Nghệ An:

Khắp nơi cầu may trong Lễ hội Lồng Tồng

(Dân trí) - Sáng ngày 13/2, tức mồng 6 Tết Bính Thân, đồng bào các dân tộc huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An đã đồng loạt mở hội xuống đồng (Mưa muộn lông nha) hay còn gọi là Lễ hội Lồng Tồng.

Lễ hội Lồng Tồng.

Đây là một lễ hội được tổ chức trong những ngày năm mới, khởi đầu cho một năm sản xuất với những nghi thức dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân miền núi vùng cao của huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Lễ hội được mở đầu bằng lễ cúng các vị thần linh do người có uy tín trong thôn thực hiện cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, bà con nhân dân đoàn kết thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu mạnh.

Người dân nơi đây cho biết, khi một mùa vụ mới bắt đầu, bà con ở các xã trên địa bàn huyện Quỳ Châu lại kéo nhau ra giữa cánh đồng hay một khu đất rộng bên cạnh cánh đồng tổ chức lễ hội Lồng Tồng để tạ ơn trời đất phù hộ cho mùa màng tươi tốt, cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa vạn vật sinh sôi nảy nở, trâu bò, lợn gà đầy chuồng, lúa ngô đầy nhà, mọi người đều khỏe mạnh gặp nhiều may mắn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con cháu thành đạt.

Các nghi thức thiêng liêng và quan trọng nhất là lễ cúng thổ địa, thần đất, thần trời, thần núi, thần khe suối, tổ tiên đã có công lập nên bản Mường.

Lễ cúng gồm một mâm ngũ quả bao gồm có bánh kẹo, hoa quả, một chai rượu trắng, một con gà trống luộc, một đĩa xôi, một bát hương, hai chén rượu, một đôi đũa, một cuộn vải trắng do phụ nữ người Thái dệt, một đĩa trầu cau, một đôi vòng tay bằng bạc, lễ vật còn có một chum rượu cần làm bằng men gạo nếp do bà con sản xuất ra.

Kết thúc phần Lễ, lãnh đạo địa phương tiến hành khai mạc bằng bài diễn văn rất ngắn gọn nêu bật thành tích sản xuất nông nghiệp trong năm qua, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong năm tới, đồng thời phát động thi đua sản xuất vụ đông xuân thắng lợi. Mọi người vui vẻ xuống đồng cấy những cây mạ đầu năm trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng, khắc luống âm vang rộn rã.

Sau phần lễ là phần hội. Đây là phần thu hút đông đảo người tham gia nhất với các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp, ném còn, hát giao duyên Xuối, Lăm, Nhuôn đối đáp nam nữ, múa lăm vông tập thể...

Lễ hội Lồng Tồng là sinh hoạt văn hóa tiêu biểu đặc sắc nhất, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An).

Dưới đây là một số hình ảnh về lễ hội Lồng Tồng đầu năm do PV Dân trí ghi lại:

Lãnh đạo huyện Quỳ Châu và bà con nhân dân tiến hành làm lễ xuống đồng hay còn gọi là Lễ hội Lồng Tồng.
Lãnh đạo huyện Quỳ Châu và bà con nhân dân tiến hành làm lễ xuống đồng hay còn gọi là Lễ hội Lồng Tồng.

Sau phần lễ cúng, cán bộ trồng cây cầu cho năm mới rừng được phát triển.
Sau phần lễ cúng, cán bộ trồng cây cầu cho năm mới rừng được phát triển.

Phần hội không thể thiếu đánh cồng chiêng.
Phần hội không thể thiếu đánh cồng chiêng.

Điều quan trọng nhất là đất làm cấy lúa phải nhuyễn, sục bùn thì cây lúa mới mau bén.
Điều quan trọng nhất là đất làm cấy lúa phải nhuyễn, sục bùn thì cây lúa mới mau bén.

Khắp nơi cầu may trong Lễ hội Lồng Tồng - 5

Phụ nữ Thái trong bộ trang phục đẹp nhất cho ngày lễ hội Lồng Tồng với mong muốn cây lúa năm mới được tốt tươi, mùa màng thắng lợi, thóc đầy bồ.

Phụ nữ Thái trong bộ trang phục đẹp nhất cho ngày lễ hội Lồng Tồng với mong muốn cây lúa năm mới được tốt tươi, mùa màng thắng lợi, thóc đầy bồ.

Nguyễn Duy