1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Khi sân khấu “tắt đèn”, diễn viên phải “lấn sân” để kiếm sống…

(Dân trí) - Khi sân khấu không còn “sống tốt, sống khỏe”, các diễn viên không thể trụ lại với sân khấu mà “từng người tình bỏ ta đi” là thực tế khó tránh khỏi. Thế nhưng, trong bối cảnh ấy vẫn có những ý kiến phản biện: Sân khấu “chết” vì nghệ sĩ hay nghệ sĩ “chết” vì sân khấu?

Bài 1: Sân khấu “tắt đèn” vì truyền hình thực tế, gameshow nhan nhản (!?)

Thời của truyền hình?

Gameshow Ơn giời cậu đây rồi đang trở lại với mùa 2 thu hút sự quan tâm của khán giả truyền hình
Gameshow "Ơn giời cậu đây rồi" đang trở lại với mùa 2 thu hút sự quan tâm của khán giả truyền hình

Các chương trình truyền hình đang chi phối các sân khấu là điều không thể phủ nhận. Các sân khấu đã gần như là đang “thoi thóp” để tồn tại, không ít các sân khấu đã phải “tắt đèn” vì không thể duy trì.

Các sân khấu ngày càng sống “yếu ớt” vì không có khán giả một phần vì nghệ sĩ không còn “tâm huyết” với sân khấu, một phần vì các chương trình truyền hình ngày càng nhan nhản và rầm rộ như hiện nay đã không thể kéo khán giả “ra khỏi nhà” để đến với sân khấu.

Hiện nay, các chương trình hài kịch, gameshow trên truyền hình ngày càng nhiều, khán giả nằm nhà cũng có thể xem và gặp các nghệ sĩ hàng đầu tại các sân khấu. Họ xuất hiện thường xuyên, để xem họ diễn không còn là điều khó khăn và không phải bỏ tiền, bỏ thời gian để đến các sân khấu, đây cũng là nguyên nhân khiến khán giả tại các sân khấu ngày càng “tụt giảm” nghiêm trọng.

Những người đang là “đầu tàu” tại các sân khấu đã cảm thấy gần như “kiệt quệ” để níu giữ sự tồn tại của các sân khấu. Nghệ sĩ Ái Như - sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng đã phải nhìn nhận việc này một cách khá bi quan: “Tôi nghĩ là không có cách nào để vực lại hoạt động sân khấu trong tình trạng hiện nay. Các lĩnh vực khác còn có kinh tế, tài chính hỗ trợ, sân khấu thì không có hình thức kinh doanh nào khác ngoài việc bán vé. Mà không bán được vé, không có tiền thì làm sao giữ được mức lương ổn định để anh em yên tâm làm nghề, cũng đành phải để họ bung ra đóng phim, tham gia các sô truyền hình. Nghĩ tới kết cục này thấy buồn lắm!”

Bà bầu Hồng Vân cũng từng sống với nghề và sống cùng sân khấu vài chục năm, đang cùng lúc chị phải vận hành hai sân khấu Phú Nhuận và SuperBowl cũng chia sẻ gánh nặng hiện nay của mình: “Có cảm giác như hoạt động sân khấu đang chạm đáy. Nên tôi đang trông, rất trông một sự thay đổi nào đó. Phải có những người trẻ hay các yếu tố mới mẻ nào đó đủ bản lĩnh để thay đổi, làm sáng sủa tình hình ảm đạm hiện nay”.

Ngoài những sân khấu kịch đang “thoi thóp” thì không ít các sân khấu đã gần như đóng cửa là kịch 5B từng “oanh liệt” một thời. Mặc dù nói là tạm ngưng hoạt động để sửa chữa nhưng sau khi sữa chữa thì việc có gầy dựng lại sân khấu hay không lại là chuyện không thể nói trước hiện nay.

Ông Văn Long - ông bầu của Nụ Cười Mới, là một sân khấu hài luôn là những sân khấu có lượng khán giả đông cũng đang hoang mang về tương lai phía trước. Mặc dù tại đây, cây hài chính là nghệ sĩ Hoài Linh cũng không còn đủ sức kéo khán giả đến với sân khấu bởi bây giờ khán giả có thể gặp anh ở khắp mọi nơi, từ đài trung ương cho đến địa phương. Sức hút từ các chương trình truyền hình và sự xuất hiện “dày đặc” của anh như hiện nay thì không còn gây tò mò và quan tâm cho khán giả.

Trải qua hơn 10 năm bắt đầu xây dựng, các sân khấu cũng đã có những bước đầu xây dựng thành công để tạo được tên tuổi cho đến ngày nay, như: IDECAF, Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh, Sài Gòn, Nụ Cười Mới... trở thành thương hiệu và nét đẹp riêng của hoạt động nghệ thuật tại Sài Gòn thì những khó khăn hiện nay là một thách thức rất lớn, cần có sự chung tay và đồng lòng từ những nghệ sĩ, những người yêu ánh đèn sân khấu.

