"Khát vọng hòa bình": Âm vang xúc động trên đất thiêng Quảng Trị

Hương Hồ

(Dân trí) - Chương trình "Khát vọng hòa bình" - khúc ca hào hùng và xúc động về ký ức lịch sử, chiến công vẻ vang trong 81 ngày đêm máu lửa bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta.

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/20220, tối 24/7, tại Quảng trường Giải phóng thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức chương trình "Khát vọng hòa bình".

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ và đông đảo người dân.

Khát vọng hòa bình: Âm vang xúc động trên đất thiêng Quảng Trị - 1

Tùng Dương biểu diễn trong chương trình "Khát vọng hòa bình" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tròn 50 năm đi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn những người lính nằm lại nơi chiến trường xưa, hòa mình trong lòng đất, dưới từng ngọn cỏ ở di tích Thành cổ để viết nên những bản hùng ca bất tử, mãi vang vọng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Tại nơi đây, ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị khoảng 328.000 tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.

Thành cổ Quảng Trị được xem như là ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì sự hòa bình, thống nhất đất nước.

Khát vọng hòa bình: Âm vang xúc động trên đất thiêng Quảng Trị - 2

Một tiết mục trong chương trình "Khát vọng hòa bình" (Ảnh: NLD).

Chương trình "Khát vọng hòa bình" được tổ chức tại Quảng trường Giải phóng kết nối với không gian sân khấu Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị, bến thả hoa sông Thạch Hãn.

Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với 3 phần: Máu và hoa, Máu và hòa bình và Khúc thanh ca. Thông qua các tiết mục hát, múa, lời bình nghệ thuật; đồ họa màn hình và phóng sự tài liệu chương trình đã làm sống dậy một thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng của dân tộc ta.

Khát vọng hòa bình: Âm vang xúc động trên đất thiêng Quảng Trị - 3

Những ngọn hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn (Ảnh: Ban Tổ chức).

Nội dung chính của chương trình là câu chuyện hòa bình được phác họa qua nhiều góc nhìn đa chiều, thể hiện niềm tin, tình yêu, hi vọng và cả sự thấu cảm. Không chỉ có sự tham gia của các nghệ sĩ đương đại, mà tất cả các thế hệ, từ thiếu nhi tới lực lượng quân đội, cựu chiến binh, những gương mặt người Việt nam tiêu biểu ở một số lĩnh vực trong nước và quốc tế đều sẽ xuất hiện trong chương trình. Bên cạnh đó là sự góp mặt của bạn bè quốc tế - những người Mỹ, đã và đang hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng dựng xây hòa bình.

"Khát vọng hòa bình" được đơn vị thực hiện kỳ vọng sẽ là chuỗi chương trình thường niên tôn vinh giá trị truyền thống, khắc ghi tri ân những chiến công hào hùng của dân tộc, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam đất nước con người đến với bạn bè quốc tế, đưa Quảng Trị trở thành biểu tượng, điểm đến của hòa bình với tình thân ái hữu nghị.

"Khi nhận lời mời là Tổng đạo diễn của chương trình "Khát vọng hòa bình",  tràn đầy cảm hứng sáng tạo, tất nhiên cùng với đó là thách thức làm sao không lặp lại những cách thể hiện của nhiều thế hệ đồng nghiệp trước đó, đồng thời phải đưa những thông điệp phù hợp với tinh thần thời đại mỗi lần ngưỡng vọng về quá khứ.

Trong sự tận cùng khốc liệt của bom đạn chiến tranh, khát vọng hòa bình lại tỏa sáng hơn bao giờ hết. Câu chuyện "Khát vọng hòa bình" trong chương trình của chúng tôi ở một khía cạnh nào đó không có sự giới hạn về mặt thời gian. Bởi khát vọng đó đã luôn được cha ông ta xây đắp theo dòng lịch sử dựng nước, giữ nước...", đạo diễn Minh Trí chia sẻ.