Đọc truyện Phan Quang, đi tìm lời giải tuổi yêu 71 năm trước

(Dân trí) - Tôi nghiền ngẫm từng trang viết của Phan Quang cách đây 71 năm để biết thêm một chút nhà văn khi tuổi “yêu” như thế nào, để hiểu thêm một cây bút đại thụ “trong báo có văn, trong văn có báo” ra sao.

Mỗi lần tặng sách cho tôi, ông Phan Quang đề “vừa là đồng nghiệp lại đồng hương”. Có lẽ vì vậy mà lần này ông ưu tiên cho tôi được đọc bản thảo tuyển truyện ngắn "Tím ngát tuổi hai mươi" của ông.

Lật vội những trang giấy A4 còn thơm mùi mực, tội định hỏi ông các truyện ngắn không có tên “Tím ngát tuổi hai mươi”, sao cả cuốn sách lại mang cái tên tre trẻ, yêu yêu, lâng lâng vậy?

Kìm nén được tính nóng vội của mình, tôi nghiền ngẫm từng trang viết của ông cách đây 71 năm để biết thêm một chút nhà văn khi tuổi “yêu” như thế nào, để hiểu thêm một cây bút đại thụ “trong báo có văn, trong văn có báo” ra sao.

Đọc truyện Phan Quang, đi tìm lời giải tuổi yêu 71 năm trước - 1

Ấn tượng đầu tiên với tôi là truyện ngắn “Chiếc khăn tang”. Không phải nó ly kỳ, chứa đựng nhiều mâu thuẫn đẩy lên cao trào xung đột, rồi “thắt nút”, “mở nút” như bao truyện ngắn khác mà là lời kể dung dị về câu chuyện thường tình của những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chuyện kể rằng O Hường có chồng mới cưới là anh Cơ đi bộ đội. Để che mắt địch O phải đội khăng trắng để tang chồng. Những tháng ngày đầu đội khăn tang, Hường như thấy đầu nặng trịch, tim đau nhói mỗi khi nghĩ đến chồng ngoài mặt trận, liệu có tránh được mũi tên hòn đạn. Nói dại, nếu khăn tang là thật thì sao. O khóc một mình. O sống một mình với bao kỷ niệm thời mới yêu. Họ chỉ nhìn nhau qua khóe mắt.

Họ nhìn mặt sông buổi sớm mai để nhận ra nhau. Họ không dám cầm tay nhau chứ làm sao gửi được nụ hôn đầu đời cho người mình yêu. Thời Phan Quang sống và yêu là như thế. Kín đáo. Lâng lâng. Ngan ngát như hương “chạc chìu”, loài dây leo quấn quýt bên nhau, cữ xuân về nở hoa trắng li ti, thanh khiết, tòa mùi hương man mác mà nhớ lâu, đi đâu cũng nhớ.

Chạnh lòng nhớ mạ. Mạ tôi hơn ông Phan Quang nửa con giáp, nghĩa là cùng thời trẻ trung cùng lao vào kháng chiến trường kỳ với niềm tin nhất định thắng lợi. Ba tôi hy sinh ở chiến khu Cây Sy vào mùa lũ tháng 9 năm 1949, khi tôi mới lên ba.

Mạ đội khăn trắng để tang chồng, nhưng bọn Việt gian không tin, không nghe mà nằng nặc là chồng Việt Minh còn sống, còn hoạt động thì phải bắt vợ ở tù. Bà ngoại tôi cùng dân làng Thượng Lập đấu lý mãi chúng mới tạm tha.

Đến khi bắt được mạ tôi đang gõ mõ báo động “Trâu ra ràn” (Trâu xổng chuồng -mật hiệu báo động Tây đi càn) thì bọn Pháp với lũ Việt gian cộng hai tội, tống giam Mạ vào nhà tù Hồ Xá sáu tháng ròng. Cũng là chít khăn tang. O Hường trong câu chuyện của nhà văn Phan Quang đội khăn giả để che mắt địch. Mạ tôi chít khăn tang thật cũng bị địch cho là giả để bắt bớ, tù đày. Cuộc sống ngoài đời và trong tác phẩm văn chương như quyện vào nhau, bởi nó là thật, là sống mãi với thời gian.

Ai đã từng sống ở Bình Trị Thiên thời chống Pháp thì không thể quên “Tây càn”, “Chạy giặc” với mật hiệu “Trâu ra”, “Trâu ra ràn” (trâu xổng chuồng). Lối kể chuyện đằm thắm của tác giả như làm sống lại những năm tháng khó phai mờ của một thời “Bình Trị Thiên khói lửa”. Truyện ngắn “Anh bạn thợ dép của tôi” lại cho bạn đọc sống lại miền hoài niệm về chiếc dép cao su. Khi vỡ mặt trận Huế (1947), quân ta phục kích phá hủy xe hơi của địch, lấy được bộ lốp mới có sáng kiến cắt thành những đôi dép cao su, mang tên “dép Bình Trị Thiên”.

Anh bạn của nhà văn Phan Quang rời Huế, vào bộ đội, bị thương, không thể trở lại mặt trận. Anh buồn nhưng không nản, anh tàn nhưng không phế. Ngày ngày anh cặm cụi bên đường đầy bụi ở thị trấn Đô Lương, Nghệ An đóng dép, xâu dép cho một ai đó, và luôn nở nụ cười trên môi. Anh biết họ đang cùng anh ra trận.

