Giả gái trên sân khấu và truyền hình đang bị méo mó và phản cảm

(Dân trí) - Nhiều nghệ sĩ cho rằng, giả gái trên sân khấu lẫn truyền hình đang bị làm dụng thái quá. Việc lạm dụng này khiến cho các vai giả gái bị méo mó và phản cảm.

“Đừng làm giả gái bị dơ”

Giả gái trên sân khấu đến truyền hình đã từng có thời rộ lên như một cơn sốt. Đến sân khấu kịch nào, mở chương trình truyền hình thực tế gì… người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các nam nghệ sỹ chọc cười hoặc mua vui bằng những màn giả gái.

Thậm chí, có người còn “thống kê” được, ở Gương mặt thân quen 2016, trong 12 lần trình diễn, Hoài Lâm đã từng hóa thân một loạt nhân vật nữ như: cố nghệ nhân ca trù Hà Thị Cầu, nghệ sỹ Thanh Nga, Celine Dion, Đông Nhi...; Thanh Duy hóa thân thành Lệ Quyên, Phương Thanh, Minh Tuyết, Adele... Không chỉ có chương trình này mà ở một loạt chương trình truyền hình khác như: Ơn giời! Cậu đây rồi, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen nhí, Cùng nhau tỏa sáng... cũng đầy rẫy những màn giả gái.

Một màn giả gái của Trấn Thành và Ngô Kiến Huy trên truyền hình. Ảnh: TL.
Một màn giả gái của Trấn Thành và Ngô Kiến Huy trên truyền hình. Ảnh: TL.

Ngay cả trên sân khấu kịch người ta cũng không đếm nổi những lần giả gái của Trấn Thành, Long Nhật, Chí Tài, Trường Giang, Đại Nghĩa… Thậm chí, đến cả như Xuân Bắc, Tự Long và Thanh Bạch cũng giả gái.

Thực tế, giả gái không phải là xấu. Nghệ thuật đã từng ghi nhận những nghệ sĩ giả gái không ai qua mặt được như: NSƯT Hoài Linh, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Công Lý… Theo NSƯT Hữu thì chuyện nam giả nữ, nữ giả nam không phải bây giờ mới xuất hiện trên sân khấu hoặc truyền hình mà đã xuất hiện từ lâu. Và chuyện này không ghê gớm tới mức phải phản đối hết kịch liệt. Nếu đó là nghệ thuật thì khán giả nên đón nhận chứ không nên khắt khe. Duy chỉ có điều, thời gian gần đây, sân khấu lẫn truyền hình lạm dụng điều này một cách thái quá.

“Đừng nghĩ đội tóc giả lên, quét phấn thật dày, tô son thật đậm… là con gái. Tôi đã từng đóng nhiều vai giả gái nhưng tôi đều che đôi tai của mình lại. Ngoài ra, tôi còn đánh phấn ở cổ để cổ không bị đen mà mặt thì trắng. Diễn giả gái, kể cả đó là vai hài cũng chừng mực thôi, đừng có làm quá. Vì làm quá không thấy đó là con gái mà là một con gì đó khác. Đã diễn giả gái là phải cho người ta thấy đó là con gái. Đừng diễn mà để người ta nhìn vào người ta bị sợ. Thật sự có những em đóng giả gái đẹp lắm, tôi nhìn rất thích. Nhưng cũng có những em đóng giả gái tôi bị sợ”, nghệ sĩ Hữu Châu nói.

Theo nghệ sĩ Hữu Châu, ngày xưa các nghệ sĩ chỉ đóng giả gái khi kịch bản yêu cầu. Và việc giả gái là vì làm nghề, đem đến cho khán giả một điều gì đó đáng trân trọng chứ không dùng giả gái để chọc cười, mua vui…

“Đã làm nghệ sĩ thì bất kỳ vai nào đi nữa cũng đừng để vai diễn đó bị dơ, giả gái cũng đừng để bị dơ. Phải làm sao cho sạch và đẹp trong mắt khán giả”, nghệ sĩ Hữu Châu nhấn mạnh.

Có thể hạn chế được các màn hóa “thẳng” thành “cong”

Thực tế, công nghệ hoá trang ngày nay khiến cho việc giả gái không còn quá khó khăn. Ngay cả những người vai u thịt bắp, mặt đầy nam tính… thì khi qua bàn tay của các “phù thuỷ trang điểm” họ vẫn có thể trở thành những nhân vật nữ mà mới bước ra sân khấu người ta đã ngỡ ngàng. Tuy nhiên, cái hồn và cốt của nhân vật giả gái lại không phải chỉ thể hiện qua vẻ ngoài mà còn là thần thái, cốt cách và nét duyên trên sân khấu.

