Thanh Hóa:

Độc đáo lễ cưới 3 lần của người Dao Tiền

(Dân trí) - Người Dao Tiền ở Mường Lát (Thanh Hóa) sau lễ cưới đầu tiên, đã trở thành vợ chồng và về ở với nhau nhưng phải cưới đến lần thứ 3 thì mới chính thức trọn vẹn.

Tục cưới 3 lần!

Người Dao ở Mường Lát thường sống ở các bản như: Con Dao, Suối Tút, Pù Quăn, Hạ Sơn. Với người Dao Tiền, họ có rất nhiều phong tục độc đáo, trong đó có tục cưới 3 lần đã truyền từ đời này sang đời khác.

Theo các già làng, trưởng bản người Dao thì phong tục cưới 3 lần là bản sắc văn hóa và không biết có từ bao giờ.  

Độc đáo lễ cưới 3 lần của người Dao Tiền - 1

Tục lệ của người Dao Tiền (Mường Lát) phải cưới đến lần thứ 3 mới chính thức trọn vẹn.

Trưởng bản Pù Quăn Triệu Văn Xiết cho biết: “Ngày xưa điều kiện kinh tế khó khăn, các cụ cưới lần đầu xong, phải rất lâu sau đó mới làm đám cưới lần thứ 3. Tuy vậy, vì là phong tục tập quán nên khó khăn đến mấy thì việc cưới ba lần vẫn phải được thực hiện. Tục lệ này nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là khi lễ cưới lần thứ hai diễn ra là khi người đàn ông chứng tỏ được vai trò, khả năng lao động của mình có thể nuôi được vợ con. Người đàn ông chứng tỏ được rằng họ có thể làm trụ cột trong gia đình, khi đó nhà gái mới yên tâm để giao con gái mình cho người đàn ông đó”.

Khi đi cưới hỏi lần 1, người Dao gọi là  “ăn chiêm" giống như người Kinh gọi lễ dạm ngõ. Nhà trai chuẩn bị 3 người sang nhà gái, mang theo chai rượu, 3 con gà to và tiền ma cùng 1 cái vòng bạc.

Độc đáo lễ cưới 3 lần của người Dao Tiền - 2

Lần cưới thứ 3 tại nhà gái nhưng, người của gia đình nhà gái không phải làm gì mà nhà trai phải đưa người sang làm cơm để mời họ hàng nhà gái.

Khi sang nhà gái, cả 2 nhà cùng nhau nấu các món ăn làm lễ. Thầy cúng của nhà trai mời gia tiên nhà gái về hưởng lễ vật và chứng kiến việc cưới xin của đôi trẻ. Cúng xong, cả hai nhà cùng ăn uống để nói chuyện. Sau đó, nhà trai đưa chiếc vòng bạc làm tin. Nếu nhà gái nhận vòng bạc thì là đồng ý gả con, nếu không nhận nghĩa là không đồng ý.  

“Xưa kia, người Dao thường thách cưới cao và bằng lễ vật như lợn, gà, rượu, tiền ma… Ngày nay do đời sống văn hóa tiến bộ, người Dao bỏ việc thách lễ vật bằng cách thống nhất với nhau về số tiền lễ nhà trai sẽ mang sang để nhà gái mua sắm cho đám cưới” - Trưởng bản Xiết cho biết.

Lần cưới thứ 2  gọi là  “Rịa tịnh”. Lần cưới này sau lần thứ nhất từ 6 đến 12 tháng , do thách cưới nên nhà trai cần có thời gian để làm ra của cải mới có thể cưới vợ cho con được. Sau khi sắm đủ đồ thách cưới, nhà trai lại chọn ngày tốt, sang nhà gái. Lần này nhà trai đi 5 người ( 2 nam, 2 nữ và thầy cúng).

Lễ vật mang theo gồm 3 con gà ( 2 trống, 1 mái), chai rượu, tiền ma và một nửa số tiền thách cưới. Số tiền này chính là để cô dâu và nhà gái sắm sửa đám cưới. Lần này nhà trai làm gà, chuẩn bị đàn cúng ma nhà gái, nhà gái sắp cơm để nhà trai rót rượu và thưa chuyện với nhà gái, thông báo ngày cưới lần 3.

