1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Kỳ lạ căn bệnh “cuồng sách” từng một thời gây ám ảnh con người

(Dân trí) - Một người đàn ông mắc chứng “cuồng sách” từng đánh cắp… hơn 4.500 cuốn sách từ thư viện. Hội chứng tâm lý “cuồng sách” đã từng một thời tồn tại, gây ám ảnh giới hàn lâm, học thuật. Ngày này, “cuồng sách” chỉ còn là một hiện tượng "kỳ lạ" thuộc về dĩ vãng.

Dù đây không phải một chứng bệnh tâm lý thực sự, nhưng đã từng có thời, khi những cuốn sách là nguồn tiếp cận duy nhất với tri thức đỉnh cao của nhân loại, những người ham mê đọc sách, say mê sưu tầm sách, đã phải sống trong nỗi sợ hãi rằng: Liệu mình có đang mê mải quá đà và mắc chứng “cuồng sách” (tên tiếng Anh: bibliomania) hay không?

Thực tế, ở những thế kỷ về trước, đây là một chứng bệnh có thực, được y học nhìn nhận đến và khá thường thấy trong giới hàn lâm, nhưng kể từ khi các phương tiện thông tin trở nên đa dạng, con người có nhiều cách để tiếp cận kiến thức, và sách không còn là chiếc cầu nối duy nhất nữa, người ta đã quên mất rằng từng có một thời, căn bệnh “cuồng sách” tồn tại.

Kỳ lạ căn bệnh “cuồng sách” từng một thời gây ám ảnh con người - 1

Trong lịch sử căn bệnh “cuồng sách”, nổi tiếng nhất phải kể tới học sĩ người Đức có tên Alois Pichler - người sống trong thế giới sách vở theo đúng nghĩa đen, cuộc sống của ông luôn gắn liền bên những cuốn sách. Năm 1869, Alois Pichler, đến từ bang Bayern (Đức), được bổ nhiệm làm thủ thư cao cấp tại Thư viện Công cộng Hoàng gia Nga nằm ở St. Petersburg.

Đây là một vị trí công việc rất lý tưởng, đem về cho ông mức lương cao gấp 3 lần một thủ thư bình thường.

Trong khi đa phần các thủ thư đều có một tình yêu đặc biệt dành cho những cuốn sách, thì ông Alois Pichler lại yêu chúng đến một mức thành ra khổ sở, ám ảnh, không thể kìm nén được. Một vài tháng sau khi ông Pichler đảm nhận vị trí thủ thư cao cấp tại thư viện, các nhân viên ở đây nhận thấy rằng một số lượng sách bắt đầu biến mất bí ẩn.

Kỳ lạ căn bệnh “cuồng sách” từng một thời gây ám ảnh con người - 2

Họ nghi ngờ thư viện đang bị trộm sách. Các nhân viên bảo vệ thì nhận thấy rằng ông Pichler có cách hành xử khá lạ lùng và lặp đi lặp lại: Khi đi qua trước mặt họ ở lối cửa ra vào, ông Pichler thường làm rơi những cuốn sách từ trong áo và như thể sực nhớ ra đây là sách của thư viện, ông lại vội vã quay trở vào để xếp sách lên giá.

Trang phục thường thấy của ông là những chiếc áo khoác dài rộng, to sụ, và ông thường rời khỏi thư viện vài lần trong một ngày làm việc. Tất cả những điều này khiến người ta quyết định phải bắt đầu để ý đến ông. Tới tháng 3/1871, người ta tổng kết được rằng có hơn 4.500 cuốn sách đã bị đánh cắp khỏi thư viện.

Những cuốn sách này có nội dung rất đa dạng, thuộc nhiều thể loại, và người duy nhất đánh cắp toàn bộ số sách này không ai khác lại chính là thủ thư cao cấp của thư viện - ông Pichler. Ông được biết đến trong lịch sử là người đánh cắp số lượng sách lớn nhất từ thư viện.

Phòng đọc ở Thư viện Công cộng Hoàng gia Nga, nằm ở thành phố St. Petersburg. Ảnh chụp hồi năm 1881. Nơi đây từng chứng kiến vụ đánh cắp sách lớn nhất trong lịch sử.
Phòng đọc ở Thư viện Công cộng Hoàng gia Nga, nằm ở thành phố St. Petersburg. Ảnh chụp hồi năm 1881. Nơi đây từng chứng kiến vụ đánh cắp sách lớn nhất trong lịch sử.

Ông Alois Pichler bị đưa ra tòa. Tại phiên tòa, luật sư của ông đã bào chữa rằng ông Alois Pichler đã không còn đủ năng lực kiểm soát hành vi, rằng ông đã bị mắc phải một chứng bệnh tâm thần kỳ lạ, một hội chứng ám ảnh tâm lý chưa được luật pháp và y học biết tới, khiến ông bị hối thúc mạnh mẽ bởi một niềm đam mê cuồng nhiệt, không thể cưỡng lại và cũng không thể kìm nén, đó là được sở hữu nhiều thêm, nhiều thêm nữa… những cuốn sách.

Cách bào chữa này được hy vọng sẽ giúp làm giảm nhẹ tội trạng cho ông Alois Pichler, nhưng không phát huy hiệu quả. Alois Pichler sau đó bị kết án và phải chịu lưu đày. Ông là một trường hợp điển hình và được biết tới nhiều nhất khi người ta nói tới chứng “cuồng sách”.

