Giành giật công chúng văn học

(Dân trí) - Đón tác giả truyện ngôn tình thì xôn xao đông nghẹt, còn tác phẩm nghiêm túc thì nằm nguội lạnh ế chỏng chơ trên giá sách.

Giành giật công chúng văn học


Tình trạng đó được các chuyên gia gọi là “sự giành giật công chúng văn học”. Mặc dù báo chí đã cảnh báo khá nhiều về sự phát triển rầm rộ đến mức gần như là mất kiểm soát của truyện ngôn tình hay nói chính xác hơn là truyện sex trá hình được bán tràn lan ở cả nhà sách, vỉa hè lẫn trên các trang mạng. Thế nhưng, chính vì độc giả của truyện ngôn tình là lứa tuổi còn chưa thực sự định hình về nhân cách và những lỗ hổng kiến thức vẫn chưa thể lấp kín cho nên giới trẻ vẫn tỏ ra hâm mộ thái quá đối với loại truyện này. 

Tâm lý hâm mộ những thứ nhảm nhí

Sự kiện đón tác giả ngôn tình Trung Quốc Diệp Lạc Vô Tâm đến Hà Nội và TP HCM mới đây, người lớn khó có thể tưởng tượng cảnh hàng ngàn bạn trẻ chen chúc nhau trong hội trường Đại học Văn hoá Hà Nội và nhà triển lãm TP HCM, trong cái nóng đầu hè dữ dội, háo hức nghe và… nuốt lấy từng lời, mà trong đó khá nhiều lời thực sự rất… vô tâm, y như cái bút danh của cô nhà văn “hot” này. Khi độc giả Việt hỏi cô có thật sự phải trải qua nhiều quan hệ phức tạp để viết ra những trường đoạn “nhạy cảm” trong sách, cô trả lời là nhiều cảnh cô chỉ tưởng tượng thôi. Thế mà độc giả Việt dù toát mồ hôi hột đầy người nhưng vẫn kiên nhẫn chờ được lại gần “thần tượng” của mình. Những tiếng hô vang và sự yêu mến thái quá còn hơn cả fan cuồng của K-pop hay V-pop. Các bạn trẻ không hiểu được rằng trong con mắt của người trưởng thành, cả về thể chất lẫn trí tuệ, thì những trường đoạn sexy trong các cuốn sách của cô tác giả này chỉ là trò câu khách rẻ tiền.

Giành giật công chúng văn học


Về hai sự kiện này, nhà phê bình Văn Giá - trưởng khoa Viết Văn, Đại học Văn hoá Hà Nội - đã phải cảm thán thốt lên rằng: “Đó là thật là một nỗi xấu hổ rất lớn, cho dù đại học Văn hoá Hà Nội chỉ cho thuê địa điểm thôi, còn đơn vị tổ chức là một công ty sách chuyên xuất bản truyện ngôn tình”. Trên nhiều diễn đàn, các bạn văn chương và bạn đọc nghiêm túc cũng la lối về chuyện này, cho rằng phải chăng văn hoá đọc đã đến lúc suy đồi?

Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng khó tránh tâm lý hâm mộ những thứ nhảm nhí của lứa tuổi chưa trưởng thành này, và đây là một biểu hiện đặc trưng hội chứng phong trào của độc giả văn học ngôn tình. Theo NPB Phạm Xuân Nguyên, độc giả ngôn tình không đọc văn chương mà chỉ đọc câu chuyện và có những tò mò muốn tìm hiểu giới tính.

Lộng lẫy và ế ẩm

Đón tác giả ngôn tình thì lộng lẫy cờ hoa, được fan hâm mộ ủng hộ nhiệt tình đông như kiến, còn tác phẩm nghiêm túc thời nay thường xuyên rơi vào cảnh nằm im ế ẩm trên giá sách, hoặc là chỉ được tác giả ký tặng gửi tới bạn bè, người thân. Mà kể cả khi đã tặng chứ không phải mất tiền mua, mà như dịch giả - nhà văn Nguyễn Thuỵ Anh -buồn bã thốt lên thì: “Hỡi ôi, sách sẽ đẹp như thế mãi và còn nguyên không một nếp gấp, bởi vì người được tặng sẽ không đọc, cho dù người gửi tặng có chất chứa, gửi gắm bao nhiêu tâm huyết”.

