1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Gặp lại bà nội khó tính của “Bánh đúc có xương”

(Dân trí) - Ít ai biết, “bà nội khó tính” ngoài đời là mẹ sinh thành của Tiến sĩ Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh. "Bà nội" kể lại những chuyện hậu trường thú vị đằng sau bộ phim truyền hình gây sốt năm 2014- "Bánh đúc có xương".

“Bánh đúc có xương” với dàn diễn viên vào vai sinh động, chân thực đã trở thành một trong những bộ phim truyền hình gây xôn xao màn ảnh nhỏ nhất năm 2014. Vai “bà nội khó tính” được giao cho NSƯT Ngọc Lan. Nghệ sĩ chia sẻ, tuy nhận vai phản diện nhưng bà chưa bao giờ được yêu mến đến thế!

NSƯT Ngọc Lan và vai diễn bà nội khó tính trong phim truyền hình Bánh đúc có xương.


NSƯT Ngọc Lan và vai diễn bà nội khó tính trong phim truyền hình Bánh đúc có xương.

NSƯT Ngọc Lan và vai diễn "bà nội khó tính" trong phim truyền hình "Bánh đúc có xương".

NSƯT Ngọc Lan (sinh năm 1942) thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam đã cùng “lăn lộn” với thời kỳ khó khăn, vất vả của điện ảnh cách mạng Việt Nam. 18 tuổi, NSƯT Ngọc Lan đã được biết đến với vai diễn trong phim Lửa trung tuyến của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Tính đến nay, hơn 50 năm gắn bó với nghiệp diễn, NSƯT Ngọc Lan đã có hàng loạt vai diễn ấn tượng, với cả điện ảnh và truyền hình.

Vốn quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ đoan trang, hiền hậu, nền nã trong các bộ phim như Nếp nhà (đạo diễn Vũ Trường Khoa), với vai bà nội khó tính, nghiệt ngã trong “Bánh đúc có xương”, NSƯT Ngọc Lan mang lại những ấn tượng hoàn toàn mới về sức diễn của mình. Nói về vai diễn này, bà chia sẻ “Vào một vai phản diện, một bà nội ác nghiệt- nhưng quả thật, tôi chưa bao giờ nhận được tình cảm của khán giả nồng nhiệt đến thế. Đi đến đâu cũng có người nhận ra. Buổi tối nào cũng nhận được điện thoại. Nhận được cả điện thoại của những người bạn cũ cách đây hàng mấy chục năm không gặp, cứ khen Ngọc Lan diễn hay quá, thật quá… Tình cảm của khán giả đúng là món quà quý giá nhất đối với tôi, lớn hơn tất cả mọi giải thưởng”.

NSƯT Ngọc Lan nhận kịch bản “Bánh đúc có xương” năm 2013, khi đọc kịch bản phim cùng với vai bà nội khó tính, nghiệt ngã, NSƯT Ngọc Lan đã từ chối vai diễn này với lý do, tự thấy mình không hợp với vai diễn. “Tôi cũng đã từng thử một số vai phản diện như vợ cả Nghị Hách trong Giông tố, nhưng để đóng một vai phản diện dài hơi như vai bà nội trong “Bánh đúc có xương” vẫn là một thử thách với tôi. Hầu hết các vai của tôi đều là tuýp phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, hy sinh cho chồng con… Khi tôi từ chối không nhận vai, đạo diễn cứ nằng nặc thuyết phục. Đạo diễn, biên kịch khẳng định, họ đã nghĩ đến tôi ngay từ khi làm kịch bản. Đạo diễn thuyết phục mãi, tôi cũng nhận lời, và thực tâm muốn thử sức xem sao”.

NSƯT Ngọc Lan thời trẻ (ảnh chụp lại: H.H)

NSƯT Ngọc Lan thời trẻ (ảnh chụp lại: H.H)

Nhận vai “bà nội khó tính”, NSƯT Ngọc Lan đã tự mày mò nghiên cứu về nhân vật để diễn cho “ra chất” bà nội. NSƯT Ngọc Lan suy nghĩ đến từ dáng đi dáng đứng, cách nói năng đến từng cử chỉ của nhân vật. Để đầu tư cho nhân vật, NSƯT Ngọc Lan cũng tự đi mua sắm trang phục, gậy trúc đến vòng tay, vòng cổ… cho “bà nội”. Dành công sức cho vai diễn, bởi vậy, như NSƯT Ngọc Lan tâm sự, “mỗi khi tôi diễn xong, đạo diễn thích lắm, bản thân là nghệ sỹ khi đóng đạt vai cũng rất sướng! (cười)”.