Đây là một hiện tượng tâm lý từng xuất hiện trong giới hàn lâm học thuật ở Châu Âu hồi thế kỷ 19. Triệu chứng của nó là một người trở nên mê cuồng trong việc săn tìm và sưu tầm những ấn bản sách cổ hay những cuốn sách hiếm…

Cuốn “Bibliomania; or Book Madness” (Chứng cuồng sách; hay sự điên rồ vì sách) lần đầu được xuất bản năm 1809. Đây được xem là một trong những ấn bản nổi tiếng nhất nghiên cứu về một chứng bệnh tâm lý hiếm gặp, chủ yếu được biết đến hồi thế kỷ 19.
Cuốn “Bibliomania; or Book Madness” (Chứng cuồng sách; hay sự điên rồ vì sách) lần đầu được xuất bản năm 1809. Đây được xem là một trong những ấn bản nổi tiếng nhất nghiên cứu về một chứng bệnh tâm lý hiếm gặp, chủ yếu được biết đến hồi thế kỷ 19.

Hồi thế kỷ 19, những học giả, những con người thượng lưu, học thức trong xã hội, sẵn sàng làm tất cả để có thể sở hữu những cuốn sách hiếm, bất kể giá cả như thế nào. Thời này, thú sưu tầm sách quý được đánh giá rất cao, là thú vui tao nhã của giới nhà giàu, có học vấn uyên thâm.

Có những người sưu tầm sách cuồng nhiệt đến mức “khuynh gia bại sản” chỉ để thỏa niềm đam mê thực hiện được cho mình một thư viện cá nhân đồ sộ.

Mặc dù trong lịch sử tâm lý học, căn bệnh “cuồng sách” không thực sự được nghiên cứu sâu kỹ, vì nó chỉ tồn tại trong một thời đoạn nhất định, với những điều kiện cụ thể của đời sống - kinh tế - xã hội, nhưng căn bệnh này đã từng thực sự tồn tại hồi thế kỷ 19.

Không có nhiều cuốn sách viết về hội chứng “cuồng sách”, cuốn nổi tiếng nhất được thực hiện bởi giáo sĩ người Anh Thomas Frognell Dibdin (1776-1847), bản thân ông cũng là một người rất yêu những cuốn sách và tự nhận là đã có lúc bị rối loạn hành vi vì tình yêu này.

Kỳ lạ căn bệnh “cuồng sách” từng một thời gây ám ảnh con người - 5

Năm 1809 ông từng viết cuốn “Bibliomania; or Book Madness” (Chứng cuồng sách; hay sự điên rồ vì sách). Nội dung được thực hiện dựa trên những trải nghiệm của cá nhân ông và những nghiên cứu, quan sát đối với những người sưu tầm sách khác mà ông quen biết.

Ở thời này, những con người giàu có và học thức thường sưu tầm sách như một cách để chứng tỏ bản thân. Việc xây dựng trong gia đình mình một phòng đọc đồ sộ được xem là một thú vui tao nhã.

Cuốn “Bibliomania; or Book Madness” khi được xuất bản hồi năm 1809 đã được đón đọc bởi những độc giả thuộc giới thượng lưu. Những người này đương nhiên quen biết nhiều con người “cuồng sách” giống như những gì được miêu tả trong ấn phẩm nghiên cứu tâm lý kỳ lạ này.

Bức vẽ của họa sĩ người Đức Carl Spitzweg hồi năm 1850, khắc họa một quý ông đang chăm chú xem lại những cuốn sách nằm trong thư viện đồ sộ của mình.
Bức vẽ của họa sĩ người Đức Carl Spitzweg hồi năm 1850, khắc họa một quý ông đang chăm chú xem lại những cuốn sách nằm trong thư viện đồ sộ của mình.

Ngày nay, hội chứng “cuồng sách” không còn nữa, thay vào đó, có lẽ là hội chứng “nghiện kết nối”. Căn bệnh “cuồng sách” chỉ còn thi thoảng được nhắc tới trong giới tâm lý học như một hiện tượng thú vị gắn liền với một thời đoạn cụ thể, khi hình ảnh của một cá nhân, thậm chí là mục đích sống của một con người, đã từng có thời gắn liền với những cuốn sách.

Hội chứng “cuồng sách” dần biến mất khi ngành xuất bản ngày một phát triển; phương tiện in ấn trở nên hiện đại; sách không còn quá đắt đỏ, hiếm có như trước; và sách lúc này không còn chỉ dành cho giới nhà giàu nữa.

Lúc này, thị trường sách bắt đầu hình thành và nhanh chóng mở rộng, giá sách sụt giảm nhanh chóng vì số lượng đầu sách xuất hiện trên thị trường tăng nhanh chóng mặt.

Cùng với sự đổi thay của ngành xuất bản, niềm đam mê sưu tầm sách trở nên dễ dàng đạt được với mức kinh phí bỏ ra ít hơn, sự kỳ công trong thú chơi cũng bớt phần phức tạp, sự kịch tính trong việc theo đuổi một ấn bản sách cũng giảm bớt. Vậy là, hội chứng “cuồng sách” dần biến mất ngay trong thế kỷ 19…

Bích Ngọc
Theo Atlas Obscura/Independent