​Độc đáo tục con dâu mặc áo đỏ, quạt ma cho người chết ở xứ Mường

(Dân trí) - Không chỉ có tục nằm đường, tục chôn 9 hòn đá quanh mộ, tục con trai trưởng cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ… trong đám tang của người Mường họ Cuội còn có tục con dâu phải mặc áo đỏ quạt ma cho người chết.

Tục con dâu mặc áo đỏ quạt ma cho người chết trong đám tang của người Mường (xã Thành Công, Thạch Thành - Thanh Hóa) được hai dòng họ Quách và họ Bùi lưu giữ cho đến ngày nay. Đó là nét văn hóa tâm linh độc đáo của hai dòng họ lớn ở xứ Mường này.

Các nàng dâu mặc trang phục đỏ quạt ma trong một đám tang
Các nàng dâu mặc trang phục đỏ quạt ma trong một đám tang

Ông trưởng tộc Bùi Biển Khơi, người giữ gia phả họ Bùi, cho biết: “tổ tiên chúng tôi là người Mường di cư từ Hòa Bình sang đây cắm đất, lập bản nhiều thế kỷ trước. Con cháu họ Bùi sau này còn giữ gìn nhiều phong tục đậm nét của cha ông, trong đó có tục lệ con dâu phải mặc đồ tang màu đỏ khi có người trong gia đình mất. Bởi thế, mỗi người con gái khi về làm dâu dù khó khăn đến mấy cũng phải chuẩn bị cho mình một bộ váy Mường, một bộ trang phục màu đỏ để phục vụ đám tang trong gia đình và trong dòng họ. Nó không chỉ thể hiện truyền thống văn hóa của dòng tộc đã được lưu truyền qua bao đời nay mà nó còn thể hiện sự kính cẩn, biết ơn đối với các bậc cha mẹ”.

Áo tang của mỗi nàng dâu gồm: váy đen, cạp mới, áo ngắn, áo chùng trắng, áo đỏ, mũ trang trí tua hạt cườm, vòng đeo tay hạt cườm, quạt cọ…

“Quạt ma” của dòng họ Quách, họ Bùi ở Thành Công được làm bằng bẹ măng tre, măng luồng đã khô. Khi trong nhà hoặc trong họ có đám tang, những chiếc quạt ma này phải được người khác họ hoặc người khó khăn trong thôn làm.

Áo tang của mỗi nàng dâu gồm: váy đen, cạp mới, áo ngắn, áo chùng trắng, áo đỏ, mũ trang trí tua hạt cườm, vòng đeo tay hạt cườm
Áo tang của mỗi nàng dâu gồm: váy đen, cạp mới, áo ngắn, áo chùng trắng, áo đỏ, mũ trang trí tua hạt cườm, vòng đeo tay hạt cườm

Đầu quạt là tấm bẹ đã khô được gắn với một que tre dài. Vào các giờ cúng cơm trong ngày hoặc lúc thầy mo làm lễ các nàng dâu sẽ đứng quạt hoặc ngồi quạt phe phẩy vào quan tài. Với nghi lễ này, người Mường ở Thành Công cho rằng, phải quạt như vậy để linh hồn người nằm trong quan tài được mát mẻ như khi còn sống được con dâu ngồi quạt cho cha mẹ.

Trong lễ “quạt ma”, vị trí các nàng dâu được phân định từ cao đến thấp: Đứng ngay đầu quan tài là vị trí dâu trưởng của dòng họ rồi đến dâu thứ. Tiếp đến các vị trí con gái, cháu gái... sẽ ở vòng ngoài.

Có những dòng họ con dâu, cháu dâu mấy chục người, lễ quạt ma được tổ chức kín từ trong nhà ra tận ngoài sân. Điều đặc biệt hơn nữa, nếu ở hàng dâu đứng quạt ma mà có một người vì lý do nào đó vắng mặt thì vị trí đó phải được để trống và không ai được thay thế.

