“Hậu duệ mặt trời” sẽ chỉnh sửa những gì sau sai sót?

(Dân trí) - Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Giám đốc Công ty BHD đã có những chia sẻ với Dân trí về những ồn ào liên quan đến bộ phim “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt do công ty bà đầu tư sản xuất.

Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh - Đại diện cho BHD, đơn vị sản xuất bộ phim “Hậu duệ mặt trời” chia sẻ: “Ba tôi là một người lính, cũng là nhà phê bình văn học. Từ bé tôi đã được làm quen với hình ảnh của những người lính. Ở Việt Nam không có nhiều tác phẩm lớn về người lính và cũng chưa có kịch bản nào hay về đề tài này.

Chúng tôi nghĩ, mình chưa giỏi trong việc sáng tạo nên những kịch bản hay về người lính thì mình mua kịch bản của nước ngoài về để mình học hỏi.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh phát biểu trong buổi khai mạc Trại sáng tác và Chợ dự án phim - LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh phát biểu trong buổi khai mạc Trại sáng tác và Chợ dự án phim - LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V.

Bản thân tôi cũng là một người rất hâm mộ bộ phim “Hậu duệ mặt trời” phiên bản gốc. Tôi thấy nhiều người nói bộ phim chỉ phù hợp với Hàn Quốc nhưng bản gốc của phim cũng không nói nhiều gì về đất nước Hàn Quốc cả. Chúng tôi nhìn thấy tinh thần bao quát của bộ phim là về tinh thần yêu nước của những người trẻ.

Trong cuộc sống hiện đại, mọi người lo lắng để làm sao có một cuộc sống tốt đẹp hơn, sống sung sướng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn nhưng những người trẻ cũng sẽ có lúc trong cuộc đời mong muốn được sống với lý tưởng, vì những điều tốt đẹp hơn và quyết tâm đến cùng vì lí tưởng đấy”.

Đề cập đến những ý kiến phản hồi của Bộ Quốc phòng về bộ phim “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt sau khi phim phát sóng, bà Bích Hạnh cho biết thêm, Bộ Quốc phòng cũng đã làm việc với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và phía nhà sản xuất. Tinh thần của Bộ Quốc phòng là chỉ nhắc nhở và góp ý mang tính xây dựng chứ không nặng nề bất kỳ chuyện gì.

“Thực ra Bộ Quốc phòng cũng không đề nghị cái gì quá ghê gớm cả. Họ cũng chỉ góp ý với chúng tôi rằng, nếu có thể chỉnh sửa một số chi tiết để phù hợp hơn với nhãn quan của người xem thì nên cố gắng chỉnh sửa. Họ không ép buộc hoặc yêu cầu phải theo một mệnh lệnh “cứng”. Tôi nghĩ, những gì Bộ Quốc phòng đã góp ý có tính xây dựng và chúng tôi xin tiếp thu.

Tôi cũng thú thật rằng, để làm được một bộ phim dài tập với kinh phí lớn như thế này mà không có sự cố vấn của bên quân đội thì chúng tôi không bao giờ làm được. Khi làm bộ phim này, chúng tôi có tham khảo ý kiến của gần 50 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong quân đội. Tuy nhiên, khi bắt tay làm phim không thể tránh được những lỗi sai. Chúng tôi rất tự tin đây là một bộ phim về lòng yêu nước. Hình ảnh của quân đội ở bộ phim này là những người lính rất đẹp. Có thể các bạn diễn viên trẻ khi diễn tả về người lính chưa đúng tư thế, sử dụng thiết bị sai một chút… nhưng không phải vì thế mà hình ảnh người lính xấu đi. Nếu mọi người thực sự xem phim thì sẽ nhận ra cái quan trọng nhất của một phim là tinh thần.

Nếu phim do Bộ Quốc phòng làm để phổ biến hoặc lưu hành nội bộ thì khác, còn phim do dân sự làm để lưu hành cho số đông đại trà thì nên có những góc nhìn riêng. Góc nhìn của người trẻ làm về người lính có thể có những lỗi a, b… nhưng nó lại có những điểm sáng ở những chỗ khác. Khi tinh thần đã tốt thì sẽ nhân rộng thêm nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”, bà Bích Hạnh bày tỏ.

Theo đại diện nhà sản xuất bộ phim “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt thì nếu biết trước làm phim về người lính khó đến thế, phía đơn vị của bà đã cân nhắc hơn.

“Trước khi làm bộ phim, chúng tôi không nghĩ là bộ phim khó vậy. Nếu biết khó vậy chưa chắc chúng tôi đã dám làm. Nhưng chúng tôi vẫn rất tự hào vì mình đã dám làm được điều mà chưa chắc nhiều người đã dám làm.

Bản thân nhiều chuyên gia về quân đội và điện ảnh cũng thừa nhận, làm phim về người lính, về quân đội rất khó. Bởi có nhiều thứ thuộc về bí mật quốc phòng, người ngoài không thể tiếp cận, người trong biết nhưng cũng không thể nói toạc ra hết.


Bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt do nhiều diễn viên trẻ đảm vai.

