“Dưới cát là nước”: Sức hấp dẫn từ sáng tạo thử nghiệm

Từ ngày 27-29/8, Nhà hát kịch nói Quân đội đã chính thức công diễn vở “Dưới cát là nước”.

Từ ngày 27-29/8, Nhà hát kịch nói Quân đội đã chính thức công diễn vở “Dưới cát là nước” (Kịch bản: Nhà văn Nguyễn Quang Vinh; Đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đây là một trong những vở diễn đăng kí tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III - 2016.

Theo Cố vấn văn học kịch, PGS- TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Với 3 tiêu chí của một tác phẩm sân khấu thử nghiệm, ở 3 phương diện: Thử nghiệm về kịch bản, thử nghiệm về biểu diễn, thử nghiệm về đạo diễn. Vở diễn này về cơ bản đã đạt được tính chất của thử nghiệm”.

“Dưới cát là nước”: Sức hấp dẫn từ sáng tạo thử nghiệm - 1

Một kịch bản đặc biệt, nhiều yếu tố thử nghiệm

Tác giả kịch bản - Nhà văn Nguyễn Quang Vinh tâm sự : «Tôi là người Quảng Bình, hiểu quá rõ mảnh đất và con người nơi đây. Quảng Bình là nơi gánh chịu sự khốc liệt, mất mát nhất của chiến tranh. Nhưng người Quảng Bình cũng là những người có lòng vị tha, tình người.”

Đó chính là ý tưởng khởi nguồn của kịch bản “Dưới cát là nước”. Ông Lủi, bà Nậy và cô Gió quăng quật trong cát, trên cát, giữa cát 30 năm... 30 năm thù hằn, tìm nhau, kiếm nhau, đuổi nhau... Cuối cùng thì bới cát nóng tìm nước, chôn thù hằn tìm lấy tình yêu thương. Bà mẹ yêu đứa con. Đứa con vì cuộc sống đang tiếp diễn của mình yêu người đàn ông.

Người đàn ông quay về vì tình yêu với mảnh đất. Tình thương yêu đã hóa giải hận thù suốt 30 năm tìm nhau, đuổi nhau trên cát nóng. Chỉ từ 3 nhân vật, sân khấu ngập tràn người, có cả hồn cát, có cả dàn nhạc dân tộc, hư hư thực thực rất hiệu quả, gây được những ấn tượng đặc biệt với khán giả.

Sau buổi tổng duyệt, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh hân hoan chia sẻ: “Lần thứ 3 tôi đã thành công những dòng viết kịch bản về cát trong ý định thực hiện 10 vở diễn về Cát”.

“Dưới cát là nước”: Sức hấp dẫn từ sáng tạo thử nghiệm - 2

Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Nguyễn Quang Vinh đã đi từ vở diễn “Âm binh, đến Cát trắng như gạo và bây giờ là Dưới cát là nước là những bước đi ấn tượng, những kịch bản đạt chất lượng cao, để cùng ê kip cho ra 3 tác phầm về cát quá hay cho sân khấu nước nhà”.

Theo Giám đốc - Đại tá - NSƯT Nguyễn Ngọc Thư: "Khi đọc kịch bản, chúng tôi đã thấy ngay yếu tố thử nghiệm trong tác phẩm. Sau đó, Nhà hát đã tiến hành chỉnh sửa kịch bản để phù hợp hơn. Đây là một kịch bản đặc biệt cần tập hợp nhiều thành phần sáng tạo".

Trong kịch bản, chất tự sự, trữ tình không nằm trong xung đột mà nằm trong lời thoại, diễn biến tâm lý. Điều này tạo cảm hứng dàn dựng cho đạo diễn và êkip sáng tạo.

