GS.TS Trần Văn Khê:

“Đờn ca tài tử phải “đánh thức” giới trẻ từ ghế nhà trường”

(Dân trí) - Theo GS.TS Trần Văn Khê, cần nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ những nghệ nhân cao tuổi, giúp họ yên tâm truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử, đồng thời đưa bộ môn âm nhạc dân tộc vào giảng dạy tại nhà trường.

Nhân sự kiện đờn ca tài tử được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, GS.TS Trần Văn Khê đã có buổi chia sẻ với Dân trí về những điều ông trăn trở về loại hình âm nhạc dân tộc đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 này.

Thưa GS.TS Trần Văn Khê, đờn ca tài tử của vùng đất Nam bộ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo ông, trước tiên chúng ta cần làm gì để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này?

Hiện nay có khoảng 1.000 câu lạc bộ đờn ca tài tử đang hoạt động với khoảng 10.000 thành viên. Trong đó, có nhiều nghệ nhân nay đã 80, 90 tuổi rồi. Con số này tôi không nắm hết nhưng chắc chắn Sở Văn hóa - Thông tin có thống kê.

Các nghệ nhân không ai sống được bằng đờn ca tài tử mà họ phải làm thêm công việc khác: thợ đan, thợ rèn, đánh cá… để nuôi sống bản thân. Theo tôi, việc cần làm trước tiên là chúng ta tìm ra những nghệ nhân giỏi, tạo điều kiện để họ yên tâm chuyên chú vào công việc dạy học, truyền đạt kiến thức, kỹ năng của mình cho giới trẻ. Bên cạnh đó, người theo học cũng cần được hỗ trợ để yên tâm học hành.
 
Đây là việc làm cấp bách vì các nghệ nhân đều đã ở tuổi gần đất xa trời, đừng để xảy ra trường hợp như nghệ nhân Hà Thị Cầu, cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật hát xẩm mà cuối đời vẫn sống trong túp lều tranh”.
 
“Đờn ca tài tử phải “đánh thức” giới trẻ từ ghế nhà trường”
Theo GS.TS. Trần Văn Khê, đờn ca tài tử hiện nay do điều kiện cuộc sống đã bị sân khấu hóa, không còn là một thú chơi tao nhã như ngày xưa. Việc học đờn ca tài tử không phải là để biết đàn y hệt người đi trước mà là học để giữ gìn phong cách hào hoa phong nhã của người xưa khi chơi đờn ca tài tử.
 
Vậy công việc tiếp theo, chúng ta phải làm thế nào đờn ca tài tử tiếp cận với giới trẻ vì hiện nay không có nhiều người trẻ hào hứng với âm nhạc truyền thống dân tộc, thưa giáo sư?

Sự kiện này sẽ góp phần “đánh thức” thế hệ trẻ không bỏ quên những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình. Tuy nhiên, để đờn ca tài tử đến được với giới trẻ thì phải bắt đầu từ nhà trường.

Tại sao tổ tiên chúng ta đã có hò - xang - xê - cống mà lại để thế hệ trẻ học vỡ lòng bằng đồ - rê - mí? Như thế chẳng khác nào chúng ta dạy trẻ em Việt Nam tập nói mà gọi cha mẹ là “daddy”, “mommy”. Chúng ta phải học tiếng Việt trước rồi học ngoại ngữ sau, phải biết việc nhà mình trước khi biết việc láng giềng.

Việc dạy âm nhạc dân tộc trong nhà trường là chỉ cần trẻ gọi tên được các loại đàn, phân biệt được chầu văn với ca trù, hát bội với cải lương... Và khi trưởng thành, các em trả lời được hai câu hỏi: âm nhạc truyền thống Việt Nam có gì và hay chỗ nào? Theo tôi, như vậy là thành công rồi.
 
“Đờn ca tài tử phải “đánh thức” giới trẻ từ ghế nhà trường”

GS.TS Trần Văn Khê giới thiệu cây đàn cò (đàn nhị), một nhạc khí sử dụng trong đờn ca tài tử, hát chèo, tuồng, nhạc thính phòng Huế

Thưa giáo sư, như vậy giờ học nhạc nên có những cách thức nào để các em tiếp thu tốt nhất những kiến thức âm nhạc truyền thống?

Theo tôi, nhà trường nên đổi mới cách dạy và học. Đừng áp dụng cách học: thầy giáo chỉ vào hình ảnh cây đàn nói: “Đây là đàn kìm” rồi học trò lặp lại y nguyên câu nói ấy mà để các em tự khám phá cây đàn. Nếu có điều kiện, nên chuẩn bị những cây đàn nhỏ, phù hợp với vóc dáng trẻ em để các em tự mình tập đánh đàn, chơi với đàn.

Sau khi các em ngắm nghía, nghịch ngợm cây đàn, thầy cô sẽ hỏi: “Cây đàn này có mấy dây, mấy phím?”… các em sẽ tự đếm rồi trả lời.

Thầy cô có thể đặt ra những bài hát vui nhộn dựa theo tiếng đàn. Ví dụ khi học về 3 loại đàn cơ bản trong đờn ca tài tử, có thể dạy các em hát bài này:

Em nào có biết đờn tranh?
Thưa thầy em biết đờn tranh:
Á răng tăng tăng tằng tăng
 
Em nào có biết đờn kìm?
Thưa thầy em biết đờn kìm:
Tồn tang tang tang tồn tang
 
Em nào có biết đờn cò?
Thưa thầy em biết đờn cò:
Ò e e e ò e

Như vậy, giờ học nhạc sẽ trở thành giờ học mà chơi, chơi mà học. Trẻ em sẽ thích thú với nhạc cụ dân tộc, dần dần khám phá nét đẹp của những câu hò, điệu lý… từ đó các em sẽ yêu thích âm nhạc dân tộc mình.

Xin cảm ơn giáo sư!
 
Hồng Nhung