Bộ phim "Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt do nhiều diễn viên trẻ đảm vai.

Thời gian qua, khi phim vướng phải một số ồn ào, nhiều nhà làm phim lẫn đạo diễn từng có nhiều bộ phim về người lính tâm sự với chúng tôi rằng, bản thân họ luôn thấy làm phim về người lính rất khó. Họ đã làm nhiều phim rồi nhưng phim của họ vẫn vướng phải những lỗi sai.

Nhưng tôi nghĩ, không ai có thể hoàn hảo và không có cái gì hoàn thiện tuyệt đối. Điều quan trọng nhất chính là tinh thần của bộ phim đã thể hiện rất tốt những lí tưởng cao đẹp của những người trẻ.

Một điều nữa mà tôi muốn đề cập đó là chúng tôi rất muốn những người trẻ làm phim về những người lính trẻ để mang đến một cái nhìn khác về người lính. Tại vì trước đây, phim về người lính thường do những nghệ sĩ, diễn viên… lớn tuổi đóng.

Dĩ nhiên để các bạn trẻ đóng về người lính chưa thể chuẩn chỉnh được mọi thứ. Cả cách sử dụng các vũ khí lẫn trang thiết bị quân đội cũng không thể thuần thục được như những người đã có kinh nghiệm. Nhưng các bạn ấy lại có thế mạnh đó là sự trong sáng nên nhìn mọi việc rất mới lạ. Và cái nhìn của những người lính trong phim cũng khác trước.

Mặc dù sự mới mẻ này có thể tạo nên nhiều ý kiến trái chiều nhưng nếu mọi người thực sự xem phim sẽ thấy đây là những hình ảnh rất đẹp. Những người lính hiện lên trong phim rất đẹp và mọi người xem phim sẽ nhìn những người lính ấy bằng cái nhìn đẹp.

Có thể hình ảnh không giống như hình ảnh người lính trên phim trước đây nhưng tôi nghĩ những người trẻ bây giờ nên có những góc nhìn gần gũi với thời đại.

Phía nhà sản xuất chúng tôi vẫn luôn lắng nghe mọi ý kiến của khán giả, ý kiến của các cơ quan chức năng… Làm sao để làm tốt nhất trong khả năng của mình có thể có được”, bà Bích Hạnh nói thêm.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ rằng: “Tôi không có ý kiến riêng về những lỗi điều lệnh, hành vi, luật, qui tắc, nguyên tắc hành quân trong phim… Cũng không có ý so sánh bộ phim với phiên bản gốc.

Xưa nay, tôi rất ít khi nói về ai đó, hoặc một tác phẩm nào đó. Với tôi, khen ai, khen cái gì liên quan đến nghệ thuật là khó, chê thì lại càng khó hơn. Tuy nhiên, khi đọc bình luận của một số bạn trên mạng, tôi buộc phải lên tiếng. Các bạn nhận xét như vậy, thực sự có nặng nề quá không?

Một đơn vị tư nhân bỏ tiền ra làm về một đề tài người lính như cảnh sát biển, đó là một hành động dũng cảm. Tôi nghĩ họ nên được khuyến khích và ngợi khen. Nếu có góp ý cũng nên dừng ở mức độ xây dựng, có như vậy người làm phim sẽ dễ dàng tiếp thu và hoàn thiện ở những tập sau, những tác phẩm sau.

Nếu nói như xúc đất đổ đi, thậm tệ vậy thì còn ai dám làm về đề tài này nữa. Sản xuất phim về người lính, nhất là lính thời bình hiện nay, chỉ có Điện ảnh Quân đội – một đơn vị trực thuộc Tổng cục Chính trị mới làm và cũng chỉ với số lượng hiếm hoi ở dạng phim tài liệu hoặc phim truyện video một tập.

Khi nghe tin một hãng phim tư nhân làm phim dài tập về đề tài này, quan điểm đầu tiên của tôi là tuyệt đối trân trọng. Nếu họ thu hồi đủ vốn sau khi phát sóng, đó là điều đáng mừng. Tôi biết, chắc chắn những chủ đầu tư phải có gốc rễ quân đội hoặc phải có một tinh thần yêu nước lắm họ mới bỏ tiền để làm một đề tài tốn kém và khó khăn đến vậy.

Thế hệ trẻ Việt Nam giờ đã khác, đời sống xã hội thành thị ngày càng khác. Chúng ta hàng ngày phải xem đủ thứ nhảm nhí, nhạt nhẽo tra tấn suốt trên truyền hình. Một bộ phim như vậy, dẫu có những khiếm khuyết nhỏ, chúng ta cũng nên trân trọng.

Tôi thích tinh thần thượng võ, lối sống trung thực, thẳng thắn và mạnh mẽ ở các nhân vật trong phim, điều mà giới trẻ hiện nay đang thiếu. Tôi hy vọng, bộ phim sẽ tiếp tục được hoàn thiện và phát sóng vì giới trẻ Việt Nam luôn cần tinh thần từ những bộ phim như vậy”.

Hà Tùng Long