Đạo diễn Việt Tú:

“Không nên biến phản biện thành… khủng hoảng truyền thông”

(Dân trí) – “Chúng ta cần tôn trọng những ý kiến phản biện miễn sao nó có văn hoá, nhưng cũng không nên viện dẫn một vài phản biện để làm ý kiến cuối cùng cho số đông khán giả”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ trước việc đón nhận lời khen tiếng chê từ dư luận…

Năm 2006, khán giả từng “choáng” với khái niệm “vở thời trang” khi anh dàn dựng “Cơn ác mộng của người thợ may”. Lần này, với “Cửa sổ âm nhạc số 2 – Tôi mơ một giấc mơ” vào ngày 21/9 tới tại Hà Nội, anh định tạo nên một “vở diễn âm nhạc” như thế nào?

Đây đơn giản là một sự lầm lẫn thông tin vì chính tôi cũng chưa có phát ngôn gì về chương trình, sẽ không có “vở diễn âm nhạc” nào cả vì đây không phải là một chương trình nhạc kịch, và cũng không thể ứng dụng những công thức đã tạo ra thành công một cách máy móc theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” nghĩa là cứ phải đưa mọi thứ về một phong cách chỉ để tạo ra sự mới lạ mà không cần quan tâm tới tính chất của chương trình.

Cửa sổ âm nhạc số 2 là một liveconcert như nó vốn thế, âm nhạc được lấy làm trung tâm và mọi cách dàn dựng sẽ theo tinh thần đó.
 
“Không nên biến phản biện thành… khủng hoảng truyền thông”
Việt Tú: "Nghệ thuật được sinh ra để giải trí cho con người, nếu đến rạp để căng thẳng hay khô khan thì tôi tin rằng sẽ chẳng ai muốn thưởng thức nghệ thuật cả"

Trong lần làm “Cửa sổ âm nhạc số 1”, anh có nói đại ý anh mang tiếng là đạo diễn của các show nhiều tiền, nhưng anh muốn cho thấy anh còn là đạo diễn của các show không nhiều tiền. Vậy chương trình lần này,  anh sẽ làm theo phong cách “không nhiều tiền”…?

Tôi có thể làm show với mọi mức kinh phí khác nhau, miễn sao người mời tôi cộng tác hiểu được họ có gì và muốn gì. Việc “chỉ làm show nhiều tiền” là một khái niệm không mong muốn mà một số người vô hình chung bằng sự quan sát mang tính bề nổi đã đề cập đến và với Cửa sổ âm nhạc số 1 cũng như rất nhiều chương trình khác tôi từng thực hiện đã chứng minh điều ngược lại.

Phong cách của Cửa sổ âm nhạc số 2 thế nào thì phong cách của việc dàn dựng sân khấu sẽ là như vậy chứ không phải vì có nhiều tiền mà lý ra nó phải là một sân khấu âm nhạc đúng nghĩa thì chúng ta lại làm méo mó nó đi chỉ để tiêu hết số tiền có được và ngược lại.

Nhạc sĩ Dương Thụ kiêm giám đốc nghệ thuật chương trình này vốn là người khó tính trong việc lựa chọn cách thể hiện tác phẩm của mình cũng như ông từng chia sẻ: hát nhạc Dương Thụ chỉ cần hát mộc mạc, tự nhiên là hay rồi, không cần thêm nếm gì nữa… Nhưng chương trình lần này đáp ứng cả hai yếu tố nghe  và nhìn, thưởng thức và giải trí. Anh xoay sở thế nào với “bài toán” này?

Bản thân câu hỏi của chị đã bao hàm luôn ý nghĩ của một câu trả lời. Tôi chỉ làm đúng những gì vốn là bản chất của nhạc sĩ Dương Thụ cũng như của chương trình. Dương Thụ với tôi là một nghệ sĩ cực đoan, không thoả hiệp trong âm nhạc và lý do tôi nhận lời làm việc với nhạc sĩ chính là yếu tố này.

Thêm nữa âm nhạc của Dương Thụ vốn tự thân đã mang tính biểu cảm và tượng hình cao nên việc “tô son trát phấn” thêm vào một cô gái đã đẹp sẵn thì tôi thấy là không thực sự cần thiết.

Còn việc phải đáp ứng giữa yếu tố nghe và yếu tố giải trí thì đương nhiên show diễn nào cũng phải làm được, vì nghệ thuật được sinh ra để giải trí cho con người, nếu đến rạp để căng thẳng hay khô khan thì tôi tin rằng sẽ chẳng ai muốn thưởng thức nghệ thuật cả.
 
