Nhà sử học Dương Trung Quốc:

“Không giữ được giá trị của Hoa hậu thì phải mạnh dạn tước vương miện”

(Dân trí) - “Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có tiền lệ tước vương miện Hoa hậu như một số quốc gia khác. Nhưng tôi nghĩ rằng, về nguyên tắc, người nào không còn giữ được vai trò, giá trị của một Hoa hậu thì chúng ta phải mạnh dạn tước quyền…”, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Trưởng BGK Hoa hậu Việt Nam 2016 chia sẻ.

Với tư cách Trưởng BGK Hoa hậu Việt Nam 2016, ông nhìn nhận như thế nào về mặt bằng nhan sắc của thí hai miền Nam - Bắc?

Đây là lần đầu tiên tôi ngồi ở ghế BGK của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Tôi ý thức được rằng đây là cuộc thi nhan sắc có bề dày lịch sử và mang tính chính thống nhất hiện nay. Tuy nhiên, tôi chưa có điều kiện được trải nghiệm tính quá khứ của cuộc thi này.

Có thể nói, chúng tôi có một nguyên tắc thống nhất với nhau trong Ban giám khảo (BGK) là cố gắng để những thí sinh lọt vào vòng không biến thành những “diễn viên quần chúng”, làm nền cho các thí sinh khác. Chúng tôi cố gắng chọn được những thí sinh chất lượng để họ có thể vươn lên cao nhất bởi họ có quãng thời gian khá dài để đào luyện và chắc chắn họ sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian đó.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với phóng viên bên lề Chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2016.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với phóng viên bên lề Chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2016.

Mặc dù, BTC mong muốn có được một con số nào đó thì chúng vẫn cố gắng tạo ra một con số phản ánh đúng bản chất của nó. Thí dụ, Chung khảo phía Nam chúng tôi chỉ chọn đúng 18 người và Chung khảo phía Bắc cũng vậy. Hiện nay trên mặt bằng hai miền rất khó so sánh nhưng chúng tôi có thể yên tâm những người đã được chọn có những phẩm chất tốt nhất.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, đây mới chỉ là vòng Chung khảo khu vực, chúng ta còn hẳn một tháng nữa nên cái ưu tiên hàng đầu là vẻ đẹp thể hình bên ngoài, còn bề sâu bên trong như phẩm chất, tâm hồn, tính cách… thì cần phải có thời gian. Thời gian để các bạn thí sinh tự đào luyện mình, học hỏi và bộc lộ mình. Chúng tôi hy vọng rằng, từ mặt bằng này, các thí sinh sẽ tiến sâu hơn vào thời điểm quyết định, chắc chắn sẽ có rất nhiều thay đổi.

Lần đầu tiên ngồi ghế BGK, khó khăn lớn nhất đối với ông là gì, thưa ông?

Tôi hiểu được tất cả các áp lực của cuộc thi. Đầu tiên chúng tôi phải chọn ra những quy định và điều lệ của cuộc thi phù hợp với quan điểm của các nhà quản lý để soi chiếu trong suốt cuộc thi. Tất nhiên khi vận dụng điều này không đơn giản. Tôi lấy ví dụ, chúng ta quan tâm đến cái đẹp tự nhiên vậy thế nào là đẹp tự nhiên, thế nào là có can thiệp… Có những thí sinh được trải nghiệm nhiều rồi nhưng cũng có những bạn hoàn toàn mới, có bạn lần đầu tiên bước lên sân khấu hoặc lần đầu tiên vận những trang lộng lẫy xuất hiện trước đám đông. Sự chênh lệch ấy sẽ được khắc phục bằng sự nỗ lực của các bạn ấy trong quá trình đào luyện.

Vấn đề khó khăn mà tôi nhận ra khi trải qua thực tế đó là một Hoa hậu được bình chọn trong cuộc thi với Hoa hậu thực sự mang những giá trị được xã hội công nhận có một khoảng cách khá xa. BGK chỉ chịu trách nhiệm chọn ra Hoa hậu thôi còn khâu còn lại là do BTC. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chia sẻ những trách nhiệm ấy để cố gắng tạo ra được một Hoa hậu không những được cả xã hội công nhận mà còn có những phẩm chất để chúng tôi có thể đặt lòng tin rằng họ sẽ tốt hơn, hoàn thiện hơn… trong quá trình gánh vác trách nhiệm của một Hoa hậu.

Công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Để phát hiện ra các thí sinh đã qua thẩm mỹ, các thành viên BGK đã làm những gì?

Chúng tôi có hai nguyên tắc, tuyệt đối thực hiện những gì điều lệ cuộc thi đã đề ra. Thí dụ, không được can thiệp thẩm mỹ, giữ vẻ đẹp tự nhiên nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm việc tôn trọng các thí sinh. Việc họ đến với cuộc thi và họ tham gia với mình là phải trân trọng.

Có thể động cơ của hành vi phẫu thuật thẩm mỹ là khác nhau, có thể do vô tình, có thể do sự tác động hoặc có thể thực hiện ý đồ nào đó... nhưng nguyên tắc: cứ có can thiệp dao kéo thì sẽ không bao giờ được chọn.