Thừa nhận bộ phim “Bánh đúc có xương” còn nhiều chi tiết vô lý, nhiều tuyến nhân vật bị xây dựng “quá đà”, nhưng NSƯT Ngọc Lan khẳng định, phim đã có được dàn diễn viên diễn xuất ăn ý và sống tình cảm với nhau như một gia đình thực thụ.

“Cá nhân tôi đánh giá cao nhiều diễn viên trong phim nhưng tôi đặc biệt thích cách diễn xuất của Đỗ Kỷ (vai con trai) và Linh Huệ (vai con dâu). Đỗ Kỷ có sự nhạy bén rất đặc biệt với vai diễn. Anh ấy khiến vai anh con trai thực sự toát lên được vẻ yếu hèn, lành hiền. Và Linh Huệ, cô ấy diễn rất khéo, mặt lúc nào cũng buồn buồn như sắp khóc…”.

NSƯT Ngọc Lan kể chuyện hậu trường đằng sau mỗi cảnh quay, “khi quay cảnh tôi cầm gậy trúc đánh Đỗ Kỷ. Anh ấy nói với tôi, cụ ơi- cụ đánh giả vờ thôi cụ nhé. Cụ mà đánh thật, cứ gậy trúc cụ phang thì con chết. Cảnh tôi đứng trên gác vứt gậy xuống sân nơi Đỗ Kỷ đang quỳ, cậu ấy cũng đùa tôi, “Cụ đừng ném trúng con nhé. Cụ ném trúng thì con long óc”… Đỗ Kỷ là một diễn viên rất nhạy bén”.

Trong đoàn làm phim, diễn viên Hồng Minh (vai Kiên) rất quý NSƯT Ngọc Lan. Trước “Bánh đúc có xương”, Hồng Minh đã đóng con trai của NSƯT Ngọc Lan trong bộ phim truyền hình dài tập “Nơi ẩn nấp bình yên”. NSƯT Ngọc Lan dành nhiều lời khen ngợi cho diễn viên trẻ Hồng Minh, còn kể nhiều lần sau cảnh quay, Hồng Minh nhiệt tình đưa bà về tận nhà.

Bánh đúc có xương quay vào tháng 12 năm 2013. Trời rét kinh khủng. Chúng tôi quay từ 6h30 sáng đến tận đêm khuya. Có hôm về đến nhà, tôi mệt quá, cứ để cả mái tóc bạc hóa trang mà đi ngủ, sáng hôm sau lại lên đường. Ở tuổi này, đến trường quay là lo học thoại. Các em trẻ hơn vui lắm, sống rất tình cảm…”- NSƯT Ngọc Lan nhớ lại.

NSƯT Ngọc Lan hiện tại (Ảnh: H.H)

NSƯT Ngọc Lan hiện tại (Ảnh: H.H)

Khi bộ phim phát sóng, NSƯT Ngọc Lan chia sẻ bà đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến từ khán giả. Có những người bạn học cũ 50 năm chưa gặp lại bỗng gọi điện chỉ để nói, “Lan diễn hay quá”. Bà con khối phố cứ thấy bà đi chợ là tâm tắc khen vai bà nội thật quá, “cứ như từ cuộc sống bước vào màn ảnh”…. Khán giả từ khắp cả nước Bắc Giang, Bắc Ninh, TpHCM… không hiểu sao cũng biết số gọi điện bày tỏ tình cảm.

“Nghệ sỹ chúng tôi chỉ cần có thế. Hạnh phúc lắm. Bạn thân tôi là nghệ sỹ Trà Giang cũng gọi điện ra khen vai diễn. Trà Giang bảo, “Lan đóng vai này hay lắm”. Bạn bè đồng nghiệp nói tôi như bắt được cái thần của nhân vật… Tôi thực sự thấy vui với những gì mình đã làm được cho vai diễn này”- “Bà nội” tâm sự.

Khi được hỏi, “Vậy ngoài đời bà có phải là một bà mẹ chồng khó tính?”, NSƯT Ngọc Lan cười vui vẻ, “Đấy, hàng xóm đùa, may mà con trai tôi lấy vợ rồi, chứ nếu chưa lấy thì chắc ế. Không cô nào dám lấy. Ngoài đời, tôi lại rất thương con dâu. Nhà tôi cũng vừa đón cháu nội. Hạnh phúc lắm! Con dâu tôi đang về nhà ngoại chơi một tháng. Ngày nào cũng gửi ảnh cháu nội cho tôi xem. Nhìn ảnh mà nhớ con dâu, nhớ cháu quá… ”.

Và “bà nội” lấy ảnh cháu nội ra “khoe” với khách, trong nụ cười- ánh mắt không giấu nổi tình yêu thương vô bờ, xen lẫn niềm tự hào khôn tả…

Hiền Hương