Bộ trang phục màu đỏ cùng quạt ma dành riêng cho các cô con dâu này chỉ được dùng đến khi khiêng quan tài ra ngõ hoặc đi nửa đường là phải cởi ra ngay. Khi đưa tang, các nàng dâu sẽ đi trước quan tài để quạt ma, ở các ngã rẽ, các nàng dâu sẽ không phải quạt.

Riêng người con dâu trưởng ngoài tay cầm quạt ma còn phải gánh thêm một gánh đồ lễ. Sau đó các nàng dâu phải nhanh chóng chạy đi trước quan tài rửa tay bằng nước lã. Rửa tay xong, các cô con dâu lại mặc đồ màu trắng như bình thường. Bởi theo như tục quạt ma người Mường họ Quách và họ Bùi, sau khi quạt ma xong họ đã chính thức trở thành con dâu trong nhà. Trước đây phong tục rườm rà, con dâu phải quạt 7 ngày 7 đêm nhưng giờ rút gọn chỉ còn một ngày.

“Trong một đám tang của họ Cuội chỉ con dâu, em dâu, cháu dâu được mặc áo đỏ và “quạt ma”. Con dâu đứng quạt ma, con trai nằm đường, con gái khóc thương để thể hiện tấm lòng hiếu thảo, thờ mẹ kính cha”, bà Quách Thị Lây, dâu trưởng dòng họ Quách ở xã Thành Công cho hay.

Những người mặc trang phục áo đỏ đều là con dâu, cháu dâu trong gia đình
Những người mặc trang phục áo đỏ đều là con dâu, cháu dâu trong gia đình

Cũng theo ông Bùi Biển Khơi thì tục mặc áo tang đỏ của dòng họ Bùi, họ Quách gắn liền với việc ông tổ của họ tên là Cuội, lừa các cô gái trong làng để lấy được vợ. Ngày đó, nhà Cuội rất nghèo nên mãi không lấy được vợ. Khi mẹ mất, Cuội gõ chiêng để cả làng biết mà đến giúp tổ chức đám tang. Chưa có vợ nên anh phải nhờ 9 cô con gái nhà giàu trong làng đứng quạt ma cho mẹ. Các cô chưa chồng bắt Cuội phải mượn áo màu đỏ, vòng bạc, mũ đội đầu thêu hoa văn sặc sỡ thì các cô mới giúp.

Đám tang xong xuôi, Cuội bảo 9 cô đã quạt ma mẹ mình rồi thì phải về làm vợ anh. Các cô không chịu liền bị anh mang lên quan lang kiện. Quan xử cho Cuội thắng, từ đó Cuội có 9 vợ, sinh được 9 người con trai. Khi Cuội qua đời, 9 cô con dâu phải giữ lệ xưa, mặc áo tang đỏ đứng quạt ma cho bố chồng.

Anh Bùi Văn Thân, cán bộ Văn hóa xã Thành Công cho biết: “Trước đây, tang lễ người Mường thường kéo dài 3 ngày 4 đêm, 7 ngày 7 đêm hoặc lâu hơn nữa. Ngoài ra còn có tục tục nằm đường, lăn đường, khách đến nhà phải bưng cơm dọn cỗ... Tang lễ kéo dài cùng với sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu không chỉ lãng phí, tốn kém tiền của, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Những năm gần đây, các hủ tục rườm rà đã được loại bỏ. Tang lễ chỉ được kéo dài trong 1 ngày, thậm chí còn thực hiện nhanh hơn. Tuy nhiên, ý thức được ý nghĩa quan trọng trong phong tục ma chay độc đáo đã có từ hàng ngàn năm nay nên người Mường họ Cuội (họ Quách, họ Bùi) nơi đây vẫn còn giữ được nhiều bản sắc riêng, độc đáo trong đời sống tâm linh. Nó không chỉ là nơi hội tụ những giá trị văn hóa dân gian mà còn mang tính nhân văn sâu sắc”.

Bình Minh