Hấp dẫn từ những thử nghiệm sáng tạo

Sân khấu được bố trí cách điệu với những triền cát miên man trắng xóa, với những hồn cát chở che, ấp iu, đồng điệu với mỗi nhân vật, mỗi con người trong mỗi cảnh huống. Và âm nhạc vút lên ở ba tầng sân khấu, như là lòng cát, như là cây lá, như là nắng gió, biển trời... cùng hòa khúc yêu thương với mỗi nhân vật- đầy day dứt, ám ảnh, dằng xé.

“Dưới cát là nước”: Sức hấp dẫn từ sáng tạo thử nghiệm - 3

Nhạc sĩ - NSƯT Huỳnh Tú đã tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết nhạc: khi là điệu hò Quảng Bình da diết, khi là lời ru “Lông chông”- ca khúc vở diễn, khi là dàn nhạc sống như dỗ dành, như an ủi cho mỗi phận đời trong cát. Âm nhạc đã thực sự sống cùng vở diễn, diễn tả được những khoảng lặng về cảm xúc. Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với sân khấu kịch rất hiệu quả, bổ trợ cho cảm xúc của diễn viên, bật lên chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Về mặt dàn dựng, đạo diễn- NSND Lê Hùng đã thành công khi kết hợp giữa thủ pháp Sân khấu truyền thống (dàn đế chèo), sân khấu gián cách Becton Brếch, và sân khấu Staninapxki. Mỗi nhân vật tự sự với chính mình, tự sự với cát, với lông chông, tương tác với dàn nhạc, với người hát, và đối thoại với nhau.

Mỗi diễn viên là một màu sắc riêng, một lối diễn riêng “lên” đúng màu, đúng chất từng nhân vật. Sự ngơ ngác, hồn nhiên đến hoang dại như một bản năng sống mãnh liệt của Gió được diễn viên trẻ Băng Tình thể hiện ngọt vai. Sự từng trải và ám ảnh, run rẩy, đầy sám hối của Lủi trong nét diễn tưng tửng mà tự nhiên của diễn viên Hồ Uy Linh.

Đặc biệt, nữ diễn viên chính, NSƯT Ngọc Thư trọn vẹn hóa thân vào vai bà Nậy. Là người giàu kinh nghiệm sân khấu, chị đã đẩy được cảm xúc, tạo ra những khoảnh khắc diễn xuất thần. Khán giả như bị “bà Nậy” thôi miên, chìm sâu trong điên dại, khi sống lại cảm giác đau đớn trước cái chết oan của người chồng.

“Dưới cát là nước”: Sức hấp dẫn từ sáng tạo thử nghiệm - 4

Rồi cũng chính chị đánh thức khán giả, làm khán giả tỉnh lại khi tự nhủ với con gái “Mẹ điên mất!”. Bản lĩnh sân khấu đã giúp chị biến tấu linh hoạt lối diễn Staninapxki và lối diễn Becton Brếch khi thể hiện hình tượng người đàn bà Việt Nam với nội tâm giằng xé mà tỉnh táo, giúp chị tách mình ra khỏi những ám ảnh của nhân vật, trở về đời thật, thay đổi tiết tấu kịch…

Sân khấu lặng đi và ngân lên giai điệu yêu thương khi kết vở, bà Nậy ôm chầm lấy con gái và con rể, người đã từng là kẻ thù của gia đình bà. Hòa cảm với bà Nậy, những hồn cát trút bỏ mặt nạ, như dòng nước mát lành vẫn âm thầm chảy dưới sâu trong lòng cát. Đó là tình mẹ con yêu thương vời vợi, là tình người thăm thẳm bao dung. Như tình đất, tình người Quảng Bình, như tình đất, tình người Việt Nam!...

Với một sân khấu đẹp và xúc cảm, với những thử nghiệm mới mẻ sáng tạo, vở diễn “Dưới cát là nước” hứa hẹn sẽ ghi được những dấu ấn riêng của Nhà hát Kịch nói Quân đội với bạn nghề, với khán giả trong và ngoài quân đội, và nhất là trong Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III - 2016 tại Hà Nội.

Vũ Hoàng Hạnh