“Điệp viên báo thù”: Kịch tính nghẹt thở khi phụ nữ làm điệp viên

(Dân trí) - Phim mới ra rạp vào cuối tuần này - “Atomic Blonde” (Điệp viên báo thù) - đã chứng minh rằng phim hành động của các nữ điệp viên cũng hấp dẫn ngang ngửa các nam điệp viên trứ danh màn bạc.

Nổi tiếng nhất trong dòng phim điệp viên phải kể tới loạt phim “Điệp viên 007”. Ngay từ nhỏ, các cậu bé đã mơ ước được trở thành James Bond - đẹp trai, bảnh bao, quyết đoán, can đảm… Bond luôn chiến thắng mọi hiểm nguy và chinh phục được mọi phụ nữ.

Điệp viên 007 là một biểu tượng của văn hóa đại chúng cho sức hấp dẫn ở đàn ông. Giờ đây, “Atomic Blonde” ra mắt đã ngay lập tức tạo được hiệu ứng mạnh trong truyền thông và fan “cine”, phim được xem như một đối trọng tiềm năng của loạt phim “Điệp viên 007”.

“Điệp viên báo thù”: Kịch tính nghẹt thở khi phụ nữ làm điệp viên - 1

Nữ chính Charlize Theron hóa thân vào vai một nàng điệp viên sexy quyến rũ, một siêu điệp viên cũng toàn năng không khác gì Bond, không gì có thể cản bước chân Lorraine Broughton. “Atomic Blonde” hứa hẹn đưa lại cho khán giả một “Bond phiên bản nữ”.

James Bond luôn được nhấn mạnh ở khía cạnh điềm tĩnh khi đối diện với hiểm nguy, cho thấy một sự nam tính hoàn hảo. Ngược lại, nhân vật Lorraine Broughton (Charlize Theron) không lấy thế mạnh thể lực để tạo nên sức hấp dẫn cho vai diễn mà thay vào đó là một vẻ đẹp “chết người” cùng một nội tâm khó đoán.

Những chiến thắng mà Lorraine đạt được, dù là bằng trí tuệ hay cơ bắp, đều đem lại cảm giác thỏa mãn cho người xem. “Atomic Blonde” lấy bối cảnh năm 1989, ở cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nữ điệp viên Lorraine làm nhiệm vụ ở Berlin, cuộc sống của cô rất khác Bond.

Cô không chu du khắp thế giới, không vung tiền, hay tận hưởng cuộc sống xa hoa, đẳng cấp. Ngược lại, Lorraine được đặt trong bối cảnh của những đường phố cũ kỹ ở Berlin (Đức), thường xuất hiện bên những bức tường u ám.

James Bond - người đàn ông tài ba, sở hữu những món đồ công nghệ đáng mơ ước nhất để phục vụ cho vai trò điệp viên. Anh chạy băng băng trên nóc tàu hỏa, lái xe mô-tô bay qua những mái nhà, sử dụng khả năng thể lực tuyệt vời, kết hợp thiết bị công nghệ tối tân… chinh phục mọi thử thách.

“Điệp viên báo thù”: Kịch tính nghẹt thở khi phụ nữ làm điệp viên - 2

“Điệp viên báo thù”: Kịch tính nghẹt thở khi phụ nữ làm điệp viên - 3

Lorraine cũng không “xoàng”, cô cũng chiến đấu bằng cơ bắp rất ngoan cường. Trong một cảnh ở đầu phim, Lorraine khỏa thân bước ra khỏi bồn tắm chứa đầy đá, để lộ những vết thương bầm giập - hậu quả của những cuộc đối đầu trước đó khi thực hiện nhiệm vụ.

Cảnh phim vừa gợi lên khao khát đối với người phụ nữ đẹp, vừa gợi lên thương cảm dành cho Lorraine. Những người phụ nữ gan lì, kiên cường chiến đấu, thường không phải là chi tiết được nhấn nhá trong các bộ phim làm về James Bond. Dù vậy, điều đó không có nghĩa phụ nữ không thể là điệp viên hoàn hảo.

Giữa bối cảnh các vai nữ chính có sức nặng vẫn còn khá hiếm hoi ngoài rạp, các nghiên cứu về phim điện ảnh đã từng chỉ ra rằng nhân vật nữ chính thực ra là sự lựa chọn lý tưởng cho phim, đưa lại sự thỏa mãn cho người xem - cả nam lẫn nữ, bởi yếu tố tâm lý được khắc họa ở nhân vật nữ thường đa chiều, sâu sắc và biến chuyển nhiều cung bậc hơn.

“Atomic Blonde” rất biết cách tận dụng điều này. Ở Lorraine, cô cảm nhận được sự hấp dẫn giới tính đến từ cả nam và nữ - một nét tâm lý rất hiện đại. Ở một số phân cảnh, Lorraine là người phụ nữ được khao khát, nhưng ở những phân cảnh khác, cô lại khao khát những người phụ nữ.

“Điệp viên báo thù”: Kịch tính nghẹt thở khi phụ nữ làm điệp viên - 4

Trong một cảnh, khi một người đàn ông tìm cách tiếp cận Lorraine trong quán bar, cô đã từ chối anh ta để có cơ hội tiếp cận Delphine (Sofia Boutella), người phụ nữ đang thu hút Lorraine. Điệp viên Lorraine “tấn công” phụ nữ theo phong cách rất “James Bond”. Những cuộc chơi tình ái của Lorraine là món gia vị hấp dẫn đối với người xem.

Những cuộc đấu cơ bắp khiến Lorraine càng trở nên hấp dẫn bởi sự căng thẳng tạo ra từ chính sự yếu đuối không thể tránh khỏi của một thể lực nữ giới. Những cảnh chiến đấu của Lorraine khiến người xem thỏa mãn bởi cô không bị buộc phải chiến đấu mạnh mẽ và hoàn hảo như một điệp viên nam.

Những cảnh chiến đấu trong phim khá chân thực, không “nam tính hóa” Lorraine, không bắt nhân vật phải “gồng” quá mức. Nữ điệp viên Lorraine không đi theo lối mòn trong cách xây dựng nhân vật thường thấy đối với các điệp viên nam, nhờ đó, “Atomic Blonde” tạo được sự mới mẻ.

Với sự xuất hiện của những phim hành động, phim bom tấn do các nữ diễn viên đảm nhận vai chính, như “Wonder Woman”, như “Atomic Blonde”…, tín hiệu tích cực dành cho nữ giới trong nền công nghiệp điện ảnh đang thực sự bắt đầu.

Trailer phim “Atomic Blonde” (Điệp viên báo thù)

Bích Ngọc
Theo Quartz/Hollywood Reporter