Đa phần các màn giả gái gần đây trên sân khấu lẫn trên truyền hình đều mang một mô tuýp chung, đó là nam không ra nam, nữ không ra nữ. Ăn mặc lòe loẹt, đi lại dưỡn dẹo, nói năng nhão nhoẹt, đanh đá… khiến cho những nhân vật này ngày càng trở nên phảm cảm. Và thực tế là có nhiều màn giả gái đã từng bị dư luận chỉ trích, ném đá vì nó quá ư khiên cưỡng. Sự việc Trấn Thành giả Tô Ánh Nguyệt vừa qua là một minh chứng cho sự quá đà của chính những người nghệ sĩ. Mải chạy theo thứ tiếng cười tầm thường, dung tục… họ đang quên đi “thiên sứ” nghệ thuật của mình.

Giá gái đang tràn lan từ sân khấu, âm nhạc đến truyền hình. Người ta xem giả gái như phao cứu sinh để lấy tiếng cười của khán giả. Ảnh: TL.
Giá gái đang tràn lan từ sân khấu, âm nhạc đến truyền hình. Người ta xem giả gái như "phao cứu sinh" để lấy tiếng cười của khán giả. Ảnh: TL.

Nghệ sĩ Hoài Linh chia sẻ, lúc mới đóng vai nữ, muốn người ta nhớ đến mình anh phải trau chuốt nhân vật rất kĩ từ tính cách, cử chỉ đến trang điểm… Sau này, khi người ta đã quen với hình ảnh giả gái của mình, nếu làm chưa tới khán giả vẫn vui vẻ chấp nhận nhưng nam nghệ sĩ không bao giờ cho phép bản thân hời hợt với dạng vai này.

Nam nghệ sĩ cũng cho biết, anh bắt đầu giảm bớt các dạng vai giả gái khi bản thân thấy nhàm chán và xem chừng khán giả cũng không còn hứng thú với mô tuýp này nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức bảo vệ hình ảnh của mình như nghệ sĩ Hoài Linh.

Nghệ sĩ hài Xuân Hương cho biết: “Tôi đã từng hai lần viết kịch bản cho chương trình Táo quân của HTV nhưng sau tôi phải từ chối vì diễn viên hài hiện nay hiếm có người nào diễn được chính kịch. Hài với họ là giả gái ẹo ọ, uốn éo… mà không diễn theo hài chính thống. Casting nhiều lần nhưng cứ hở ra là họ giả gái, nói tục để cho khán giả cười”.

Thực tế thì cho đến ngày nay, dù đã bị lên án khá nhiều và khá mạnh mẽ nhưng việc lạm dụng giả gái trên sân khấu kịch và truyền hình vẫn đang rất phổ biến. Nhiều nghệ sĩ bất chấp cả hình ảnh và tên tuổi, xem giả gái như “phao cứu sinh” để mua vui, lấy tiếng cười của khán giả. Tuy nhiên, càng cố đóng giả gái họ lại càng khiến cho dạng nhân vật này trở nên méo mó, biến dạng, dị hợm và phản cảm.

Trên một số diễn đàn dành cho người thuộc thế giới thứ 3 từng có những topic “chửi” rất gay gắt chuyện họ bị xúc phạm trong những màn giả gái. Nhiều người cho rằng, họ cảm thấy bị tổn thương khi những “trò” giả gái trên truyền hình khoét sâu vào nỗi đau của họ. Thậm chí có người còn cho rằng, nhiều nghệ sĩ đã vô tâm tới mức đưa hình ảnh của những người thuộc giới tính thứ 3 ra mà chà đạp và làm méo mó đi trong một xã hội vốn chưa mở lòng với họ.

Không dừng lại ở đó, việc các nghệ sĩ đua nhau giả gái trên sân khấu lẫn truyền hình cũng khiến nhiều khán giả lo ngại về tác hại gây lệch lạc giới tính trong giới trẻ. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh hậu quả của sự tác động này nhưng có một sự thật là trong các hoạt động văn nghệ ở trường phổ thông, nhiều học sinh – sinh viên đã bắt chước việc giả gái này đang tăng lên.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc hạn chế các màn hóa thân từ “thẳng” thành “cong” trên truyền hình hiện nay là hoàn toàn có thể can thiệp được. Nếu muốn đó là chương trình giải trí văn minh, nhà sản xuất hoặc đạo diễn có thể yêu cầu nghệ sĩ tiết chế hoặc không đưa ra giả gái vào tiết mục của mình.

Hà Tùng Long