Hồng Ánh: "Ai cũng có quyền tới Cannes"

(Dân trí) - "Hãy nhìn nhận việc được tham dự LHP Cannes một cách nhẹ nhàng hơn. Tham dự LHP Cannes không phải một “đặc quyền” của riêng ai, cũng như không phải là phần thưởng cho những đóng góp của họ với điện ảnh"- Hồng Ánh chia sẻ sau khi trở về từ Cannes.

Chị vừa trở về từ LHP Cannes, chị có thể chia sẻ một chút về chuyến đi này?

Là một diễn viên, nên chắc kỷ niệm đáng nhớ nhất là tiếp xúc với các diễn viên mà mình hâm mộ bằng xương bằng thịt ngoài đời. Lần đầu tiên đi Cannes tôi gặp Lương Triều Vỹ, còn lần này khi xem phim tôi ngồi ngay phía trước Jessica Chastain. Tôi nghĩ điều tôi tâm đắc nhất ở Cannes vẫn là cái cách người ta tôn vinh nghệ thuật điện ảnh và những người làm điện ảnh, không chỉ diễn viên, đạo diễn mà cả biên kịch, nhà sản xuất…

Mỗi chuyến đi là một lần học hỏi, chị đã học được gì ở LHP Cannes?

Mỗi chuyến đi là một lần học hỏi, chị đã học được gì ở LHP Cannes?

Tôi học được niềm say mê và kiên nhẫn - rất nhiều diễn viên, đạo diễn, biên kịch tham dự LHP Cannes khi mái đầu đã điểm bạc, nhưng họ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu và những dự định cho công việc phía trước. Tôi học được cách tôn trọng nghệ thuật: cả nhà hát đã đứng dậy vỗ tay rất lâu chào đón Robert Redford và đạo diễn J.C. Chandor. Tôi học cách thức làm việc khoa học: cả liên hoan phim là một bộ máy hoàn hảo để đảm bảo tất cả những người tham dự đều được đắm mình trong ngày hội điện ảnh, dù theo một cách riêng. 

Nhiều người đặt câu hỏi: Nghệ sĩ Việt tới Cannes để làm gì? Hoặc nghệ sĩ Việt đã làm được gì mà có thể góp mặt ở Cannes?

LHP Cannes là một sự kiện xã hội rộng lớn, nó có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Trong liên hoan phim có rất nhiều sự kiện khác nhau dành riêng cho những thành phần khác nhau của điện ảnh. Những nhà làm phim có Chợ Phim để tìm kiếm đối tác hay mua bán phim, có các buổi tiếp xúc với các đối tác tài chính, các quỹ hỗ trợ, đại diện các liên hoan phim lớn. Các đạo diễn, biên kịch có thể tiếp xúc với các nhà đầu tư hay các nhà sản xuất. Diễn viên có thể tham gia vào các sự kiện chính thức hay bên lề, được tôn vinh hay được cảm nhận sự tôn vinh của công chúng với điện ảnh. Công chúng bình thường cũng có thể tham gia liên hoan phim để xem những bộ phim họ muốn xem, hay đơn giản là chỉ đến Cannes vào dịp này để đi du lịch nghỉ ngơi hay để chiêm ngưỡng những thần tượng của họ.

Các nghệ sĩ Việt Nam cũng như vậy. Họ có thể chỉ ghé qua chơi, có thể có những dự án riêng, có thể được mời chỉ để cảm nhận không khí của một liên hoan phim quốc tế hàng đầu. Dù đi với tư cách gì, đây cũng là một cơ hội quý đối với các nghệ sĩ Việt Nam. Chúng ta nên trân trọng và tận dụng tất cả cơ hội khi có điều kiện nhưng cũng phải thật bình tĩnh để biết mình là ai và đang ở đâu trong sự kiện lớn này.

Mỗi chuyến đi là một lần học hỏi, chị đã học được gì ở LHP Cannes?

Nhiều người đặt câu hỏi như vậy là bởi có những nghệ sĩ chưa có dấu ấn gì đặc biệt với điện ảnh cũng có mặt tại Cannnes, thậm chí có người đến đó để... mua sắm?

