mà để thỏa mãn được nhu cầu đó, chúng tôi phải lao tâm lao lực. Họ là những khán giả kén chọn, khó tính, nhưng chúng tôi biết đó là những khán giả yêu sân khấu Hoàng Thái Thanh”.

 

Gần ba năm thành lập, sân khấu Hoàng Thái Thanh ra mắt 19 vở, quả là một khối lượng công việc rất nhiều. Đó là cách làm việc cật lực để xây dựng một phong cách kịch trong khi chờ khán giả tới.

 

“Vì lượng khán giả của chúng tôi ít nên vở mới sẽ mau thành vở... cũ, mà họ lại luôn yêu cầu vở mới. Điều này quả là một áp lực với chúng tôi. Do vậy, ngay cả khi dựng lại những vở cũ, chúng tôi cũng cố gắng làm mới để hợp với khán giả hôm nay!”, nghệ sĩ Ái Như tâm sự.

 

Bầu Văn Long của Nụ cười mới cũng đồng tình chia sẻ rằng để thu hút khán giả thì trước tiên phải ra kịch mới. “Khán giả bây giờ không còn thụ động nữa. Khi xem kịch, có điều gì không ổn là họ phản ảnh ngay trên trang web của sân khấu hoặc trên Facebook.

 

Do vậy, cái khó là phải có kịch bản chắc tay, nhưng thật ra những người viết kịch kỳ cựu hiện nay làm việc không nhiều vì họ bận viết phim. Có khi họ chỉ giao kịch bản 30-40 trang với cái ý và cái sườn. Nhiều lúc chúng tôi làm một vở kịch chỉ từ một cái tứ kịch bản nào đó thôi, rồi mình gia giặm thêm”, Văn Long nói về cái khó của việc đòi hỏi một kịch bản hay, hoàn chỉnh lúc này.

 

Tâm sự làm bầu

 

Đóng góp của những người làm bầu là định hình phong cách của mỗi sân khấu. Sân khấu IDECAF là những vở náo kịch hoặc kịch lịch sử hoành tráng. Sân khấu Hồng Vân theo dòng kịch chuyển thể văn học, kịch kinh dị. Sân khấu Nụ cười mới là những tiếng cười dân dã. Sân khấu kịch Sài Gòn là những vở kịch sinh hoạt, kịch kinh dị... Những phong cách đó đang làm nên bộ mặt của sân khấu kịch nói TP.HCM hôm nay.

 

NSND Hồng Vân nói rằng làm bầu là câu chuyện đối nhân xử thế. Bà bầu này nổi tiếng mát tay trong việc lăngxê những gương mặt trẻ của sân khấu Phú Nhuận. Khi còn nắm sân khấu kịch Sài Gòn, ông bầu Phước Sang cũng rất mau mắn trong việc giúp đỡ các nghệ sĩ lúc khó khăn. Tiệc ma chay, cưới hỏi gì của giới nghệ sĩ đều thấy Phước Sang sốt sắng lo.

 

Còn ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thì tự hào đã lo đầy đủ chế độ phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản... cho các nghệ sĩ của IDECAF. Văn Long thì đùa rằng làm bầu là “làm dâu trăm họ”, vừa chiều khán giả, vừa chiều diễn viên. Không được lòng khán giả thì khổ, mà bị diễn viên mè nheo, ra yêu sách cũng... mệt.

 

Nghề làm bầu là chiều khán giả, nhưng nói thế không có nghĩa là họ không có những băn khoăn nghề nghiệp. Như bầu Văn Long tâm sự: “Mỗi năm, chúng tôi đều cố gắng làm một, hai vở có chất lượng nghệ thuật. Chúng tôi vẫn cần những vở như vậy để cảm nhận sự lao động nghệ thuật. Làm nghệ sĩ đâu phải chỉ hài bông lơn...”.

 

Còn phía sân khấu IDECAF, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói rằng mỗi lần ra nước ngoài, học hỏi từ thế giới thì cũng muốn làm cái này cái nọ lắm. Nhưng rồi, mỗi đêm vạch tấm màn nhung nhìn khán giả ông lại tự hỏi: “Liệu có thể mạo hiểm với những khán giả dưới kia không?”. Quả thật, với nghề làm bầu, chuyện bán vé là lẽ “sinh tử”, không dễ dàng mạo hiểm được...!

 

Duy trì một sân khấu: Chuyện không dễ

 

Tối 6/1, một điểm diễn mới là kịch Lê Hay đã ra mắt khán giả thành phố tại Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh (142 Đinh Tiên Hoàng). Trong lúc kinh tế khó khăn, sự ra đời của kịch Lê Hay là khát vọng làm nghề hơn là tín hiệu “nở nồi” của sân khấu.

 

Trước đây cũng có nhiều người đầu tư vào sân khấu Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, sân khấu Cung văn hóa Lao động và có chung kết quả là... rút lui. Trước tiên vì các sân khấu này hẹp về không gian, rất khó xử lý. Và lý do nữa là không phải ai cũng có duyên làm bầu...

 

Để có được những điểm diễn ổn định hôm nay như kịch IDECAF, kịch Phú Nhuận, kịch Sài Gòn... thì những bầu như Hồng Vân, Huỳnh Anh Tuấn - Thành Lộc, Phước Sang đã hơn 10 năm gầy dựng.

 

Những sân khấu “trẻ” gần đây như kịch Hoàng Thái Thanh, kịch Thế giới phẳng, kịch Nụ cười mới cũng đang khẳng định chỗ đứng. Tuy nhiên, hiện tại các ông, bà bầu phải đối diện với tình trạng khó khăn như khan hiếm nguồn kịch bản, cạnh tranh diễn viên với phim truyền hình...

 

Vì vậy, họ yên tâm với sự ổn định của từng đêm diễn hơn là tính chuyện “nở nồi” thêm sân khấu như thời chưa bị phim truyền hình, điện ảnh lấn át.

 

Theo Quang Thi

Tuổi trẻ