“Giải pháp cho sân khấu hiện nay cần có sự đồng bộ, nghệ sĩ phải cùng tiếng nói, cùng suy nghĩ, cùng quan điểm với nhau và cùng làm với nhau thì mới được. Tự bản thân mỗi người không làm được gì. Áp lực kinh tế từ cuộc sống là phần lớn, để thành tâm hay không, hay để thay đổi được gì phụ thuộc vào người nghệ sĩ cũng nhiều. Nhưng để làm được điều này thực tế cũng rất khó vì thật sự ai cũng phải sống, ai cũng phải mưu sinh, nếu bảo người ta “bỏ hết” để làm sân khấu thì cũng không hợp lý cho lắm”, - nghệ sĩ Hạnh Thúy chia sẻ.

Sân khấu “bỏ” nghệ sĩ hay nghệ sĩ “bỏ” sân khấu?

Hiện trạng sân khấu “tắt đèn”, hoặc không thể sống tốt như trước đây khiến nghệ sĩ không thể nào bám trụ lại sân khấu để tồn tại, họ tìm ra cho mình một hướng đi khác để mưu sinh, tồn tại… âu cũng là chuyện bình thường.

Nghệ sĩ Hạnh Thúy và trên sân khấu Hoàng Thái Thanh với vở diễn Nửa đời ngơ ngác từng làm rơi nước mắt nhiều khán giả.
Nghệ sĩ Hạnh Thúy và trên sân khấu Hoàng Thái Thanh với vở diễn "Nửa đời ngơ ngác" từng làm rơi nước mắt nhiều khán giả.

Nói về thực trạng này, diễn viên - đạo diễn Hạnh Thúy đã hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: “Chuyện nghệ sĩ phải đi làm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống tôi thấy cũng bình thường. Cơ chế con người là phải vận động, cuộc sống phải vận động và về mặt nào đó cũng tốt. Vì bản thân người nghệ sĩ cũng muốn làm mới mình, mở rộng khả năng của mình ra coi mình làm được đến đâu.

Nhưng cái hại ngày càng càng thường xuyên và “càng nặng” là làm nghệ sĩ “chểnh mảng” việc chính của mình. Thu nhập nghề chính không bằng các “công việc phụ”. Chính vì thế, không ít nghệ sĩ vì nghề phụ mà quên mất nghề chính, quên mất cái “gốc” của mình là đâu. Sân khấu mất nghệ sĩ - khi nghệ sĩ “lơ là” với sân khấu thì sân khấu cũng mất luôn khán giả. Và khi mất khán giả thì nghệ sĩ sẽ không còn mặn mà với sân khấu nữa. Nó sẽ trở thành cái vòng luẩn quẩn, đưa sân khấu đến chỗ… bị “tắt thở” - nếu không có “liều thuốc” hồi sinh kịp thời và hiệu quả”.

Thực trạng cũng đã minh chứng: Khi các diễn viên không còn “mặn” với sân khấu vì rõ ràng, sân khấu không thể là nguồn thu nhập chính cho bất kỳ nghệ sĩ nào. Mỗi diễn viên, số tiền cát sê của những nghệ sĩ “đinh”, cao nhất hàng đêm cũng chỉ tối đa là 1 triệu đồng, nhưng họ phải diễn suốt 3 tiếng trên sân khấu. Chưa kể, trước đó họ đã phải dành hơn tháng trời để tập luyện trước khi lên sàn diễn. Đó là nghệ sĩ tên tuổi tại các sân khấu, còn các diễn viên chưa có tên tuổi khác lương cũng chỉ vài trăm ngàn cho một đêm diễn. So với vài triệu đồng trong vòng vài giờ tham gia các chương trình trên truyền hình là sự so sánh khá khập khiễng - một nghệ sĩ có tuổi nghề hơn 10 năm đã tâm sự.

Từ những câu chuyện kể của nghệ sĩ thời trước đến giờ thì không ai nói “sống bằng nghề” mà thường nói “sống vì nghề”. Họ có thể sống bằng nghề phụ nào đó mà nghệ sĩ có thể làm để duy trì nghề chính là diễn viên tại các sân khấu.

Ngày xưa, tiền cát sê của nghệ sĩ có khi cũng chỉ “ăn được tô phở” nhưng những cái đó cũng không làm người ta nản vì lúc đó sân khấu vẫn còn “khỏe mạnh”. Các môi trường khác dành cho nghệ sĩ “tung tăng” còn ít, nên muốn tồn tại thì nghệ sĩ phải tập trung vào nghề. Còn hiện nay, mọi người có quá nhiều sự lựa chọn cho nên không cần tập trung lắm thì nghệ sĩ vẫn có nhiều việc để làm… Và đó cũng chính là một nguyên nhân khiến ngày càng nhiều nghệ sĩ, diễn viên đua nhau “lấn sân”… để có dịp thể hiện sự đa tài của mình thì ít mà để “kiếm sống” thì nhiều…

Băng Châu

Khi sân khấu “tắt đèn”, diễn viên phải “lấn sân” để kiếm sống… - 3