Đôi dép cao su “Bình Trị Thiên” của anh đang nâng bước chân đồng đội xông trận. Ít lâu sau Phan Quang trở lại thăm anh bạn đóng dép lốp thì anh đã vào chiến trường Bình Trị Thiên từ lúc nào rồi. Cuối truyện, tác giả để lại một hình ảnh lắng sâu, một câu nói dung dị, nhưng cứ lấp lánh một tình yêu thuần phác mà cao rộng. Tình yêu của những người con trai, con gái làng quê đi “dân công hỏa tuyến”.

Đọc truyện ngắn, bút ký của Phan Quang về chiến dịch Phan Đình Phùng năm 1950 tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và Lệ Thủy (Quảng Bình)[1] như thấy hình ảnh mạ của tôi thời ấy. Cũng gồng gánh ra đi từ chập tối, cũng ghé sát tai nhau truyền mật lệnh “lên đàng” rồi bí mật hành quân trong đêm đen.

Cũng có anh bộ đội trên đường hành quân, tranh thủ vài phút ghé thăm cha mẹ một chút, nhìn sửa mặt vợ mới cưới một lần cho đỡ nhớ, để rồi lặng lẽ đi, đi mãi… Tiếc thương thay nhiều anh Vệ quốc đoàn không có ngày về. “Khổ như rứa”, “buồn như ri”, nhưng niềm tin “kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi” vẫn in sâu, bám chắc lòng quân dân ba tỉnh Bình Trị Thiên.

Thiếu đói, khổ đau, đời người ở giữa đòn gánh giang sơn đã quằn quại dưới ách thực dân lại bị quăng quật bởi bão tố, thiêu cháy trong gió Lào cát trắng. Cái nơi mà có gió bão nhiều nhất, phủ phàng nhất địa cầu mang tên Triệu Phong, có sức nóng nhất quả đất là Triệu Độ. Nơi eo thắt mảnh đất hình chữ S sản sinh ra câu ca khúc khuỷu “Gánh cực mà đổ lên non/ Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo”.

Lạ lùng thay cũng chính nơi ấy lại ngân nga những câu hò khoan, hò hụi, hò mái đẩy ngọt ngào, mênh mang… Cái chất Bình Trị Thiên ấy như một điệp khúc thấm đẫm trong trang viết của nhà văn Phan Quang. Sau câu chuyện quá khốn khổ của anh Cao trong truyện ngắn “Đêm”, tác giả trải lòng “Dưới ánh sáng que đóm le lói, nhưng không chịu tắt, gian nhà rộng càng thêm chập chờn, khói thuốc càng đùng đục, càng rung rinh trong đêm khuya u uất. Trong tai Cao dường như lại có tiếng đêm chẳng rõ từ đâu bay đến thì thầm. Từ một nhà hàng xóm nào đó, một con gà trống ngái ngủ, uể oải vỗ đôi cánh bắt đầu cất tiếng gáy te te báo trời sắp sáng”.

Nhiều lần Mạ tôi kể lại: hồi đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Phan Đình Phùng (1950) ai cũng gánh thật nhiều thóc, lên Cùa xay giả, rồi theo đường rừng rú ra Sa Lung chở gạo trắng đến tận tay bộ đội Trung đoàn 95. Vai gánh đầy gạo trắng, nhưng dân công chỉ ăn cháo tấm, để dành gạo nguyên hạt cho bộ đội “ăn no đánh giặc”.

Chịu thương, chịu khó và nhịn nhường của người dân xứ nghèo khó cứ len lỏi trong câu chuyện của Mạ tôi và ẩn hiện trong tác phẩm của Phan Quang.

Trong một lần gặp, tôi hỏi ông Phan Quang vì sao khi viết về những nhân vật, tác giả chỉ kể về những điều hay, tốt đẹp mà không phê phán mặt xấu.

Tôi phải hỏi ba lần ông mới nghe ra: “Già rồi, tai hơi kém, thông cảm nhé! Nói thiệt là khi đã viết về ai thì xuất phát từ niềm tin yêu người đó, nên không thể kể xấu về họ được. Vả lại trong mỗi con người ai chả có hai mặt tốt, xấu, đáng yêu và đáng ghét. Như mình đây có nhiều người yêu mến nhưng không ít người không vừa lòng, thậm chí không thích, nói xấu sau lưng. Nhưng đã là người viết thì trước hết và trên hết là phải thấy cái đẹp, cái hay, cái chất men, ngọn lửa trong lòng họ”.

Nhân vật trong truyện ngắn của Phan Quang là vậy. Dù khốn khổ đến khốn nạn vẫn le lói một niềm yêu, một niềm tin. Bùn đã ngập tận cổ vẫn đưa bàn tay khẳng khiu chới với lên trời níu kéo cuộc sống. Vì con người vốn muốn sống và ham sống.

Bản năng là vậy, nhưng ở đời phải biết chống lại cái ác, cái ác đến mức hủy diệt là chiến tranh. Từ chống càn trong một làng nhỏ ở Quảng Trị đến chiến đấu chống trả quân địch trên Liên khu Bốn hay cả nước thì một người con gái như O Hường, một chàng trai như anh Cơ, một em gái nhỏ côi cút như bé Thơm hay một “Ông bõ làm vườn trong nhà Chung” từ tác phẩm của Phan Quang bước ra đời đều rắn rỏi và kiên nhẫn với niềm tin yêu phía trước, dù là le lói.

Những chàng trai, cô gái đi qua truyện ngắn của Phan Quang, tuổi biết yêu và đang yêu cứ tim tím thủy chung, ngan ngát tuổi hai mươi như “hương chạc chìu quê miềng”.

[1] Sách Phan Quang “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”, Nxb. Trẻ, 2016.

Vĩnh Trà