1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Dở khóc dở cười” vì cả gan chụp hình với kẻ cướp máy bay

(Dân trí) - Trong vụ cướp máy bay của hãng hàng không quốc gia Ai Cập EgyptAir vừa xảy ra trong tuần qua, điều may mắn là không có bất cứ thương vong, tổn thất nào xảy ra; kẻ cướp máy bay với “thần kinh không ổn định”, thực tế, đã chỉ mang bom giả ra để dọa dẫm.

Vụ việc “hú vía” đó đáng lẽ sẽ trôi đi trong dòng chảy của biết bao tin tức sự kiện quốc tế đáng chú ý khác, nhưng một chi tiết vẫn còn đọng lại trong suốt mấy ngày qua, đó là một bức ảnh tự sướng của một hành khách - một người đàn ông Anh 26 tuổi có tên Ben Innes với kẻ cướp chuyến bay MS181 của hãng hàng không EgyptAir.

Bức ảnh tự sướng của Ben Innes với gương mặt “rất hài” ở tại thời điểm có thể coi là những giây phút nguy hiểm tính mạng, thậm chí là những giây phút cuối đời của anh này (khi đó, người ta vẫn chưa biết rằng quả bom chỉ là giả) đã khiến cộng đồng mạng xôn xao bình luận.

Người ta tự hỏi, anh chàng Ben này lấy đâu ra lòng dũng cảm để có thể chụp bức ảnh “rất hài” đó và còn gửi cho bạn bè ngay lập tức thông qua điện thoại, khi bản thân anh ta vẫn đang là con tin trên máy bay… Người hài hước thì cho rằng đây là lúc Ben đã “chẳng còn gì để mất” nên quyết chí ghi lại một khoảnh khắc “để đời”.

Người nghiêm nghị thì cho rằng đây đúng là “kỷ nguyên tự sướng”, họ liên tưởng tới những bức ảnh chế hài tếu khi con người đối diện với tử thần thì vẫn phải tự sướng lần cuối để lưu giữ lại khoảnh khắc kịch tính còn… “câu like”, “lấy số” trên mạng.

Kẻ cướp máy bay Seif Eldin Mustafa đeo trên bụng chiếc đai bom giả đã đồng ý chụp hình cùng với người đàn ông Anh 26 tuổi - Ben Innes. Ben sau đó đã gửi bức ảnh này tới các bạn bè của mình ngay khi còn đang ngồi trong máy bay.
Kẻ cướp máy bay Seif Eldin Mustafa đeo trên bụng chiếc đai bom giả đã đồng ý chụp hình cùng với người đàn ông Anh 26 tuổi - Ben Innes. Ben sau đó đã gửi bức ảnh này tới các bạn bè của mình ngay khi còn đang ngồi trong máy bay.
Thay vì lo lắng cho sự an nguy tính mạng, Ben Innes đã tỏ ra khá bình tĩnh trước tình huống “hiểm nghèo”, thậm chí anh này còn gửi ảnh và chat khá “ngông nghênh, bất cần” với các bạn của mình.
Thay vì lo lắng cho sự an nguy tính mạng, Ben Innes đã tỏ ra khá bình tĩnh trước tình huống “hiểm nghèo”, thậm chí anh này còn gửi ảnh và chat khá “ngông nghênh, bất cần” với các bạn của mình.

Ben Innes là một trong 3 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn bị giữ làm con tin sau cùng trong vụ cướp máy bay do người đàn ông có tên Seif Eldin Mustafa một mình tiến hành với một đai bom giả đeo trên bụng.

Ben là một kiểm toán viên sống ở thành phố Aberdeen, Scotland, Anh. Anh này đang trên đường trở về nhà sau một chuyến công tác thì bất ngờ chuyến bay MS181 bị cướp. Trong tình huống hiểm nghèo, những tưởng cuộc sống của mình có thể sẽ kết thúc ở đây, Ben đã “mạnh dạn” thực hiện một bức ảnh tự sướng gây kinh ngạc dư luận.

“Tôi không biết chắc tại sao mình lại làm điều đó, tôi chỉ vứt bỏ đi mọi sự thận trọng và cố gắng để gương mặt mình thật hài trong tình cảnh đó. Tôi nghĩ rằng nếu quả bom này mà nổ tung thì mình cũng chẳng còn gì để mất, vậy thì hãy tận dụng cơ hội để ngó qua nó xem sao.

Tôi đã nhờ một thành viên phi hành đoàn làm phiên dịch giúp mình và hỏi anh ta (kẻ cướp máy bay) xem liệu tôi có thể chụp một bức hình với anh ta được không. Anh ta nhún vai nói OK, thế là tôi tiến lên đứng cạnh anh ta, mỉm cười nhìn vào ống kính trong khi một nữ tiếp viên bấm máy. Đây hẳn phải là bức ảnh tự sướng đáng nhớ nhất đời tôi” - Ben chia sẻ.

Trong khi phần lớn hành khách đã được kẻ cướp máy bay thả ra trước đó thì Ben nằm trong số ít những người bị giữ ở lại làm con tin. Khi chiếc máy bay chuyển hướng theo yêu cầu của kẻ cướp máy bay, Ben đã nghi ngờ rằng quả bom là giả. Để có thể tiếp cận gần hơn, việc xin chụp ảnh chỉ là một kịch bản.

