Hà Nội lập Bản đồ di sản: Liệu có cứu được di sản đang chết?

(Dân trí) - Trên thế giới, để có thể quản lý và kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể một cách thuận tiện nhất, nhiều quốc gia đã cho tiến hành lập bản đồ di sản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Hà Nội mới chỉ là địa phương đầu tiên lập bản đồ di sản văn hóa phi vật thể.

1.793 di sản văn hoá phi vật thể

Sau 2 năm triển khai (2014 – 2015), đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” do Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện ở toàn bộ 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô.

Kết quả đã xác định, nhận diện 1.793 di sản văn hoá phi vật thể phân bố nhiều quận, huyện, thị xã khác nhau trên địa bàn TP. Hà Nội với nhiều loại hình khác nhau: ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội – tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Tổng số xã, thị trấn có di sản ở Hà Nội là: 509/584, chiếm 87,2 %.

Bản đồ si sản văn hoá phi vật thể TP. Hà Nội. Ảnh: TL.
Bản đồ si sản văn hoá phi vật thể TP. Hà Nội. Ảnh: TL.

Căn cứ vào kết quả có được, Sở VH - TT Hà Nội đã đề xuất đưa 276 di sản văn hoá phi vật thể vào diện ưu tiên bảo vệ. Phần lớn các di sản ưu tiên bảo vệ đều nằm trong nhóm lễ hội (44,6%) và nghề thủ công (21,4%), nghệ thuật trình diễn (15,9%), tập quán xã hội (9,4%), tri thức dân gian (8,7%) và ít nhất là di sản truyền khẩu chỉ có 1 di sản, chiếm 0,4%. Ngoài ra, 6 di sản thuộc 6 loại hình khác nhau cũng đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hoá phia vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, việc kiểm kê không chỉ mang tính chất liệt kê danh sách, đếm số lượng di sản mà đề án đã thí điểm việc nghiên cứu và thực hiện các biện pháp bảo vệ 6 di sản thuộc 6 loại hình khác nhau nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cho vấn đề bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội.

Và sau thành công của đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”, Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã cho lập bản đồ Di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.

Cụ thể, bản đồ di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội sẽ phản ánh hiện trạng toàn bộ 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Bản đồ có kết cấu 3 phần cơ bản: Phần đầu là thể lệ Atlas trình bày tổng quan về các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, tiêu chí để các di sản được xác định là di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ, điều kiện để các di sản được xác định là ưu tiên bảo vệ khẩn cấp...

Bản đồ di sản liệu có làm nên chuyện?. Ảnh: TL.
Bản đồ di sản liệu có làm nên chuyện?. Ảnh: TL.

Phần hai là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội với các hình ảnh, điểm xuyết, chú giải cơ bản về các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh gồm: Hội Gióng, Ca trù, Kéo co ngồi, Kéo mỏ và một số di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Phần ba là đóng góp quan trọng nhất của cuốn Atlas với những tấm bản đồ tỷ lệ 1:10000 về hiện trạng các di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ trên địa bàn TP Hà Nội, bản đồ hiện trạng các di sản văn hóa phi vật thể từng quận, huyện, thị xã ở Thủ đô...

Điểm chỉ dẫn rất lý thú cho du lịch

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy di sản văn hóa cho rằng: “Nhìn vào bản đồ, người ta có thể thấy được sự thay đổi trong các di sản văn hóa phi vật thể. Chúng ta có thể thấy được một cách nhanh chóng trong 1.793 di sản phi vật thể của Hà Nội có bao nhiêu làng xã thờ Hai Bà Trưng, phân bố ở đâu. Và con số cụ thể thể hiện trên bản đồ là khoảng 17 địa điểm khác nhau.

Từ đây, chúng ta có thể biến bản đồ di sản phi vật thể thành điểm chỉ dẫn rất lý thú cho du lịch. Du khách có thể mường tượng, liên kết các điểm cùng thờ một vị thần linh. Bản đồ có thể góp phần giải thích cho người ta biết lý do vì sao để có được những sự phân bố của vị thần đó. Bởi có những vị thần được thờ cúng phân bố dọc theo các con sông, nhưng có vị thần lại gắn liền với nhiều đặc điểm địa lý, lịch sử khác. Nhìn từ loại bản đồ này sẽ phát hiện những bản sắc văn hóa phi vật thể rất riêng của Hà Nội. Bản đồ giúp cho người ta tìm cội nguồn, mối liên kết cộng đồng và quan trọng hơn là quản lý cũng như phát huy tốt hơn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể”.

Hát múa Ải Lao trong hội Gióng ở Long Biên vừa được công dân Di sản văn hoá phi vật thể. Ảnh: TL.
Hát múa Ải Lao trong hội Gióng ở Long Biên vừa được công dân Di sản văn hoá phi vật thể. Ảnh: TL.

Ngoài ra, Bản đồ này giúp cho Đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được khai thác thêm ở nhiều khía cạnh để cho công tác quản lý nhà nước và văn hóa ở các cấp ngày càng sâu sát, nhận nhận thức giá trị văn hóa phi vật thể ngày càng sâu sắc. Qua đây, có thể thiết lập nhiều loại bản đồ, atlas di sản phi vật thể cho tương lai.

Có thể thấy, sau khi nhận diện 98 di sản cần ưu tiên bảo vệ và gần 10 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp thì việc ra đời tấm bản đồ được xem là một động thái tích cực của ngành văn hóa Hà Nội.

Tuy nhiên, với con số 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã được kiểm kê cũng đặt ra một khối lượng đồ sộ công việc cho người làm quản lý văn hóa. Chưa kể hàng loạt các hạng mục công trình di sản vật thể trên địa bàn Thủ đô vẫn đang “xếp hàng” chờ tu bổ, trùng tu cũng không khỏi đặt ra nhiều thách thức.

Hà Tùng Long