1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Hành trình kỳ diệu của một siêu phẩm hội họa

(Dân trí) - Bức “Hoàng hôn ở Montmajour” của Van Gogh trong hơn một thế kỷ qua đã bị nhầm là tranh giả, nó đã bị quẳng trong nhà kho bụi bặm suốt 6 thập kỷ...

Hành trình kỳ diệu của một siêu phẩm hội họa


Trong gần một thế kỷ, bức “Hoàng hôn ở Montmajour” bị coi là bức tranh giả mạo, bị bỏ quên trên kho chứa đồ ở tầng áp mái và sau đó được đưa vào một bộ sưu tập tư nhân, không ai biết đến nó nữa, các chuyên gia mỹ thuật hoàn toàn phủ nhận bức tranh. Nhưng đầu tháng 9 này, Viện bảo tàng Van Gogh bất ngờ tuyên bố “tranh giả là tranh thật” và rằng họ đã có một phát hiện quan trọng.

Hành trình kỳ diệu của một siêu phẩm hội họa


Bức “Hoàng hôn ở Montmajour” được vẽ tại thành phố Arles, tỉnh Provence, Pháp hồi năm 1888. Nó đã được thực hiện trong thời kỳ quan trọng nhất của cuộc đời Van Gogh, đây chính là khi ông vẽ nên những tuyệt tác như “Hoa hướng dương”, “Ngôi nhà vàng” hay “Phòng ngủ”.

Bức “Hoàng hôn ở Montmajour” đúng như cái tên của nó, miêu tả cảnh mặt trời lặn trên không gian của những triền đồi và khu rừng thưa ở Montmajour thuộc tỉnh Provence. Thấp thoáng xa xa là cánh đồng lúa mì và phế tích tu viện Benedictine. Montmajour là nơi mà Van Gogh thường tới thăm trong thời gian lưu lại thành phố Arles.

Hành trình kỳ diệu của một siêu phẩm hội họa


Hành trình kỳ diệu của một siêu phẩm hội họa


Hành trình kỳ diệu của một siêu phẩm hội họa

Bức “Hoa hướng dương”, “Ngôi nhà vàng”, “Phòng ngủ”… là những tác phẩm nổi tiếng được thực hiện cùng thời với bức “Hoàng hôn ở Montmajour”.

Trước đây cũng đã có một vài bức tranh của Van Gogh được phát hiện, tuy vậy, đối với một bức tranh được vẽ trong thời kỳ đỉnh cao sáng tác của Van Gogh mà lại bị bỏ quên lâu như vậy thì thật đáng kinh ngạc. “Hoàng hôn ở Montmajour” chính là trường hợp đáng kinh ngạc đó.

Hiện tại chưa có nhà đấu giá nào dự đoán mức tiền sẽ được trả cho bức tranh nếu có người hỏi mua. Tuy vậy, chắc chắn nó sẽ có giá hàng chục triệu đô la. Đây không phải một tác phẩm biểu tượng để có thể sánh với những bức như “Hoa hướng dương” hay “Chân dung bác sĩ Gachet” nên giá của nó sẽ khiêm tốn hơn những kiệt tác khác của Van Gogh.

Hành trình kỳ diệu của một siêu phẩm hội họa

Bức “Chân dung bác sĩ Gachet” đã từng được bán với giá 82,5 triệu đô la (tương đương 1.744 tỉ VND) hồi năm 1990.

Bức tranh được cho là giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về phong cách hội họa của Van Gogh. Trước nay, người ta luôn có ấn tượng rằng Van Gogh là một họa sĩ hiện đại, cách vẽ của ông mang tính cách tân so với những họa sĩ đương thời nhưng đối với bức tranh này, ông lại tuân thủ những quan niệm truyền thống của tranh phong cảnh thế kỷ 19.

“Bức tranh giả” đã nằm trong bộ sưu tập của một gia đình suốt nhiều năm. Hành trình của nó bắt đầu từ năm 1901, khi đó bức tranh thuộc quyền sở hữu của người em trai danh họa - Theo Van Gogh.

Sau khi Theo qua đời, vợ ông đã bán bức tranh cho một thương nhân Pháp. Bức tranh được bán lại nhiều lần, đến năm 1908, nó bị tuyên bố là tranh giả. Người chủ sở hữu ở Na Uy lúc đó đã vứt bức tranh vào kho chứa đồ ở tầng gác mái. Bức tranh nằm đó hơn nửa thế kỷ cho tới năm 1970 khi người chủ hiện tại hỏi mua “bức tranh giả”.

Năm 1991, bức tranh được mang tới Viện bảo tàng Van Gogh để xác minh lại nhưng ở thời điểm đó họ chỉ dùng mắt thường quan sát và tiếp tục khẳng định đây là tranh giả. Hai năm sau, người chủ sở hữu lại kiên trì mang trở lại viện bảo tàng, kể từ đó đến nay, các chuyên gia không ngừng nghiên cứu bức tranh, vận dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất và đã có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo đó, chất vải của bức “Hoàng hôn ở Montmajour” giống hệt bức “Những hòn đá”. Ngoài ra, bức “Hoàng hôn ở Montmajour” đã từng được liệt kê trong bộ sưu tập tranh của người em trai danh họa. Ở mặt sau khung tranh còn có số “180”, đó chính là con số liệt kê thứ tự bức tranh trong bộ sưu tập của Theo Van Gogh.

Chất vải của bức “Hoàng hôn ở Montmajour” giống hệt bức “Những hòn đá”.

Chất vải của bức “Hoàng hôn ở Montmajour” giống hệt bức “Những hòn đá”.

Chất vải của bức “Hoàng hôn ở Montmajour” giống hệt bức “Những hòn đá”.

Hồi thập niên 1930, bức “Xe ngựa ở Tarascon”, được Van Gogh vẽ năm 1888, cũng đã được khẳng định là tranh thật. Sau hơn 8 thập kỷ, lại có một bức tranh nữa của ông được tìm thấy.

Trong lá thư gửi cho em trai, Van Gogh từng miêu tả cảnh vật nơi ông tới thăm giống hệt trong bức “Hoàng hôn ở Montmajour”: “Ngày hôm qua, lúc mặt trời lặn, anh ngồi trên một phiến đá ngắm cảnh, ở đó có những cây sồi nhỏ, trên đồi có một công trình cổ đổ nát, những cánh đồng lúa mì trải ra phía dưới thung lũng. Thật lãng mạn, chẳng còn gì có thể lãng mạn hơn, giống như tranh Monticelli vậy. Mặt trời đổ ánh sáng vàng cuối ngày lên cảnh vật, như đang tắm cho cảnh vật trong cơn mưa vàng. Mọi đường nét đều đẹp, toàn cảnh thật quyến rũ và quý phái”. (Van Gogh nhắc đến họa sĩ người Pháp Adolphe Monticelli, một tên tuổi ông ngưỡng mộ, chính vì Monticelli mà Van Gogh đã chuyển đến sống ở Provence).

Trong thời gian sống ở thành phố Arles, tỉnh Provence, Van Gogh đã tới thăm Montmajour không dưới 50 lần “để được ngắm cảnh từ trên đồi”, ông đã thổ lộ điều này trong một lá thư khác.

Bức tranh đã được người chủ sở hữu cho phép trưng bày tại Viện bảo tàng Van Gogh trong một năm, kể từ ngày 24/9 vừa qua.

 
Bích Ngọc
Theo Los Angeles Times