Khi đã chụp xong bức ảnh “kỷ niệm” thứ nhất với Mustafa, nữ tiếp viên hàng không làm nhiệm vụ bấm máy đã hỏi rằng anh có muốn chụp thêm bức nữa cho “chắc” không và Ben đã “nhất trí” để cô này “nháy” thêm pô ảnh thứ hai cho anh với Mustafa.

Hành động của Ben hiện đang khiến dư luận chia thành “nhiều phe”. Những chuyên gia an ninh thì chỉ trích, người thân của Ben và các hành khách có mặt trên chuyến bay thì khen ngợi, bạn bè của Ben thì nói điều này là hoàn toàn hợp lý với tính cách hài hước vốn có của anh…

Thực tế, ngay sau khi bức hình được chụp xong, Ben đã gửi bức ảnh tới các bạn bè của mình dù anh vẫn đang trong tình cảnh bị giữ làm con tin. Trong một bức ảnh chụp màn hình công cụ chat trên điện thoại, Ben đã chat với bạn mình ngay từ trong máy bay rằng: “Cậu biết bạn của cậu đếch run vì mấy chuyện này đâu!! Bật tin tức lên đi chú bé!!!”.

Các nguồn tin đều nhận định rằng Mustafa là một kẻ có “tâm thần không bình thường” và thực tế việc cướp chuyến bay rồi yêu cầu chuyển hướng tới đảo Síp là bởi Mustafa hy vọng người vợ cũ và 4 người con (đang sống ở đảo Síp) sẽ chịu ra gặp ông ta sau 22 năm không liên lạc (một hy vọng đã không thành sự thật vì người phụ nữ này quá xấu hổ vì chồng cũ của mình).

Sự việc này đã trở thành một trong những chuyện… “dở khóc dở cười” của tin tức thế giới tuần qua. Thậm chí, một quan chức Bộ Ngoại giao Ai Cập đã phải lên tiếng bình luận về công dân Mustafa rằng: “Người đàn ông này không phải một kẻ khủng bố, ông ta chỉ là một kẻ ngốc. Những tên khủng bố rất điên rồ nhưng chúng không ngu ngốc. Người đàn ông này thì có”.

Hiện tại, bức ảnh tự sướng của Ben và Mustafa đang là một trong những chủ đề bàn tán “rôm rả” trên mặt báo và mạng xã hội phương Tây. Người ta thậm chí đã chế nhiều ảnh hài cho bức ảnh tự sướng “bi hài khó tả” này.

Tuy vậy, một tin không vui cho Ben là cấp trên của anh đã cảnh báo trước rằng họ sẽ có một vài “cuộc thảo luận” với nhân viên của mình sau khi anh này trở về Anh. Công ty mà Ben đang làm việc dường như khá quan tâm tới chuyện nhân viên của họ xuất hiện rình rang trên khắp các mặt báo.

“Dở khóc dở cười” vì cả gan chụp hình với kẻ cướp máy bay - 3

Thực tế, trên máy bay không chỉ có mình Ben chụp hình với Mustafa, nữ tiếp viên Niera Atef cũng chụp hình với kẻ cướp máy bay, mục đích là để sau đó họ sẽ gửi những tấm ảnh này tới cho cảnh sát để cảnh sát có thể nhận định qua hình ảnh xem bom trên máy bay có phải là thật hay không. Thông tin này đã được chính cơ phó chuyến bay khẳng định.

Một hành khách khác cũng có mặt trên chuyến bay - AbdAllah El Ashmawy, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình - đã trả lời phỏng vấn báo chí về những phản ứng bất ngờ mà anh này tận mắt chứng kiến khi những hành khách khác tin rằng mình đang ở trong những giây phút cuối đời.

Khi biết máy bay đã bị cướp, rất nhiều người bắt đầu gọi điện cho người thân để nói lời tạm biệt. Một người đàn ông đã gọi điện về cho vợ để “thú nhận” anh ta có một tài khoản ngân hàng bí mật; vợ anh này liền quên hết tất cả, chỉ nhớ hỏi đi hỏi lại chồng chính xác… tên ngân hàng.

Một hành khách khác bất ngờ tỉnh dậy sau giấc ngủ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra và liên tục hỏi “Tại sao lại đến đảo Síp?”. Một người đàn ông khác lại quyết định dành những giây phút “cuối đời” để lần lượt gọi điện cho từng người quan trọng và nói lời từ biệt…

Sau khi chuyến bay đã bình yên vô sự, những câu chuyện “dở khóc dở cười” đã liên tục được chia sẻ trên mặt báo phương Tây. Bác sĩ Ashmawy cho biết tình huống máy bay bị cướp đã khiến anh lo sợ nhưng với đôi mắt của người làm trong ngành y, Ashmawy cảm thấy vơi bớt nỗi sợ khi được quan sát phản ứng của những hành khách khác trong một giây phút hiểm nghèo.

Cơ trưởng chuyến bay - ông Amr al-Jamal (phải) - và một hành khách ôm nhau trong hạnh phúc sau khi tất cả đều đã bình an.
Cơ trưởng chuyến bay - ông Amr al-Jamal (phải) - và một hành khách ôm nhau trong hạnh phúc sau khi tất cả đều đã bình an.

Bích Ngọc
Tổng hợp