Gia đình GS. Trần Văn Khê nhận được gần 300 lá thư chia buồn của thế giới

(Dân trí) - Sáng nay, 27/6 Giáo sư Trần Quang Hải, con trai trưởng của Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê đã có mặt tại tư gia để tiếp tục chủ trì tang lễ cho cha.

Vừa về đến nơi, ông đã tham gia nghi lễ tụng niệm cho GS Trần Văn Khê và tiếp đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao trong và ngoài nước đến viếng ba ông.

GS Trần Quang Hải, con trai trưởng GS Trần Văn Khê vừa từ Pháp trở về Việt Nam sáng nay.
GS Trần Quang Hải, con trai trưởng GS Trần Văn Khê vừa từ Pháp trở về Việt Nam sáng nay.

 Trong thời gian nghỉ ngơi, ông đã chia sẽ với Dân Trí nhiều điều về ba ông, trong đó, có niềm tự hào lớn của ông về người cha của mình.

“Ảnh hưởng của ba tôi đối với tôi rất sâu đậm, vì tôi đã theo học ba tôi, vì vậy tôi phải tiếp nối đường đi của ba tôi là người thầy, chứ không phải người cha nữa. Ba tôi vừa là người cha, người thầy, mà cũng là đồng nghiệp. Tôi rất tự hào, hãnh diện vì tôi là con, cùng học một trường, làm một chuyện và cùng dự trong những hội thảo quốc tế, các cơ quan nghiên cứu trên thế giới. Cùng đi song song với ba tôi hơn 40 năm nay”.

Ông chia sẻ thêm: “Tôi mới về Việt Nam lúc 7h sáng nay. Tôi cũng vừa bay qua bên Pháp, 2 ngày sau tôi phải tìm cách bay về lại Việt Nam, bỏ hết công việc bên kia lại vì vấn đề lo đám tang cho ba tôi là quan trọng nhất. Tôi là người chủ tang nên tôi phải lo chuyện này, để người khác lo sợ đi không đúng”.

Nói về sự nghiệp âm nhạc dân tộc mà mà ba ông đã bỏ ra cả đời để nghiên cứu và phát triển, GS Trần Quang Hải cho biết: “Tôi là con trai trưởng, phải có nhiệm vụ tiếp nối chuyện của ba tôi làm. Ba tôi và tôi cùng học 1 trường cách đây 50 năm, cùng học 1 bộ môn. Ba tôi đi là phát huy âm nhạc Việt Nam, tôi phát huy âm nhạc thế giới. Bây giờ ba tôi đi rồi thì tôi có bổn phận coi sóc để kho tàng đó không bị mất đi. Âm nhạc cổ truyền cần phải vun bồi, nuôi dưỡng. Tôi sẽ về Việt Nam thường xuyên hơn để tiếp xúc với những người tại Việt Nam phát huy âm nhạc cổ truyền. Chứ không phải ba tôi đi rồi thì sẽ mất luôn”.

"Ba tôi đi không phải là sự buồn, mà là sự giải thoát và không còn đau đớn nữa. Khi tôi nhìn thấy được điều đó, tôi mừng cho người đi". Ông ngậm ngùi, vì sự ra đi của ba ông là sự giải thoát, nhưng cũng là sự mất mát to lớn cho người ở lại. 

Và ba tôi cũng cho thấy rằng, một người học giả sau bao nhiêu năm sống ở Hải Ngoại, sau bao nhiêu năm làm việc ở nước ngoài đã trở lại đất nước, đem lại cho đất nước niềm tự hào, không phải chỉ những người trong nước mà ngoài nước cũng nể phục.

Tôi đã nhận được gần 300 lá thư của tất cả các giáo sư trên thế giới chia buồn. Vì ba tôi là một trong những người tiên phong nghiên cứu về dân tộc nhạc học. Vì vậy khi ba tôi mất đi như một cột trụ của những người nghiên cứu nhạc dân tộc trên thế giới. Đặc biệt là nhạc Á Châu cũng như nhạc Việt Nam.

Ba tôi ra đi đã để lại sự yêu mến, sự thương mến của tất cả những người đi tới đây. Từ những người dân bình thường, đoàn hát nghệ sĩ, những người trong chính quyền, những người trong giáo dục… Mọi người nghe tên ba tôi đều khâm phục, đó là phần thưởng mà những gì mà ba tôi để lại cho hậu thế".

Ngày 29/6, lễ động quan của GS Trần Văn Khê sẽ được cử hành lúc 6h sáng.

Băng Châu