Chúng tôi cố gắng tạo ra một sự đồng thuận cao trong BGK để chịu trách nhiệm về việc mình đã chọn và mong được xã hội cùng chia sẻ với mình ở mức độ tối đa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, người nào không giữ được vai trò, giá trị của một Hoa hậu thì phải mạnh dạn tước quyền.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, người nào không giữ được vai trò, giá trị của một Hoa hậu thì phải mạnh dạn tước quyền.

BGK của Hoa hậu Việt Nam 2016 gồm nhiều thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy sự đồng thuận của các thành viên khi xem xét và chọn lựa các thí sinh có cao không?

Tôi nói ra sự so sánh này nghe có vẻ hơi khập khiễng nhưng cũng giống như quốc hội, quốc hội có rất nhiều thành phần khác nhau nhưng cùng quan tâm một vấn đề. Vấn đề ở dây là làm thế nào để điều hoà được các ý kiến khác nhau?. Ở đây chẳng có cách nào khác ngoài tìm cách thuyết phục lẫn nhau.

Thực ra, diễn đàn lớn như quốc hội hay nhỏ như BGK cũng là thuyết phục lẫn nhau bằng lý lẽ, quan niệm… Trên cơ sở của sự đồng thuận chúng ta tìm ra được giá trị chung và cùng chia sẻ trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Muốn như thế phải đảm bảo tính dân chủ của nó. Trong suốt qua trình theo dõi vòng sơ khảo, chung khảo, chúng tôi cố gắng phát huy được thế mạnh của mỗi người và tìm được tiếng nói chung. Vai trò của người như tôi là điều hoà những ý kiến đó và tìm ra tiếng nói chung để cùng chia sẻ tiếng nói chung ấy với BTC.

Thường, khi vào các vòng trong, các thí sinh thường nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo… Vậy ở vòng Chung khảo vừa rồi, BGK có nhận được nhiều đơn thư tố cáo đó không?

Việc đó là của BTC và chúng tôi cũng có thoả thuận rõ ràng cái đó BTC phải quan tâm đến và có những nhận định chính thức cung cấp cho BGK.

BGK phải luôn giữ được sự khách quan tuyệt đối, lấy cái đẹp theo nhận thức trực quan của mình. Cuộc thi đang ở giai đoạn Chung khảo khu vực thôi nhưng khi bước vào Chung kết sẽ có những đòi hỏi cao hơn. Và sẽ phải có sự tham gia của cơ quan chức năng để họ có tiếng nói cuối cùng để chúng tôi có thể tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp liên quan đến cuộc thi này.

Hoa hậu Kỳ Duyên trong giây phút đăng quang.
Hoa hậu Kỳ Duyên trong giây phút đăng quang.

Trước những lùm xùm của Hoa hậu Việt Nam 2014 - Nguyễn Cao Kỳ Duyên thì ông có lo ngại gì trong việc tìm ra một Hoa hậu kế nhiệm?

Về vấn đề này, không chỉ BGK mà cả BTC cũng rất quan tâm đến chuyện này. Trong đêm Chung kết, một Hoa hậu xứng đáng không nói làm gì nhưng Hoa hậu có vấn đề xã hội mà xuất hiện để truyền trao vinh quang cho người kế vị thì phải cân nhắc rất kỹ.

BGK chỉ dừng lại ở trách nhiệm của mình là bầu ra người đẹp xứng đáng nhất trong cuộc thi để trao vương miện, việc còn lại là do BTC.

Thực ra, Hoa hậu cũng là con người. Con người trong xã hội hiện nay có rất nhiều tác động vào để phát huy mặt tích cực nhưng cũng có thể rơi vào những scandal tiêu cực. Cái đó rất khó, phải chia sẻ.

Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có tiền lệ tước vương miện Hoa hậu như một số quốc gia khác. Nhưng tôi nghĩ rằng, về nguyên tắc, người nào không còn giữ được vai trò, giá trị Hoa hậu thì chúng ta phải mạnh dạn tước quyền.

Nhưng cái ngưỡng của nó thế nào, định lượng hành vi đến đâu… là bài toán rất khó vì dẫu sao chúng ta cũng phải khích lệ mọi người. Việc tước vương miện Hoa hậu là điều bất đắc dĩ chúng ta phải làm.

Quan trọng là khi đã xảy ra những vụ việc rồi, hiệu ứng nó mang lại là các thí sinh đang tham gia cuộc thi này sẽ nhận thức được những đòi hỏi của xã hội ngày càng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ và truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay thì Hoa hậu càng phải giữ hình ảnh của mình.

Và đương nhiên, khi bầu ra được Hoa hậu, BTC chưa phải đã hết trách nhiệm của mình mà phải tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các bạn ấy trong 2 năm. Tôi nhìn nhận, trong sai sót của các bạn ấy có trách nhiệm của cá nhân nhưng cũng có trách nhiệm chung của cả BTC. Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn dư luận xã hội chia sẻ với các bạn ấy vì phần lớn là còn rất trẻ và giữ được một hình ảnh sạch sẽ nhất rõ ràng không dễ, nhất là trong cuộc sống phức tạp hiện nay.

Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Ảnh: Mạnh Thắng