Hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nhiều ca khúc viết về đề tài thương binh - liệt sỹ

(Dân trí) - “Chuyện tình thảo nguyên” được nhạc sỹ Trần Tiến sáng tác dựa trên nguyễn câu chuyện tình cảm động giữa thương binh hạng 1/4, Trịnh Quốc Đông và vợ là bà Nguyễn Thị Lộc, nguyên là bác sĩ Viện quân y 103. Điều này được tiết lộ trong Giai điệu tự hào tháng 7 phát sóng vào 20h10 ngày 29/7/2017 trên kênh VTV1.

Ca khúc được nhạc sĩ Thanh Phương phối khí lại với sự trình bày của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Nhiều khán giả đã rưng rưng xúc động khi biết ca khúc này viết về đề tài thương binh - liệt sỹ. Nhiều người trẻ cũng hát theo giọng hát của Nguyễn Ngọc Anh bằng sự cảm mến và trân trọng chuyện tình đẹp mà có thật của nhân vật trong bài hát.

Nguyễn Ngọc Anh thể hiện Chuyện tình thảo nguyên.
Nguyễn Ngọc Anh thể hiện Chuyện tình thảo nguyên.

Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Vết chân tròn trên cát”, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, hình ảnh người cựu chiến binh - thầy giáo dạy nhạc với chiếc nạng gỗ in hình trên cát mỗi lần đi đến trường dạy nhạc cho các em thơ đã ám ảnh ông một cách kỳ lạ để rồi bài hát “Vết chân tròn trên cát” ra đời.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, ca khúc là một bài hát hay vô cùng vì có một hình tượng cực kỳ đẹp và lãng mạn xuyên suốt bài hát đó là dấu chân tròn trên cát, vượt trên hiện thực của người thương binh. Trở về sau cuộc chiến, anh không bao giờ nghĩ đến việc mình bị thương hay mình cần được đền bù thế nào mà chỉ nghĩ đến việc truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo.

PGS Thái cũng khen ngợi phần dàn dựng của bài hát này. Cách hát đầy trẻ trung của Vũ Thắng Lợi càng làm cho bài hát trở nên xúc động. Nhận xét về bản phối, nhạc sĩ An Hiếu, con trai cố nhạc sĩ An Thuyên không thích tiếng tiêu được đưa vào bài hát. Thay vào đó anh thích tiếng sáo trúc tạo cảm giác mênh mang hơn. Tuy nhiên, một lần nữa, nhạc sĩ cũng khen ngợi Vũ Thắng Lợi đã đẩy được cao trào cho bài hát và khó có ai làm được.

Vũ Thắng Lợi với ca khúc Vết chân tròn trên cát.
Vũ Thắng Lợi với ca khúc Vết chân tròn trên cát.

Với ca khúc “Bế Văn Đàn sống mãi”, cựu chiến binh Trương Xuân Bái ở xóm Thanh Tiến, xã Thạch Môn, Hà Tĩnh - người đồng đội chiến đấu cùng liệt sỹ Bế Văn Đàn trong trận Mường Bồn (Điện Biên), chính ông là người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Bế Văn Đàn khi ông ngã xuống kể rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Bế Văn Đàn nói với đồng đội Chu Văn Pù khi ấy còn do dự với lời đề nghị hãy lấy vai anh là giá súng tiếp tục chiến đấu: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”.

Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình… Anh hy sinh khi mới 22 tuổi xuân, để lại ước mơ dang dở sẽ về Nghệ An thăm quê Bác Hồ. Vì thế, mỗi khi nghe bài hát này, ông đều khóc vì nhớ thương đồng đội của mình.

Nhạc sĩ Huy Du cho biết, ông đã sáng tác bài này 10 năm sau ngày anh Bế Văn Đàn hy sinh. Những giai điệu của bài hát này đã góp phần khiến hình ảnh của liệt sĩ Bế Văn Đàn trở thành bất tử, thành một tấm gương chiến đấu anh dũng đến hơi thở cuối cùng của những người lính.

Trọng Tấn với ca khúc Bế Văn Đàn anh sống mãi.
Trọng Tấn với ca khúc Bế Văn Đàn anh sống mãi.

Với ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, cố nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn sáng tác khi chưa một lần được đặt chân tới miền Nam, chưa từng tới Côn Đảo. Tuy nhiên, bài hát được nhiều người nhìn nhận là đầy học thuật với sự tinh túy rất hàn lâm nhưng không kém phần tinh tế về mặt cảm xúc. Người nghe có cảm giác như người nhạc sỹ này đã sờ được vào mảnh đất ấy và hòa cùng hơi thở của Côn Đảo.

Ca sĩ trẻ Thanh Thảo (Nhân tố bí ẩn) được tin tưởng giao nhiệm vụ thể hiện ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Lần đầu tiên xuất hiện trong Giai điệu tự hào, nữ ca sĩ xinh đẹp đã thể hiện bài hát theo phong cách bán cổ điển với những đoạn vocal lên cao được đánh giá là khá khó. Hình ảnh nữ ca sĩ trong tà áo dài trắng, phía sau là những bông hoa đại đang rơi cũng tạo nên một điểm nhấn đáng nhớ trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 7.

Nhìn nhận về ca khúc “Cỏ non Thành Cổ”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ rằng, bài hát này có tứ thơ cực kỳ đẹp được thể hiện bởi hình tượng xanh tươi, cỏ non cho nên bài hát rất xứng đáng với một bản phối mới, tươi trẻ và mang phong cách thời đại.

Hội đồng bình luận Giai điệu tự hào tháng 7.
Hội đồng bình luận Giai điệu tự hào tháng 7.

Ca sĩ Đông Hùng đã thể hiện được sự ngậm ngùi, nghẹn ngào và day dứt như một lời nhắc nhủ với tất cả mọi người đừng bao giờ quên sự hy sinh của những con người đã ngã xuống nơi này. Tuy nhiên, hội đồng bình luận cũng cho rằng cách xử lý bài hát cần mạnh mẽ hơn nữa để thể hiện hết sự khốc liệt của chiến tranh.

Hà Tùng Long