“Không nên biến phản biện thành… khủng hoảng truyền thông”


“Không nên biến phản biện thành… khủng hoảng truyền thông”
Việt Tú dàn dựng phần trình diễn "Ngẫu hứng sông Hồng" của ca sĩ Hồng Nhung tại chương trình Bài hát yêu thích. Phần trình diễn này đón nhận nhiều luồng ý kiến khen chê trong dư luận...

Gần đây, phần trình diễn “Ngẫu hứng sông Hồng” của ca sĩ Hồng Nhung sáng tạo với bản phối lạ tai, cách hát như nhập đồng trên sân khấu, tuy nhiên tiết mục lại nhận phản ứng trái chiều vì cho rằng dàn dựng như kinh kịch, rồi các vũ công thì đeo mặt nạ… Có vẻ như Việt Tú luôn muốn phải thật khác lạ?

Điều tôi luôn hướng đến là thành công. Khác lạ hay bình thường chỉ là công cụ, quan trọng mọi sáng tạo (nếu có) cần được nằm trên một mặt bằng văn hoá cho phép. Đã là sáng tạo đương nhiên sẽ tạo ra những ý kiến khen chê trái chiều, điều này sẽ là động lực để những nghệ sĩ tiếp tục hoàn thiện con đường sáng tạo của mình.

Là đạo diễn của các chương trình, anh đón nhận thế nào trước lời khen tiếng chê trái chiều của dư luận?

Dù chính xác hay không chúng ta cần tôn trọng những ý kiến phản biện miễn sao nó có văn hoá nhưng cũng không nên viện dẫn một vài phản biện để làm ý kiến cuối cùng cho số đông khán giả. Đồng thời cũng không nên biến những phản biện (xét về mặt bản chất) cũng chỉ là ý kiến mang yếu tố cảm tính cá nhân để biến nó thành những tranh luận không đáng có, thậm chí khủng hoảng truyền thông trong trường hợp những người trong cuộc đôi khi vì một lý do nào đó phát ngôn của họ bị hiểu không chính xác.
 
“Không nên biến phản biện thành… khủng hoảng truyền thông”
"Ở Việt Nam, người đạo diễn còn phải lo từ việc sân khấu được thi công có thực sự kỹ càng sạch sẽ hay không, cái phông sân khấu có bị rách, cái sàn sân khấu có bị bẩn trước giờ diễn không, cái dây giắc của người nhạc công đã được cắm đúng chỗ để không gây chập điện khi biểu diễn hay chưa..."

Đảm nhận vai trò đạo diễn, không chỉ đảm bảo yếu tố toàn vẹn của chương trình mà còn liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo để đem đến cho khán giả những tiết mục, chương trình ấn tượng. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự sáng tạo và…phản cảm đôi khi cũng rất mong manh…?

Ngoài những yếu tố về nghề đạo diễn đã được nêu ra trong câu hỏi, ở Việt Nam, người đạo diễn còn phải lo từ việc sân khấu được thi công có thực sự kỹ càng sạch sẽ hay không, cái phông sân khấu có bị rách, cái sàn sân khấu có bị bẩn trước giờ diễn không, cái dây giắc của người nhạc công đã được cắm đúng chỗ để không gây chập điện khi biểu diễn hay chưa…. vì vậy sự vất vả và thách thức trong “sáng tạo” cũng nhân lên gấp nhiều lần. Sự sáng tạo có thể gây ra tranh cãi đó là điều bình thường bao đời nay vẫn thế.

Hơn nữa cũng cần có một định nghĩa về thế nào là “phản cảm” thì những nhận xét mới chính xác, không thể vì sự tranh cãi hay phản biện mà quy kết là phản cảm. Sự phản cảm chỉ có thể đến từ những vùng văn hoá thấp với những người làm văn hoá nhưng lại không có đủ phông văn hoá cần thiết.

Là đạo diễn có tài, thông minh và cả sự….kiêu ngạo, thời điểm này việc anh đón nhận những luồng khen chê từ dư luận có khác cách đây gần chục năm?

Nhân vô thập toàn, những gì diễn ra trong suốt hơn chục năm qua kể từ ngày tôi chính thức bước chân vào lĩnh vựa này (bao hàm cả khái niệm Hay và Dở) đã làm những bài học để tôi cố gắng hoàn thiện mình.

Tôi chưa bao giờ có ý định uốn mình hay thay đổi tính cách chỉ để làm hài lòng ai đó nhưng điều chỉnh sao cho phù hợp để có được sự hạnh phúc trong cuộc sống và thành công hơn nữa trong sự nghiệp là điều tôi vẫn luôn suy ngẫm và thực hành hàng ngày.

Xin cảm ơn anh!

 
Nguyễn Hằng