“Các cuốn sách văn học thực sự và sách thuộc loại chứa đựng nhiều tri thức thì thực sự ế ẩm - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng buồn bã khẳng định - Sách khoa học mà được NXB in cho khoảng 300 cuốn đã là mừng lắm rồi, phải chờ đến cả năm sau mới được in thêm 300 cuốn nữa. Hiện trạng xuất bản Việt quá đáng buồn vì đang tồn tại tâm lý phỉnh nịnh độc giả, tranh cướp độc giả” .

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết ông cũng đã dành sự quan tâm đáng kể tới dòng sách ngôn tình và hiệu ứng của nó. Nhà nghiên cứu thắc mắc: “Tôi thấy rất lạ là các dịch giả của dòng truyện nhảm nhí này là ai ? Đa phần đều là những dịch giả “vô danh” cho dù có người từng khoe khoang rằng đã dịch đến cả mấy chục cuốn sách? Tại sao các công ty xuất bản của Việt Nam lại chỉ tập trung vào dòng truyện ngôn tình Trung Quốc mà không chuyển dịch các dòng ngôn tình khác như Anh, Pháp, Mỹ? Liệu có một chiến lược tiếp thị hoặc bán hàng quy mô nào đó từ phía các công ty xuất bản Trung Quốc?”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định vấn đề là cơ quan quản lý chuyện dịch thuật, in ấn, phổ biến những ấn phẩm này như thế nào. “Cơ quan quản lý của ta vẫn cứ ứng dụng mãi một cái khuôn quá cũ không còn vừa với bất kỳ thực tế nào” - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng đồng tình - “Đáng lẽ cơ quan quản lý phải chủ động hơn chứ không thể dễ dãi tạo điều kiện cho một mảng không đáng quan tâm nhiều đến thế lại phổ biến rầm rĩ. Quyền lợi chỉ thuộc về nhóm lợi ích của các dịch giả “vô danh”, các tác giả Trung Quốc và các nhà làm sách thiếu lương tâm mà đã đầu độc cho cả một dân tộc, phân tán tâm lý giới trẻ khỏi những vấn đề thiết yếu của cuộc sống”.

Giành giật công chúng văn học


Trước kia, sách văn học với những tên tuổi lớn và tác phẩm kiệt xuất của cả Việt Nam và trên thế giới, cả những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa để giảng dậy trong nhà trường và sách văn học bên ngoài nhà trường, như “Thép đã tôi thế đấy” (Nikolai A.Ostrovsky), “Sông Đông êm đềm” (Mikhail Aleksandrovich Sholokhov), “Anna Karenina”, “Chiến tranh và hoà bình” (Lev Nikolayevich Tolstoy )… đã luôn là nguồn tri thức và là kho tàng để bồi bổ, xây đắp, động viên tinh thần hữu ích tới toàn xã hội, hình thành nhân cách sống của biết bao nhiêu con người. Độc giả các thế hệ trước được ảnh hưởng quá nhiều từ những quan niệm thẩm mỹ nghiêm túc và lối sống đẹp của các nhân vật điển hình như anh Pavel trong “Thép đã tôi thế đấy”, tinh thần yêu nước, trọng danh dự, khát vọng và ước mơ cao đẹp của nhân vật Andrei Nicolaievich trong “Chiến tranh và hoà bình”…

Ngày nay, sức ảnh hưởng của các tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa tỏ ra kém ưu thế hơn hẳn bao nhiêu hình thức giải trí khác. Còn văn học ngoài nhà trường thì rơi vào thảm cảnh ế ẩm đau đớn cả trên thương trường lẫn trong lòng độc giả như vậy, khiến những người làm văn học nghiêm túc phải đau đầu nhức óc, thất vọng với công chúng và bí bách không biết tìm lối ra cho văn học ở đâu?

Minh Tuệ

Dòng sự kiện: Ngày hội Sách Việt Nam