Hãy nhìn nhận việc được tham dự LHP Cannes một cách nhẹ nhàng hơn. Tham dự LHP Cannes không phải một “đặc quyền” của riêng ai, cũng như không phải là phần thưởng cho những đóng góp của họ với điện ảnh. Nó là một cơ hội! Đối với những nghệ sĩ chưa có dấu ấn đặc biệt với điện ảnh và những người trẻ làm phim, nó thôi thúc họ làm việc nhiều hơn với sự nghiệp phim ảnh mà họ đã chọn để có thể quay lại Cannes với những vai trò “đặc biệt” hơn, ví dụ như bước lên bục để lĩnh giải hay ít nhất mang theo bộ phim của mình, những dự án phim của mình để giới thiệu với thế giới và tìm kiếm những cơ hội.

Nhìn Cannes rồi nhìn lại những LHP ở Việt Nam, chị có thấy chạnh lòng? Đành rằng sự so sánh vừa nêu thật khập khiễng nhưng chị nghĩ Việt Nam bao giờ mới có một LHP được nghệ sĩ trong nước hồ hởi đón nhận và tìm mọi cách góp mặt như Cannes?

Tôi không thấy chạnh lòng, nhất là khi nhìn lại YxineFF (cười). So sánh ra thì quá khập khiễng, nhưng chúng tôi thấy được “tinh thần Cannes” trong Tiệc phim ngắn YxineFF; tôn vinh những người làm phim trẻ, dù là đạo diễn, biên kịch hay diễn viên, tôn vinh “tình yêu với điện ảnh”, tôn vinh “sự lựa chọn” của những người làm điện ảnh. Cho dù không thể so sánh về mức độ hoành tráng, về quy mô và tầm, nhưng chúng tôi tự hào mình đã cống hiến cho YxineFF, và YxineFF đã được các bạn trẻ đón nhận đúng theo tinh thần của Cannes.

Mỗi chuyến đi là một lần học hỏi, chị đã học được gì ở LHP Cannes?

Chuyến đi này chị đi với Thanh Huy, đạo diễn trẻ có phim ngắn 16:30 được chiếu tại Góc Phim Ngắn. Chuyến đi đạt kết quả tốt chứ?

YxineFF đã đi được một chặng đường 3 năm, và chất lượng các bộ phim dự giải và đoạt giải tăng dần theo từng năm. Bộ phim 16:30 của Thanh Huy được giới thiệu ở Góc Phim Ngắn tại Cannes và là một trong số 2.178 phim ngắn đến từ 98 quốc gia được trình chiếu năm nay, thu hút lượt xem của hàng ngàn người hâm mộ tham gia sự kiện này, so với con số 1.945 bộ phim đến từ 88 quốc gia của năm ngoái. Để đánh giá về chất lượng của phim ngắn Việt Nam, tôi xin phép chia sẻ nhận xét của bà  Alice Kharoubi - Trưởng dự án Góc Phim Ngắn - về bộ phim 16:30 cũng như cơ hội cho các đạo diễn trẻ từ Góc Phim Ngắn. “Năm nay, Góc Phim Ngắn có nhiều phim trình chiếu hơn, nhiều quốc gia tham dự hơn. Tôi đã xem phim 16:30 của Thanh Huy và khá ấn tượng với cách anh dàn dựng kịch bản, diễn xuất của các diễn viên cũng như cách anh chọn góc quay, khung hình. Nhiều đạo diễn có phim ngắn trình chiếu tại đây sau đó gặt hái khá nhiều thành công với phim dài. Tôi hy vọng Thanh Huy sẽ có một khởi đầu tốt với 16:30. Năm ngoái, Việt Nam cũng có phim tham dự Góc Phim Ngắn, tôi tin rằng ở kỳ Liên hoan phim Cannes năm sau, các bạn sẽ có nhiều phim ngắn được trình chiếu tại đây hơn nữa.”

Phim ngắn Việt Nam tham gia một hạng mục chính thức của Cannes là một bước tiến, tuy nhiên có vẻ như chỉ từng đó thôi vẫn là còn quá ít. Chị có nghĩ rằng tiềm năng của Việt Nam đáng ra phải làm được hơn thế?