Lần cưới thứ 3 được gọi là “chìa nhan”. Lần cưới này đám cưới được diễn ra trong 3-4 ngày ở cả 2 họ. Trước ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị đầy đủ lễ vật : Lợn, gà, gạo, rượu, tiền ma … và nửa số tiền thách cưới còn lại cùng 5 đến 7 người để đủ phục vụ việc đám nhà gái ăn uống.

Đến nhà gái, người nhà trai phải vào bếp làm cỗ : thịt lợn, thịt gà , sắp đàn cúng ma nhà gái  và dọn cơm mời nhà gái, anh em họ hàng và dân làng nhà gái ăn cỗ. Điều đặc biệt trong lễ cưới lần cuối cùng này là nhà gái không phải làm gì, chỉ mừng vui vì gả chồng cho con và chuyện trò và để ý nhà trai làm cỗ bàn có ưng hay không.

Sau khi thầy cúng cúng xong thì họ trai rót rượu cúng ra mời nhà gái và đưa nốt phần tiền thách cưới còn lại rồi ra về.

Cô dâu tự đến nhà chú rể

Sáng sớm hôm sau theo giờ đã định, cô dâu cùng họ hàng tự ra khỏi nhà mà không cần nhà trai đến đón. Cô dâu sẽ phải tính toán làm sao khi về đến nhà chú rể phải theo giờ dòng họ Phan từ 8 - 10 giờ sáng, Tặng lúc 4- 5 giờ sáng, hay dòng họ Triệu 7- 9 giờ sáng để tổ chức cưới.

Độc đáo lễ cưới 3 lần của người Dao Tiền - 3

Trong lễ cưới người Dao Tiền, những người tham dự của hai họ sẽ mặc trang phục truyền thống.

Với người Dao, họ kiêng sự xuất hiện của chú rể và bố mẹ chú rể, cũng như anh em ruột của chú rể vì quan niệm, cô dâu gặp những người này khi chưa bước về nhà chồng là không có phúc  nên chỉ có người nhà chú rể đón ở đầu làng.

Khi bước chân vào nhà, cô dâu quỳ xuống chiếc chiếu đã trải sẵn trước bàn thờ để bái trình ma nhà và làm lễ nhập họ. Lễ này do thầy cúng khấn vái trong vòng 5 phút. Sau đó cô dâu được dẫn vào buồng cưới của mình và ăn bữa cơm trưa tại đây.

Đến khoảng 1-2h chiều, chú rể mới được ra gặp cô dâu. Cả hai có mặt trước thầy cúng, để làm lễ tơ hồng, bên cạnh có phù dâu và phù rể. Thầy cúng trình ma nhà, cô dâu chú rể bái 12 bái lên bàn thờ, bái thầy cúng 12 bái . Thầy cúng làm phép cùng chén rượu, gia đình sẽ sắp xếp để một bé trai trong nhà chạy ra nâng chén rượu cho 2 vợ chồng uống, mỗi người uống một nửa rồi đổi để uống cạn.

Sau lễ cưới của người Dao Tiền, cô dâu sẽ phải kiêng đi làm 7 ngày, sau 1 tháng mới tổ chức lại mặt. Cô dâu và chú rể cùng em trai hoặc em gái mang lễ sang nhà gái gồm: 2 con gà, chai rượu, tiền ma sang làm cơm cúng cảm tạ ma nhà gái và bố mẹ vợ. 

Trưởng bản Hạ Sơn - Triệu Văn Cấu cho biết: “Ngày xưa kinh tế khó khăn, để cưới được 3 lần phải trải qua thời gian rất lâu nhưng bây giờ, điều kiện kinh tế khá giả, việc cưới 3 lần không còn kéo dài thời gian nữa, thậm chí có nhiều gia đình, chỉ trong một thời gian ngắn đã xong cả 3 lần cưới”.

Bình Minh