Khá “bảnh”, Phúc “XO”, "Vợ ba"… được đề cập tại phiên chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL

(Dân trí) - Chiều 5/6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận được hơn 60 câu hỏi. Trong đó nhiều đại biểu đề cập đến những hành vi lệch chuẩn của Khá “bảnh”, Phúc “XO”… và đề nghị Bộ trưởng Thiện đưa ra giải pháp chấn chỉnh.

Lệch chuẩn và xuống cấp đạo đức làm nóng nghị trường

Trả lời đại biểu Mai Văn Bộ - An Giang về giải pháp xử lý các hành động lệch chuẩn, vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, vừa qua có nhiều hiện tượng lệch chuẩn và công an đã xử lý một số trường hợp. Có hiện tượng công dân Việt Nam đi ra nước ngoài cũng lệch chuẩn.

Khá “bảnh”, Phúc “XO”, Vợ ba… được đề cập tại phiên chất vấn Bộ trưởng VHTTDL - 1

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

“Tư lệnh” ngành văn hoá, thể thao và du lịch lấy ví dụ trường hợp người mẫu Ngọc Trinh đi ra nước ngoài dự Liên hoan phim Cannes với tư cách cá nhân nhưng lại có những hành vi hết sức phản cảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của đất nước, dân tộc và người Việt Nam.

“Chúng ta phải phê phán gay gắt những hành vi lệch chuẩn này. Trước hết đề nghị cộng đồng xã hội, dư luận lên án đây là hành động phản văn hóa và ảnh hưởng đến uy tín đất nước, dân tộc, người Việt Nam. Về xử phạt, chúng tôi đang nghiên cứu luật quy định hiện hành để xử phạt hiện tượng này như thế nào”, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề lệch chuẩn và sự xuống cấp của văn hoá ứng xử, đại biểu Phạm Trọng Nhân - Bình Dương nêu vấn đề rằng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội nhưng thời gian qua chúng ta chứng kiến không ít các vụ việc, hiện tượng phản văn hóa.

Tuy nhiên, chưa lần nào người đứng đầu của ngành lên tiếng với trách nhiệm như là “Bộ Lễ”, tôi cho rằng Bộ VHTT&DL và Bộ trưởng không thể vô can.

Từ việc có quá nhiều thông tin tiêu cực, sai lệch đến hiện tượng như Khá “bảnh”, Phúc “XO” trên mạng xã hội, lệch lạc về tâm linh, mê tín dị đoan và chỉ khi đến sự việc cô bé 13 tuổi tham gia đóng cảnh nóng rất nhạy cảm trong phim “Vợ ba” bị dư luận, báo chí phản ánh thì Bộ mới vào cuộc. Phải chăng phim này là những gì chúng ta muốn thế giới biết về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam?

Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp căn cơ nào để chấm dứt những vụ việc trên. Lâu dài hơn là thực hiện đúng chức năng, định hướng văn hóa, nhân cách con người. Làm sao để người Việt có nhiều cơ hội để học ăn, học nói, học gói, học mở và quan trọng hơn là để không còn loay hoay tìm cách gắn từ văn hóa vào mọi hành vi hoạt động như văn hóa uống rượu, bia, văn hóa giao thông hay văn hóa từ chức như hiện nay?”.

Vấn đề này vì phiên chất vấn hết giờ nên Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chưa thể trả lời. Tuy nhiên, nhiều cử tri và chuyên gia nhận định đây là một câu hỏi đi cụ thể, thẳng thắn về thực trạng lệch chuẩn và xuống cấp đạo đức của một bộ phận.

Xử lý các cuộc thi nhan sắc trá hình như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo - Nam Định về việc mỗi năm Bộ VHTT&DL chỉ cấp phép cho tổ chức 6 cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều cuộc thi hoa khôi ở các cấp hay nhiều các cuộc thi nhan sắc trá hình dưới dạng các tên gọi khác gây ra một số tiêu cực trong xã hội và để lại dư luận không tốt, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều tổ chức cuộc thi sắc đẹp để tôn vinh người phụ nữ. Qua đó cũng quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thực hiện công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước địa phương.

“Theo quy định của Nghị định 79 một năm chúng ta tổ chức từ 1 đến 2 cuộc thi hoa hậu toàn quốc. Còn lại có khoảng 4, 5 hoa hậu vùng miền và các cuộc thi của các ngành lĩnh vực, địa phương. Về cuộc thi hoa hậu, chúng tôi chấp hành nghiêm Nghị định 79, tức là việc tổ chức số lượng các cuộc thi hoa hậu là không vượt quá.

Tuy nhiên, các cuộc thi đó họ tổ chức thi rất nhiều vòng, cho nên thấy nó nhiều, từ vòng sơ loại, vòng bán kết rồi là vòng tứ kết, chung kết cho nên chúng ta thấy tổ chức thi hoa hậu quá nhiều”, Bộ trưởng Thiện nói.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nói thêm rằng, mỗi năm, chúng ta có đại diện tham dự các cuộc thi hoa hậu lớn như Hoa hậu Hoàn vũ hoặc Hoa hậu Thế giới.

Những người đẹp tham dự các cuộc thi này cũng cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Bởi vậy, các cuộc thi hoa hậu rất phù hợp và cũng cần thiết. Tuy nhiên, không nên quá nhiều và cũng không nên lợi dụng việc thi hoa hậu để kinh doanh hoặc làm lợi cho cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức mình.

“Riêng các cuộc thi trá hình, cuộc thi chui… thực ra mà nói là tất các cuộc thi sắc đẹp trong nước đều phải được xin phép. Nếu những cuộc thi không được cấp phép thì chúng tôi sẽ xử lý và đã yêu cầu thanh tra Bộ, thanh tra của ngành văn hóa địa phương xử lý nghiêm túc.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có một số cuộc thi đã xảy ra tình trạng cấp phép nhưng làm không đúng hoặc có thể vi phạm thì chúng tôi đã xử lý.

Có thể nói chúng ta xử lý chưa triệt để bởi vì trong quy định của pháp luật, trong Nghị định 79 có nhiều vấn đề chưa xử lý kiên quyết được. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này, hiện nay đang sửa đổi Nghị định 79 và tháng 10 này sẽ trình Chính phủ một nghị định mới. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để đưa vấn đề này vào”, Bộ trưởng Thiện chia sẻ.

Hà Tùng Long