1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Thanh Hóa:

“Độc nhất vô nhị” trò Xuân Phả- Điệu múa nửa thiên niên kỷ

(Dân trí) - Đến với trò Xuân Phả, người nông dân được bước chân khỏi ruộng đồng, tạm rũ đi bùn đất, rơm rạ để khoác lên tấm áo con trò và hóa thân thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc say sưa nhảy múa theo nhịp trống, phách và đắm mình trong những ca từ, giai điệu dân dã.

Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng (làng Xuân Phả)

Trò Xuân Phả được xem không chỉ độc đáo, đặc sắc mà còn “độc nhất vô nhị” ở Thanh Hóa. Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Trở lại xã Xuân Trường- cái nôi của những điệu múa Xuân Phả những ngày đầu năm mới, dưới sân đình, trong đêm trăng, người ta lại say sưa nhảy múa theo nhịp trống chứa đầy ắp những tâm sự, những khát khao.

Nghệ nhân Bùi Văn Hùng, người gần như gắn cuộc đời mình với từng trò diễn lại cùng bà con tiếp tục miệt mài “ươm gieo” cho các thế hệ con cháu mai sau trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị cha ông - để giữ được cái hồn trò Xuân Phả.

Đến với Xuân Phả, người nông dân được rũ bùn đất để hòa theo những điệu múa dân gian với chiêng với trống
Đến với Xuân Phả, người nông dân được rũ bùn đất để hòa theo những điệu múa dân gian với chiêng với trống

Người dân làng Xuân Phả tin rằng, trò diễn được lưu giữ qua nhiều đời của làng có từ thế kỷ thứ IX, gắn với tích Thành hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân.

Để báo đáp công ơn của Thành hoàng làng Xuân Phả, nhà vua tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ và phong cho Thành hoàng làng Xuân Phả là Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân. Từ lễ hội ăn mừng chiến thắng, các nước lân cận đem lễ vật đến tiến cống, chúc mừng nhà vua đất Việt, với cả các điệu múa như Ai Lao (nước Lào), Chiêm Thành (dân tộc Chăm ở phía Nam); Ngô Quốc (bộ tộc của đảo Hải Nam Trung Quốc); Lục Hồn Nhung (bộ tộc Lục Hồn ở phía Bắc nước ta); Hoa Lang (một bộ tộc Cao Ly ở Triều Tiên). Ngay sau đó, để đền đáp công ơn, nhà vua đã ban 5 điệu múa trên cho nhân dân làng Xuân Phả với tên gọi “Ngũ quốc lân bang đồ tiến công”.

Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.

Độc đáo của trò Xuân Phả là có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Hàng ngày, bà con xóm làng không ai là không biết nhau, đặc biệt là các nghệ sĩ tham gia múa Xuân Phả, thế nhưng, khi đã hóa trang, vào vai rồi thì không ai nhận ra ai được nữa.

Ở trò Chiêm Thành, áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm đỏ hồng, không thêu thùa hoa văn. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Chúa và quân, quấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu, ngậm mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công...

Trò Tú Huần có mũ loóng (bằng tre), mặt nạ gỗ hình bà cố, mặt nạ mẹ và mười người con xếp thứ tự từ nhỏ đến lớn…

Thông qua những trò diễn, điệu múa nhà vua muốn nhân dân Xuân Phả phải biết đoàn kết, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất... Điển hình, điệu múa Hoa Lang người múa dùng những cái quạt, múa những động tác như là tung hoa, thể hiện sự vui mừng. Cùng với đó, người múa sử dụng những bài chèo thể hiện cuộc sống, làm ăn kiếm sống bằng đường sông nước. Hay điệu Lục Hồn Nhung thể hiện cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình, có nhiều thế hệ gồm bà cố, có mẹ và có con... nhằm bảo ban con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, đoàn kết trong gia đình.

Hằng năm cứ đến ngày 9, 10/2 âm lịch, nhân dân làng Xuân Phả lại tụ nhau lại trong ngày hội của làng. Đến nay, lễ hội làng Xuân Phả không chỉ của riêng người trong làng mà lan rộng ra khắp một vùng Thọ Xuân rộng lớn. Có tới hàng nghìn người đến tham dự, xem trò, chúc mừng xuân mới. Bởi thế mà từ xưa, người dân xứ Thanh có câu “Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng (hay làng Xuân Phả)”.

Những nghệ nhân khi mua Xuân Phả đều phải đeo mặt nạ, không ai nhận ra ai
Những nghệ nhân khi mua Xuân Phả đều phải đeo mặt nạ, không ai nhận ra ai

Theo nghệ nhân Hùng, từ những năm 1930, trò Xuân Phả được mời đi trình diễn ở nhiều nơi, điển hình như năm 1935, trò Xuân Phả trình diễn tại hội chợ nông sản huyện Thọ Xuân, có các quan đầu tỉnh người Việt và người Pháp đến dự, năm 1936, vua Bảo Đại mời trò Xuân Phả diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó được đưa đi biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội. Sau cách mạng Tháng 8, trò diễn Xuân Phả đã đi phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp...

Nỗi lo thất truyền

Nghệ nhân Hùng trăn trở, lo lắng nhất là người biết cầm trống. Đây là 1 trong 2 yếu tố quan trọng cấu thành trò diễn. Hiện trong làng Xuân Phả chỉ còn lại nghệ nhân Hùng và cụ ông Đỗ Đình Tạ đã bước sang tuổi 82 là có thể gõ được trống.

Vướng mắc bởi, để đánh được trống thì đồng nghĩa người học phải thuộc được các điệu múa. Đồng thời phải là người có đam mê, tâm huyết, có năng khiếu mới nắm được hồn điệu múa gõ trống mới có hồn, người múa mới bắt được nhịp.

“Tôi vừa làm lãnh đạo xã, quản lý, là người tổ chức thậm chí là đạo diễn nhưng bây giờ bác Tạ yếu, tôi rất lo. Mấy năm nay, tôi giao cho anh em trong đội, mỗi người phải tập và biết đánh ít nhất 2 điệu múa nhưng rồi cũng chẳng ai học được” - nghệ nhân Hùng lo lắng.

Nhiều điệu múa trò Xuân Phả vẫn là bí ẩn chưa có lời giải
Nhiều điệu múa trò Xuân Phả vẫn là bí ẩn chưa có lời giải

Cũng theo nghệ nhân Hùng thì tất cả tài liệu thành văn nghiên cứu về trò múa ngũ quốc đều mới dừng ở mức mô tả. Những điều kỳ lạ và bí ẩn của âm nhạc, các động tác múa, của cách làm mặt nạ, trang phục... đều chưa được giải mã nên rất cần được nghiên cứu và tìm lời giải đáp.

Liên quan đến việc bảo tồn giá trị văn hóa dân gian này, vấn đề kinh phí cũng là bài toán nan giải. Do điều kiện kinh tế, trang phục thiếu, kinh phí khôi phục trò diễn còn hạn chế, nên bảo tồn và nhân rộng gặp rất nhiều khó khăn.

Bình Minh