Gần 200 tỷ đồng xây dựng dự án du lịch tâm linh Linh Phong Tự

(Dân trí) - Ngày 1/8, UBND tỉnh Bình Định và Giáo hội Phật giáo tỉnh đã quyết định tái khởi động triển khai xây dựng giai đoạn I, Dự án Quần thể Du lịch Lịch sử, sinh thái và Tâm linh Linh Phong trong khu vực núi Bà, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định).

Toạ lạc ở một địa thế đẹp, độc đáo, tựa sơn, vọng hải, có suối chảy qua, có đón gió biển đông thổi lại, quần thể kiến trúc và điêu khắc Phật pháp Linh Phong gồm 6 hạng mục. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ được khởi công xây dưng và hoàn thành trong năm 2015 nhằm mục đích rước Ngọc xá lợi Phật tổ về an vị thờ phụng tại Tượng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật. 

Phối cảnh tổng thể dự án du lịch tâm linh khu vực chùa Linh Phong
Phối cảnh tổng thể dự án du lịch tâm linh khu vực chùa Linh Phong

Trong đó, dự án gồm 4 hạng mục chính: Quảng trường Pháp Luân với Tổng diện tích hơn 30.000 m2, khu vực Quảng trường Pháp Luân có các hạng mục Cổng Tam quan, Cổng phụ…, được thiết kế phỏng theo các triết lý của Phật Pháp tạo cho du khách, phật tử cảm giác bình an, thanh thản và tôn kính khi đặt chân vào đất Phật; đường giao thông dài gần 800m, chiều rộng 6m bằng bêtông cho hai làn xe đi lại; và Tượng Phật Thích ca có đường kính 80m và chiều cao 69m được đặt trên quả núi cách mặt nước biển khoảng 120m, mắt nhìn ra biển theo hướng Đông Nam, lưng tựa vào ngọn núi cao nhất trong quần thể 66 ngọn núi ở khu di tích Núi Bà.

Kinh phí cho các hạng mục này gần 200 tỷ đồng.Ngoài ra, dự án sẽ quy hoạch xây dựng một vườn tượng Phật, hệ thống khách sạn và khu dịch vụ phục vụ du khách... 

Đây là một dự án xã hội hoá 100% và hoàn toàn phi lợi nhuận do BIDV đã đứng ra kêu gọi một số doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, có tiềm lực tài chính tốt, có tâm nguyện, cùng chí hướng, có qúa trình làm công tác xã hội lâu dài tham gia đóng góp công của cho dự án, tự nguyện tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức: Hiện vật (nguyên vật liệu; Sắt thép, xi măng, đá, gỗ); Nhân công thi công và tiền mặt… cho dự án.

Dự kiến, dự án hoàn thành sẽ là một quần thể du lịch biển, Trung tâm văn hóa, lịch sử và tâm linh, trong đó có 1 thư viện Phật giáo, 1 Bảo tàng Xá Lợi Phật và có thể sẽ trở thành Chi nhánh bảo tồn và lưu giữ xá lợi nếu được sự chấp thuận và cho phép của Giáo hội phật giáo Myanmar. 

Sách xưa chép lại, năm Nhâm Ngọ (1702), có một người tên gọi là Lê Ban (tức Thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến lưng chừng đỉnh Chóp Vung - đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (ông núi mặc áo vỏ cây) và thường gọi là ông Núi. Ngôi chùa do ông Núi xây dựng và ở được người dân trong vùng gọi là chùa Linh Phong.

Tương truyền, ông Núi thường xuất hiện đem thuốc chữa bệnh cho dân khi có dịch bệnh xảy ra và đã cứu sống nhiều người. Cũng có truyền thuyết nói rằng: Năm Minh Mạng thứ 7, nhà vua lâm bệnh nặng, các ngự y hết phương cứu chữa. Một đêm, vua nằm mộng thấy nhà sư mình mặc áo vỏ cây, một tay cầm quạt mo, một tay bưng chén thuốc dâng cho vua uống, sau đó cầm quạt quạt mấy cái rồi biến mất. Vua tỉnh dậy thấy người khỏe ra, hết bệnh. Vua hỏi đình thần. Có người kể lại sự tích ông Núi. Nhà vua xuống chỉ truyền ban cho chùa Linh Phong một bộ cà sa mới, vòng ngà, móc vàng để thờ và cấp cho 120 nén bạc để tu bổ chùa lạ.

Doãn Công