Hòa quyện giữa âm nhạc và thi ca tại triển lãm “Nàng thơ thuở ấy”

(Dân trí) - Triển lãm đem đến cho khán giả không gian hòa quyện giữa thơ và nhạc đặc sắc.

Ngày 13/12, Đường Sách TPHCM đã khai mạc triển lãm đặc biệt chủ đề “Nàng thơ thuở ấy”. Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như trưng bày ấn phẩm thơ tiền chiến, các bản nhạc tiền chiến được các nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc.

Hòa quyện giữa âm nhạc và thi ca tại triển lãm “Nàng thơ thuở ấy” - 1
Khách đến tham quan triển lãm sáng 13/12

Triển lãm lần này trưng bày hơn 20 tác phẩm thơ tiền chiến như: Tập thơ “Lửa Thiêng” của Huy Cận xuất bản lần đầu năm 1940, tập thơ “Thơ thơ” của Xuân Diệu xuất bản lần đầu năm 1938, tập thơ đầu tay “Điêu Tàn” của Chế Lan Viên xuất bản lần đầu năm 1938 với thủ bút và chữ ký của tác giả… Đặc biệt là lần này có triển lãm tập thơ “Quê ngoại” của Hồ Dzếnh xuất bản lần đầu năm 1943. Đây là một trong những ấn phẩm thượng hạng hiếm hoi còn sót lại.

Hòa quyện giữa âm nhạc và thi ca tại triển lãm “Nàng thơ thuở ấy” - 2
Những tác phẩm thơ tiền chiến được trưng bày tại triển lãm
Hòa quyện giữa âm nhạc và thi ca tại triển lãm “Nàng thơ thuở ấy” - 3
Những bản in cũ được giữ gìn nguyên vẹn thu hút người yêu sách

Theo ban tổ chức, thơ và nhạc có mối lương duyên sâu nặng, thơ là sự lắng đọng xúc cảm thông qua ngôn ngữ, nhạc là nghệ thuật dung âm thanh để diễn đạt tình cảm, tâm trạng. Và khi những giai điệu được cất lên từ lời thơ tạo thành một mối tương giao kỳ diệu.

Mối tương giao này được thể hiện rất rõ trong nhiều tác phẩm âm nhạc kinh điển đã được các nhạc sĩ tài hoa phổ từ các bài thơ nổi tiếng mà đến tận bây giờ nghe vẫn rất quen thuộc như: Anh Cứ Hẹn, Thoi tơ, Ngậm ngùi, hay Tiếng sáo thiên thai.

Hòa quyện giữa âm nhạc và thi ca tại triển lãm “Nàng thơ thuở ấy” - 4
Những bản sách cổ được lưu giữ rất tốt

Đợt triển lãm lần này sẽ tái hiện mối tương giao sâu sắc giữa thơ và nhạc thông qua việc triển lãm hơn 20 bài nhạc đặc sắc là các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng được phổ thơ. Đây là các ấn phẩm được in và ra mắt lần đầu tiên hơn 60 năm về trước, được các họa sĩ vẽ minh họa và in thủ công. Có nhiều tác phẩm sẽ có thủ bút và chữ ký của các nhạc sĩ như Văn Cao, Phạm Duy…

Đồng thời, lần đầu tiên tại Đường Sách, khách tham quan triển lãm sẽ được đắm mình vào các giai điệu du dương của những bản tình ca, được hòa mình vào không gian văn hóa giữa âm nhạc và thi ca.

Dấu ấn của đợt triển lãm lần này chính là đêm nhạc chủ đề “Nàng thơ thuở ấy” diễn ra vào lúc 19h ngày 15/12 với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ: Đức Tuấn, Hà Vân…

Cũng trong đêm nhạc này, ban tổ chức sẽ là buổi đấu giá sách gây quỹ cho chương trình “Vươn tới chân trời” nhằm cung cấp tài chính cho sinh viên, giáo viên trong các dự án hoạt động nghiên cứu văn hóa, khoa học.

Hòa quyện giữa âm nhạc và thi ca tại triển lãm “Nàng thơ thuở ấy” - 5

Tác phẩm Thú chơi sách của tác giả Vương Hồng Sển, xuất bản năm 1961

Các sách quý được đấu giá tại triển lãm là các tác phẩm Mây (xuất bản năm 1960), Hoa đăng (xuất bản năm 1959) và Trời một phương (xuất bản năm 1961) của tác giả Vũ Hoàng Chương, sách có thủ bút và lời đề tặng của tác giả; Tác phẩm Thú chơi sách của tác giả Vương Hồng Sển, xuất bản năm 1961.

Tùng Nguyên