Đồng thuận ý kiến xây dựng hai tuyến cáp treo mới ở Yên Tử

(Dân trí) - Chiều 1/9 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe báo cáo cụ thể về dự án xây dựng 2 tuyến cáp treo mới ở khu di tích và danh thắng Yên Tử.

Buổi làm việc có sự góp mặt của đại điện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Yên Tử, Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, Bộ VHTTDL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm - Chủ đầu tư xây dựng 2 tuyến cáp mới ở Yên Tử…

Đại diện chủ đầu tư cho biết, xét thấy hiện trạng của 2 tuyến cáp hiện tại có công suất mỗi tuyến là 2.200 người/giờ, không đáp ứng được nhu cầu của du khách trong mùa lễ hội nên cần phải nâng công suất vận chuyển nhằm giải tỏa ách tắc ở tuyến đường bộ, hạn chế các hành vi xâm hại môi trường và phù hợp vớ xu hướng hiện đại hoá cơ sở hạ tầng du lịch…

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các Bộ Ban Ngành, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và chủ đầu tư dự án xây dựng 2 tuyến cáp mới ở di tích - danh thắng Yên Tử. Ảnh: HTL.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các Bộ Ban Ngành, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và chủ đầu tư dự án xây dựng 2 tuyến cáp mới ở di tích - danh thắng Yên Tử. Ảnh: HTL.

Theo kế hoạch dự kiến, chủ đầu tư xin được xây dựng 2 tuyến cáp mới, chạy song song với tuyến cáp cũ với tổng chiều dài là hơn 2.231m (tuyến 1: 1.170m, tuyến 2: 1.027m), với 13 cột trụ, 4 nhà ga. Tuyến cáp 1 cách tuyến cũ 25m về phía Tây, tuyến 2 cách tuyến cũ 35m về phía Đông, cách chùa Đồng 600m, cách tượng Phật hoàng 500m. Tổng vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng.

Theo tính toán của chủ đầu tư thì sau khi hoàn thành, hai hệ thống cáp treo mới sẽ nâng lượng khách lên bình quân 10% và có thể vận chuyển được 59.200 người/16 giờ.

Chủ đầu tư cam kết, việc xây dựng 2 tuyến cáp mới sẽ được tính toán kỹ lưỡng và khoa học nhằm đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, vừa hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tới cảnh quan và tính thâm nghiêm của hệ thống chùa tháp ở Yên Tử. Hệ thống nhà ga cũng được thiết kế thấp hơn và cách xa hệ thống chùa tháp, không cắt đường hành hương.

Về mặt kiến trúc, phần thiết kế sẽ được tính toán để tạo ra một không gian hài hoà giữa tính dân tộc và tính hiện đại. Các kiểu dáng kiến trúc đền chùa sẽ được nghiên cứu vận dụng trong thiết kế kiến trúc nhà ga, các trụ tháp.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia cũng đồng tình với việc xây 2 tuyến cáp mới vì việc xây dựng này không ảnh hưởng tới vùng lõi di sản, lại xa hệ thống chùa tháp, xa cả trục hành hương.

Việc xây dựng tuyến mới theo GS. Tiêu là sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em… khi muốn hành hương đến chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử do ga cuối của tuyến cáp hiện tại phải đi khá xa trên địa hình đường núi hiểm trở, dốc cao, đường hẹp… Ông cũng nhấn mạnh, ở nhiều nước trên thế giới, việc xây dựng mới cơ sở hạ tầng trong khuôn viên di sản phải được tính toán để ảnh hưởng thấp nhất đến di sản. Và phương án xây dựng 2 tuyến cáp mới đã đáp ứng được yêu cầu đó. Tuy nhiên, GS. Tiêu cũng lưu ý chủ đầu tư là luật quy định, trong 2 khu vực bảo vệ, vùng 1 là vùng lõi, vùng di sản và vùng 2 là vùng đệm, nếu đã có quy hoạch thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

“Làm đề nghị, hết sức chú ý như đã từng cẩn trọng khi xây dựng tuyến cáp cũ, chú ý từng chi tiết nhỏ, trụ đỡ sơn màu xanh chứ không như trước; những chỗ để xe là phải phủ xanh, không để không gian trống, làm thế nào, làm đến đâu xanh đến đấy, kể cả từng cái cột… Tuyến cáp 2 không thể cao hơn chùa Đồng được, phải để người ta đi bộ một chút cho nên phải thấp hơn chứ không thể bằng hoặc cao hơn”, GS. Tiêu nói.

Ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Bộ ủng hộ việc quy hoạch xây dựng 2 tuyến cáp mới. Tuy nhiên, ông Công cũng nhấn mạnh đã quy hoạch được thì phải triển khai được, quy hoạch trước mà không triển khai được thì không có ý nghĩa gì. Tổng diện tích dự kiến xây dựng hai tuyến cáp mới là 1,05 ha thuộc diện tích rừng nghèo và trung bình. Theo quy định của pháp luật thì được phép xây dựng cáp ngầm và cáp trên cao.

Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, việc xây dựng 2 tuyến cáp mới Yên Tử là hết sức cân nhắc vì Yên Tử là trung tâm Phật giáo chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá, lịch sử, du lịch, môi trường… đặc thù, nếu không cân nhắc sẽ tăng áp lực về môi trường. Đại diện Bộ TN-MT nhấn mạnh, cần phải có báo các cụ thể về tác động môi trường sau khi dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên - đại diện cho Bộ VHTTDL cũng cho biết, Bộ VHTTDL đồng tình với chủ trương xây dựng hai tuyến cáp mới ở Yên Tử của UNBD tỉnh Quảng Ninh và Công ty Tùng Lâm. Tuy nhiên, do vị trí dự kiến xây dựng tuyến cáp treo và nhà ga nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Bên cạnh đó, trong quyết định số 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử” không có nội dung nâng cấp hệ thống cáp treo. Vì thế, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung việc xây dựng hệ thống cáp treo vào Đề án, làm tốt việc bảo vệ môi trường và hạ độ cao của nhà ga cuối cùng xuống thấp hơn so với tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Dự kiến 2 tuyến cáp treo mới sẽ góp phần cài thiện tình trạng ùn tắc và chờ đợi của du khách trong mùa lễ hội ở Yên Tử. Ảnh: TL.
Dự kiến 2 tuyến cáp treo mới sẽ góp phần cài thiện tình trạng ùn tắc và chờ đợi của du khách trong mùa lễ hội ở Yên Tử. Ảnh: TL.

Thượng toạ Thích Thanh Quyết - Trụ trì chùa Yên Tử cũng đánh giá cao những đóng góp của chủ đầu tư đối với sự phát triển du lịch và bảo vệ môi trường ở khu di tích - danh thắng Yên Tử. Ông cũng đồng ý và tán thành với chủ trương xây dựng 2 tuyến cáp treo mới nhưng lưu ý cần phải tính toán thật kỹ để không phá vỡ cảnh quan, không gây phản cảm và phải tuyệt đối bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nhà ga cuối phải tránh xa cũng như thấp hơn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử để tránh việc tập trung quá nhiều du khách vào cùng một thời điểm, mất an toàn cho du khách bởi địa hình ở đây rất hẹp, một bên là núi đá, một bên là vực sâu. Thượng toạ Thích Thanh Quyết cũng đồng ý với phương án không nên lợp mái trên nhà ga mà nên trồng cây xanh hoặc nếu không thì thay thế bằng phương án thang cuốn dưới lưng chừng núi.

Sau khi nghe các bên báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận, nói đến Yên Tử là nói đến Phật giáo. Đây là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm nên kể cả phát triển du lịch cũng là du lịch tâm linh, mục đích chính không phải là kinh tế. Việc bảo tồn và phát huy di sản này luôn phải đi song song.

Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định, Bộ VHTTDL làm thủ tục trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Tất cả các hồ sơ đều phải nói rõ làm tuyến cáp mới, song song với tuyến cáp cũ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chủ đầu tư phải tính toán thật kỹ về tuyến, về địa điểm đặt nhà ga tuyến cuối thấp nhất và xa tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như chùa Đồng nhất có thể. Tuyệt đối không được cao hơn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngoài ra, cần phải đảm bảo môi trường, màu xanh kiến trúc, kiến trúc không được quá đơn điệu.

Hà Tùng Long