Quảng Nam:

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ

(Dân trí) - Đúng một tháng sau khi làng bích họa hoàn thành, PV Dân trí đã trở lại và chứng kiến nhiều thay đổi ở làng chài ven biển này. Người dân phấn khởi hơn, cuộc sống vui vẻ hơn và công việc mưu sinh hàng ngày của người dân cũng giúp họ có thêm thu nhập.

“Nghệ thuật vị nhân sinh”

Trên thế giới có 2 trường phái: “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”. Hai trường phái này đều có lý do để bảo vệ quan điểm của mình và phần thắng chưa thuộc về trường phái nào.

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ - Ảnh 1.

Cổng vào làng bích họa thuộc thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh

 

Nhưng những người theo trường phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” khi đến “làng bích họa” ở thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) sẽ được “củng cố” thêm quan điểm của mình bởi ở đây đúng là “Nghệ thuật vị nhân sinh”.

Qua khỏi thôn Hạ Thanh, ngay cổng chào vào thôn Trung Thanh - nơi các nghệ sĩ Hàn Quốc cùng các tình nguyện viên Việt Nam tạo nên một “làng bích họa” - là một khung cảnh hoàn toàn khác.

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ - Ảnh 2.

Một bức bích họa rất thú vị trong nhà của một cụ bà

 

Nếu như thôn Hạ Thanh ngay bên cạnh thì khung cảnh nhà cửa, bờ rào cũ kỹ như nó vốn có của các làng quê khác thì chỉ cần bước vài bước qua khỏi cổng chào của thôn Trung Thanh là “một khung cảnh hoàn toàn khác và rất bất ngờ với du khách và người từ nơi khác đến”.

Đường vào làng bích họa có rất nhiều du khách

 

Ngay cổng chào, những người dân trước đây chỉ biết làm việc nhà hoặc ai kêu gì làm nấy nhưng nay họ đã có thêm công ăn việc làm. Họ tổ chức giữ xe cho du khách đến để đi bộ vào làng, họ bán nước giải khát…

Bà Thanh – một trong những người dân trong làng cho biết, trước đây buôn bán lặt vặt rồi ai kêu gì làm nấy, còn từ khi làng bích họa này hoàn thành, bà mua ít bộ bàn ghế nhựa, ly tách về bán nước giải khát cho du khách đến tham quan làng.

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ - Ảnh 4.

Một bức bích họa khác cũng rất thú vị

 

“Mỗi ngày kiếm cũng được năm bảy chục đi chợ chú à. Thứ 7 và Chủ Nhật thì có ngày bán nước giải khát với giữ xe máy cũng kiếm được vài trăm ngàn”, bà Thanh nói. Chưa dứt câu, bà đã vội vàng ra mời khách vừa ghé vào giữ xe để vào tham quan làng.

Trong làng, giờ cũng có nhiều gia đình tổ chức giữ xe cho du khách đi bộ vào tham quan kiêm luôn bán nước giải khát và đây là kế sinh nhai mới của họ kể từ khi làng bích học này hoàn thành.

Du khách tham quan làng bích họa

 

Vợ chồng anh Võ Đức (51 tuổi) và chị Lương Thị Tường Vi (31 tuổi) là một gia đình điển hình. Anh Đức bị câm điếc từ nhỏ vì bị sốt thương hàn, vợ anh bị tai nạn chấn thương sọ não từ lúc 5 tuổi nên giờ chân tay đi lại khó khăn.

Vợ chồng anh Đức đến với nhau và sinh được cả “nếp lẫn tẻ”, cuộc sống khó khăn của vợ chồng anh với nghề may vá ở nhà với thu nhập bấp bênh và ai kêu gì làm nấy.

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ - Ảnh 6.

Hai du khách trẻ đến từ Hàn Quốc rất thích thú với các bích họa do những người đồng hương của mình vẽ

 

Từ khi làng bích họa này hoàn thành cũng là lúc gia đình anh Đức có thêm nghề mới, đó là giữ xe kiêm bán nước giải khát. Nói về thu nhập của gia đình, chị Vi nói không biết thu nhập thêm trong tháng đầu tiên này bao nhiêu nhưng cũng có thêm ít tiền chợ. “Mong có cho có khách để có tiền còn chuẩn bị quần áo, sách vở cho 2 đứa con sắp chuẩn bị năm học mới nữa”, chị Vi tâm sự.

Cuộc sống thay đổi từ khi làng bích họa hoàn thành

Người dân ở đây rất vui vì mỗi ngày làng bích họa này đón 300-400 du khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm. Con đường nhựa chạy dọc làng bích họa này cả tháng nay tấp nập người và xe, nhất là từ trưa đến chiều là khoảng thời gian đông nhất.

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ - Ảnh 7.

Du khách chụp hình lưu niệm với bức bích họa

 

Bà Trần Thị Cách - một người dân ở đây - cho hay, trước đây ở đây buồn lắm vì là làng làm nghề biển. Khi cánh đàn ông đi biển, con cái đi học là làng vắng lắm, hiếm khi có khách đông như bây giờ.

“Từ khi có các họa sĩ Hàn Quốc đến vẽ tranh và du khách đến tham quan, chúng tôi vui lắm. Nhiều gia đình tận dụng thời gian rảnh rỗi tổ chức bán hàng và giữ xe cho du khách, ai cũng kiếm thêm thu nhập. Một tháng nay, cuộc sống người dân ở đây thay đổi hẳn”, bà Cách hồ hởi nói.

Bà Trần Thị Cách trao đổi với PV

 

Trước đây, đàn ông trong làng đi làm biển, còn phụ nữ thì quanh quẩn buôn bán tự do hoặc ai kêu gì làm nấy nhưng từ một tháng nay, nhiều gia đình có công việc mới để phục vụ du khách và công việc này giúp họ có thêm thu nhập.

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ - Ảnh 9.

Dịch vụ giữ xe, nước giải khát cho du khách ở làng bích họa

 

Ghé tiệm cắt tóc bên đường, anh chủ tiệm cho hay công việc của anh cũng tốt hẳn thì khi làng hoàn thành. Nay mỗi ngày anh có thêm vài người khách đến cắt tóc, phía trước quán anh kê thêm vài bộ bàn ghế để bán nước giải khát. Anh nói mình rất vui thì có thêm thu nhập để lo cho gia đình.

Đổi thay “làng bích họa” ở ven biển Tam Kỳ - Ảnh 10.

Gia đình anh Đức và bức bích họa được vẽ cho chính gia đình anh

 

Con đường xuyên làng giờ đây rộn ràng “nam thanh nữ tú” dạo bước tham quan làng bích họa. Đến thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần thì du khách đi kín cả con đường, có khi khách phải đợi nhau để chụp “tự sướng”cùng với một bức bích họa trên tường…

​Phó Chủ tịch xã Tam Thanh trao đổi với PV

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch xã Tam Thanh - cho hay, từ khi làng bích họa này hoàn thành, mỗi ngày nơi đây đón từ 300-400 du khách đến tham quan. Đông nhất là ngày thứ 7, Chủ Nhật. Đời sống văn hóa, kinh tế của người dân ở đây cũng có bước chuyển biến rõ nét.

Nói về tương lai đối với làng bích họa này, Phó Chủ tịch xã Tam Thanh, nói: “Hướng sắp tới sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành để tổ chức du lịch ở đây bài bản, quy củ hơn nhằm thu hút du khách đến nhiều hơn. Cũng có vài công ty du lịch cộng đồng đến xã để bàn về việc phối hợp tổ chức du lịch ở đây cho tốt hơn”.

Công Bính