Hai nhiếp ảnh gia Việt “vật lộn với sinh tử” chụp thiên nhiên hoang dã

(Dân trí) - Thiên tai, thú dữ, động đất,… vô vàn những khó khăn chờ đón khi tác nghiệp nhưng Andy Nguyễn - người Việt đầu tiên giành giải thưởng quốc tế “Wildlife Photographer of the Year" và Mỹ Hạnh - nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt duy nhất chuyên thể loại nghệ thuật wildlife luôn sẵn sàng “nằm gai nếm mật”.

“Sải cánh hoang dã” là triển lãm ảnh kể lại cuộc hành trình của hai nhiếp ảnh gia nghệ thuật gốc Việt Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh trong các cuộc phiêu lưu ở khắp miền thế giới hoang dã. Triển lãm kéo dài trong 3 ngày, từ 05/08 đến hết 07/08/2016 tại số 1, Lương Yên, Hà Nội.

Triển lãm “Sải cánh hoang dã” được tổ chức khá quy mô, thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo giới nhiếp ảnh và công chúng yêu nghệ thuật. Tại buổi khai mạc, ngoài việc giới thiệu những bức ảnh nghệ thuật, cả hai nhiếp ảnh gia đều bộc lộ những tâm sự, trải nghiệm về chuyện nghề, về khoảng thời gian dài gắn bó với ống kính máy ảnh, rong ruổi khắp mọi miền hoang dã.

Bắt đầu từ sự đam mê

Andy Nguyễn là nhiếp ảnh gia động vật hoang dã có hơn 30 năm kinh nghiệm. Anh được giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp biết đến là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh trong giải thưởng quốc tế “Wildlife Photographer of the Year" (2009).

Công việc chụp động vật hoang dã, mới đầu với anh chỉ là sự tình cờ. Tận mắt chứng kiến cuộc sống tự do của những con thú trên đất Mỹ, anh không ngừng bị thu hút và khao khát chụp được những bức hình đặc biệt.

Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn.
Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn.

Ngoài công việc chính tại Mỹ là một nhiếp ảnh động vật hoang dã, Andy Nguyễn cũng đồng thời hướng dẫn các buổi workshop. Ngay cả những nhiếp ảnh có kinh nghiệm, từng đi nhiều nơi trên thế giới cũng khâm phục và đến học hỏi kinh nghiệm của anh.

Anh chia sẻ, những bức ảnh đầu tiên không tránh khỏi thất bại. Nhưng cái khó khăn ấy càng làm anh cố gắng, khiến anh có động lực trau dồi kinh nghiệm nhiều hơn. Andy Nguyễn đi học những khóa chuyên môn về cầm điểu học, chuyên nghiên cứu về cuộc sống sinh hoạt của loài chim, từng đặc tính của khoảng 1.000 loài chim trên thế giới. “Một khi đã say mê thì không thể từ bỏ công việc này, bởi mỗi ngày đều là sự sáng tạo không ngừng. Và cũng chính vì khổ cực nên mới thú vị.”

“Nhân vật” chính trong các bức ảnh của Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh là các động vật hoang dã, chúng thuộc về thiên nhiên, nên không thể điều khiển hoặc bắt chúng “diễn” theo ý tưởng của hai nhà nhiếp ảnh. Cái khó của nhiếp ảnh là ở đó, Andy tâm sự: “Tôi phải luôn luôn sẵn sàng. Quá trình thực hiện có khi kéo dài nhiều năm, và cần nhất trong suốt cả quá trình, ấy là niềm đam mê”.

Hai nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh trong buổi premier triển lãm “Sải cánh hoang dã”.
Hai nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh trong buổi premier triển lãm “Sải cánh hoang dã”.

Với Đặng Mỹ Hạnh, ngoài niềm đam mê, lý do để chị gắn bó với công việc đầy nguy hiểm này, đó là vì đề tài động vật hoang dã thể hiện rõ con người thật của chị “bản thân mình sống về chiều sâu lắng, nó thể hiện rõ ràng qua những giây phút mình cầm máy”.

Đặng Mỹ Hạnh: “Với tôi, đơn giản, cũng chỉ là những mong mỏi được đem lại những giá trị chân thực của một vẻ đẹp đáng trân quý và tồn tại". Những bức ảnh được trưng bày là thành quả sau mười mấy năm chị chu du qua nhiều nước. Là nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt duy nhất chuyên nghiệp về thể loại nghệ thuật wildlife trên toàn thế giới, chị tự hào với vai trò là người tiên phong trong công việc nằm gai nếm mật.

Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh.
Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh.

“Đây là công việc rất vất vả cho phụ nữ, nhưng nó cũng đồng thời thể hiện sự tự tin, cá tính”. Nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ, để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi, chị thường trang bị những kiến thức sâu rộng về thế giới tự nhiên, đồng thời... tập tạ để cầm ống kính cho chắc.

Buổi khai mạc thu hút đông đảo sự chú ý của những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.
Buổi khai mạc thu hút đông đảo sự chú ý của những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.

Để có được những bức ảnh chân thực, sống động, cả Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh đã trải qua không ít khó khăn. Andy nói: “Về phần kĩ thuật, nhiếp ảnh gia phải bắt được khoảnh khắc thật đặc biệt để bức ảnh trở nên ấn tượng, mang màu sắc riêng. Rồi đến ánh sáng, bố cục sao cho phải thật hài hòa”.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến, thiên tai, thú dữ, động đất,… vô vàn những khó khăn luôn chờ đón, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của bản thân. Hơn nữa, việc không có sự trợ giúp của các phương tiện kĩ thuật như GPS, Internet,.. khiến công việc nhiều khi trở nên vất vả gấp bội.

