Khi cải lương đưa văn hóa trà Việt đến gần với cộng đồng Asean

Nhật Phương

(Dân trí) - Thông qua vở cải lương "Vị trà hồn nước" về Hải Thượng Lãn Ông, Tổng lãnh sự quán các nước Asean đã có dịp được thưởng thức văn hóa cùng với thông điệp ý nghĩa về trà tại Việt Nam.

Chiều qua (22/12), nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày Chè Quốc tế (15/12/2012-15/12/21), Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM kết hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực Asean tổ chức Tọa đàm "Trà Việt và Văn hóa Trà Việt Nam: Bản sắc và Hội nhập".

Chương trình có sự tham dự của đại diện Tổng lãnh sự quán các nước Asean tại TPHCM, gồm: bà Wong Chia Chiann - Tổng lãnh sự Malaysia, bà Lê Thị Phụng - Tổng lãnh sự danh dự Philippines, ông Vanhxay Xaysena - Phó Tổng lãnh sự Lào, ông Kith Sothearith - lãnh sự Campuchia, bà Eva Kurniati Situmorang - lãnh sự Indonesia, bà Maria Christina Medina Dela Cruz - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam...

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, bà Trần Hoàng Khánh Vân - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á… đại diện các cơ quan đơn vị Việt Nam tham dự sự kiện.

Khi cải lương đưa văn hóa trà Việt đến gần với cộng đồng Asean - 1

Đại diện Tổng lãnh sự quán các nước Asean tại TPHCM cùng những cơ quan, ban ngành văn hóa tham dự tọa đàm.

Nhằm quảng bá giới thiệu trà và văn hóa trà Việt Nam đến các Tổng lãnh sự và những người bạn Asean đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, chương trình được diễn ra trong không gian ấm cúng, khách mời được tiếp cận với rất nhiều vật dụng pha trà, tư liệu sách báo viết về trà…

Điểm nhấn của chương trình là tiết mục biểu diễn đờn ca tài tử và cải lương truyền thống - vở cải lương Vị trà hồn nước về Hải Thượng Lãn Ông do các nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ biểu diễn.

Khi cải lương đưa văn hóa trà Việt đến gần với cộng đồng Asean - 2
Tiết mục cải lương này không chỉ thể hiện được bản sắc văn hóa của người Việt mà còn nhắc đến một danh y tài giỏi của Việt Nam. Thông qua cuộc trò chuyện cùng đại tướng quân, danh y Hải Thượng Lãn Ông, tiết mục đã nhắc nhở về truyền thống của tổ tiên, sử dụng trà trong phong tục và nâng cao sức khỏe.
Khi cải lương đưa văn hóa trà Việt đến gần với cộng đồng Asean - 3

Bên cạnh việc thưởng thức cải lương, nhà văn hóa Hồ Nhựt Quang còn chia sẻ về văn hóa trà trong phong tục tín ngưỡng của Việt Nam.

"Trà đã có lịch sử từ lâu đời, trải qua 3 sứ mệnh, thứ nhất là lúc khởi nguyên đã được các thầy thuốc Đông Y tìm ra để chữa một số bệnh, sau đó đã được các nhà sư, nhà truyền giáo ứng dụng làm thức uống vì có lợi cho sức khỏe thiền định.

Càng về sau, trà đã lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân, gắn liền từ lúc con người mới sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời. Người Việt Nam có những ứng xử rất tao nhã khi thưởng trà, nhờ đó mà đã kết nối tình nghĩa keo sơn và kiến tạo biết bao điều tử tế", nhà văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Khi cải lương đưa văn hóa trà Việt đến gần với cộng đồng Asean - 4
Bà Tina Christina Medina Dela Cruz - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam chia sẻ cảm nhận về trà Việt. Bà Tina bày tỏ mong muốn Việt Nam và thế giới sớm chiến thắng đại dịch để có thể tăng cường sự hợp tác giữa nông dân, các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp hai nước để nâng cao vai trò và vị trí của ngành chè….
Khi cải lương đưa văn hóa trà Việt đến gần với cộng đồng Asean - 5
Chị Đoàn Thị Hiếu Thảo trong trang phục cô gái dân tộc Mông chia sẻ về nguồn gốc của trà cổ thụ vùng Tây Bắc và biểu diễn cách thức pha trà của thời kỳ hiện đại.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á xúc động bày tỏ: "Không dễ gì có những cơ hội nhân duyên hội tụ của những người yêu văn hóa, yêu trà như hôm nay. Hôm nay không chỉ tận hưởng một cách thông thường mà là tận hưởng bằng ngũ giác quan vì nhờ có trà ngon, câu chuyện kể thú vị, các loại hình nghệ thuật truyền thống biểu diễn độc đáo và tuyệt vời nhờ có những tâm hồn đồng điệu".