Tôi đồng ý chúng ta có một sự hiện diện quá ít ỏi ở Cannes. Tôi luôn khao khát các bộ phim của chúng ta được mời tới Cannes để dự tranh giải, hoặc ít nhất cũng được chiếu giới thiệu. Nhưng nhìn vào điện ảnh trong nước, ước mơ đó có lẽ còn quá xa vời. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi lại lựa chọn ủng hộ dự án phim ngắn của các đạo diễn trẻ để mong họ có thể có mặt trên đường dài tới Cannes. Tôi tin phong trào làm phim ngắn đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, các sáng kiến phim ngắn như Yxineff, Doclab, chúng ta làm phim để chuẩn bị bệ phóng cho tương lai.

Chị mang Đường Đua tới Pháp? Chị đã làm gì với bộ phim đó ở LHP Cannes?

Chị mang Đường Đua tới Pháp? Chị đã làm gì với bộ phim đó ở LHP Cannes?

Chúng tôi có một số đối tác ở Hồng Kông, Hàn Quốc và Pháp, họ đề nghị chúng tôi chiếu cho xem Đường Đua để cân nhắc phát hành. Quyết định trao giấy phép của Cục Điện Ảnh đến đúng lúc chúng tôi cùng chuẩn bị tới Cannes, nên chúng tôi hẹn gặp tại Chợ Phim để đàm phán. Hiện nay mấu chốt của vấn đề là cam kết của đối tác với việc tiếp thị và quảng bá cho bộ phim ở thị trường của họ. 

Đánh giá của khán giả ở Pháp như thế nào về Đường Đua?

Chúng tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với khán giả Pháp, nhưng nhà phân phối phim ở Pháp quan tâm nhiều hơn đến những bộ phim mang dấu ấn của văn hóa bản địa, đặc biệt là sự giao thoa của yếu tố bản địa với yếu tố “Pháp” trong phim, cho nên các nhà phân phối phim của Hàn Quốc và Hồng Kông quan tâm đến Đường Đua hơn.

Hồng Ánh và Đạo diễn trẻ Thanh Huy
Hồng Ánh và Đạo diễn trẻ Thanh Huy

Đường Đua đã vượt qua được cổng kiểm duyệt trong khi một bộ phim khác là Bụi Đời Chợ Lớn vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo chị điểm mấu chốt là gì để Đường Đua được thông qua? Phải chăng ê kíp đường đua "dễ bảo" hơn, chịu cắt gọt hơn?

Hội đồng Thẩm định phim truyện của Cục Điện Ảnh chắc sẽ không đồng ý với ý kiến này (cười). Chúng tôi rất “kiên định” và tranh luận với Hội đồng ở từng điểm yêu cầu chỉnh sửa, đó là lý do mất tới 3 tháng trời chúng tôi mới vượt qua giai đoạn này. Điểm mấu chốt có lẽ nằm ở chỗ xuất phát điểm của tranh luận: chúng tôi hiểu rằng chúng tôi nhìn Đường Đua ở các góc độ khác nhau, và hai bên không thể tiến về phía trước nếu thiếu sự tôn trọng với góc nhìn khác. Tranh luận với chúng tôi là để tìm ra giải pháp đưa bộ phim đến với công chúng chứ không phải phân định “đúng”-“sai” hay “thắng”-“thua”.

Chị có thể chia sẻ về kế hoạch phát hành cũng như những điều thú vị xung quanh bộ phim Đường Đua?

Hiện nay, chúng tôi đang hoàn chỉnh những giai đoạn cuối cùng của kế hoạch phát hành và sẽ sớm thông báo ngày phim ra rạp. Đơn vị phát hành của chúng tôi là một nhà phát hành có uy tín và nhiều kinh nghiệm cho phát hành, cũng như rất ủng hộ sự ra đời của những bộ phim Việt Nam. Chúng tôi cũng nhận được cam kết ủng hộ từ những đối tác truyền thông có uy tín. Còn về Đường Đua, chúng tôi dành sự bất ngờ cho khán giả, chỉ có thể nói rằng, đây là một bộ phim hành động rất “đời” và rất táo bạo.

Xin cảm ơn chị rất nhiều!

 
 
Phan Anh