“Chính vì vậy nên luôn phải có sự chuẩn bị trước, có khi là mấy tháng trời về vị trí địa lý, văn hóa vùng miền và tập quán sinh hoạt của các loài động vật hoang dã. Nhớ nhất là những lần đi “thám thính” cuộc sống của chúng. Chỉ có điều là nếu chim bay trên trời thì mình phải đi xe, có khi là đi bộ theo nó, và không ít lần bị lạc.”

“Mèo vện với cánh”. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh chụp loài cú diều phương Bắc với cặp mắt vàng rực và bộ lông vằn vện ý hệt con “mèo vện có cánh”.
“Mèo vện với cánh”. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh chụp loài cú diều phương Bắc với cặp mắt vàng rực và bộ lông vằn vện ý hệt con “mèo vện có cánh”.

Những thông điệp hoàn hảo đến từ vẻ đẹp tự nhiên

Mỗi bức ảnh được trưng bày, tự thân nó đã mang một thông điệp sâu xa. Triển lãm “Sải cánh hoang dã” của hai nhiếp ảnh gia gốc Việt không chỉ đơn thuần mang đến những trải nghiệm độc đáo về vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Đằng sau những ánh mắt, những sải cánh hoang dã của vạn vật là những thôi thúc không ngừng, khơi gợi cảm thức nhân văn trong mỗi người, để mọi người cùng chung tay xây dựng môi trường, bảo vệ cái đẹp tự nhiên.

Đặng Mỹ Hạnh chụp cảnh “Tắm mưa” của nàng chim ruồi tí hon tuyệt đẹp xứ sở Trung Mỹ.
Đặng Mỹ Hạnh chụp cảnh “Tắm mưa” của nàng chim ruồi tí hon tuyệt đẹp xứ sở Trung Mỹ.

Khác với các triển lãm thông thường, “Sải cánh hoang dã” gây ấn tượng bởi không gian tràn ngập tiếng chim hót. Dụng ý của sự xếp đặt này là muốn người xem có cảm giác như được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp đến từ sự hoang dã, tự do của thiên nhiên qua lăng kính của hai nhiếp ảnh gia.

Bức “Cuộc vật lộn sinh tử” của nữ nhiếp ảnh gia tái hiện một “khoảnh khắc hiếm hoi xảy ra nhanh hơn một cái chớp mắt”.
Bức “Cuộc vật lộn sinh tử” của nữ nhiếp ảnh gia tái hiện một “khoảnh khắc hiếm hoi xảy ra nhanh hơn một cái chớp mắt”.

Nếu nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh thiên về vẻ đẹp của sự nữ tính nhưng không kém phần táo bạo; thì Andy Nguyễn lại khiến người xem nể phục bởi những kĩ năng “bậc thầy”, sự mạnh mẽ, độc đáo anh thể hiện qua mỗi bức ảnh.

“Ngụy trang trong tuyết”. Để chụp được bức ảnh này, Andy Nguyễn chia sẻ, anh phải nằm vùi trong tuyết, cẩn trọng trong từng hơi thở, không để con cú tuyết phát hiện ra. Anh phải chống chọi với tiết trời âm 28 độ, lội giữa cánh đồng tuyết mênh mông ngập đến đầu gối.
“Ngụy trang trong tuyết”. Để chụp được bức ảnh này, Andy Nguyễn chia sẻ, anh phải nằm vùi trong tuyết, cẩn trọng trong từng hơi thở, không để con cú tuyết phát hiện ra. Anh phải chống chọi với tiết trời âm 28 độ, lội giữa cánh đồng tuyết mênh mông ngập đến đầu gối.

Vẻ đẹp oai nghiêm, dũng mãnh của đại bàng được nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn đặt trong cái tên vô cùng thơ mộng “Súng và hoa hồng”.
Vẻ đẹp oai nghiêm, dũng mãnh của đại bàng được nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn đặt trong cái tên vô cùng thơ mộng “Súng và hoa hồng”.

Andy Nguyễn bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình “tôi thích chụp chim bay, nhất là chim bay gần. Những khoảnh khắc này, bình thường rất khó để nhìn thấy, mà chỉ khi nó đang bay, vẻ đẹp hoàn hảo của màu lông, ánh mắt, bộ cánh nó mới thể hiện rõ hết. Đây là điều rất khó, nhưng vì mình yêu thích nên quyết tâm thực hiện”

“Trận chiến sinh tử” giữa con cò ngàng lớn với con cá hồi cầu vồng. Nhiếp ảnh gia: Andy Nguyễn.
“Trận chiến sinh tử” giữa con cò ngàng lớn với con cá hồi cầu vồng. Nhiếp ảnh gia: Andy Nguyễn.

Dành cho những người đam mê nhiếp ảnh, Andy Nguyễn đề ra tiêu chuẩn cho những bức ảnh đẹp để đạt giải thưởng lớn: tiêu chuẩn của cuộc thi, bố cục, cái hồn của tấm ảnh và đề tài. Bức ảnh càng nhiều điểm đặc biệt sẽ càng được hoan nghênh.

Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh cùng đề cao thái độ tôn trọng thiên nhiên. Chủ nhân của giải thưởng “Wildlife Photographer of the Year" thẳng thắn bày tỏ “động vật hoang dã cũng chỉ là một phần của thiên nhiên.

Ý nghĩa của thiên nhiên là tự nhiên, tức tất cả đều phải thật. Một khi đã dàn xếp bối cảnh để chụp, đó là một việc rất giả tạo. Nếu có chụp được hình đẹp, đó cũng không phải niềm hạnh phúc bởi nó không còn là thiên nhiên. Việc dàn xếp như vậy cũng chính là gián tiếp hại chủ thể, hại những con chim quý giá của thiên nhiên”.

Hoàng Ngọc