Ông Lê Trương Hiền Hòa, Trưởng BTC Lễ hội Áo dài TPHCM:

Diện mạo của một “thành phố Áo dài” đang hình thành

Ngày mai, Lễ hội Áo dài tại TP.HCM chính thức được khai mạc, và sẽ kéo dài tới 2 tuần (từ 8- 20/3) tại hàng loạt những địa điểm quan trọng của thành phố cùng sự tham gia của hàng ngàn diễn viên, nhân viên... Lễ hội hướng đến việc xây dựng TPHCM thành “thành phố Áo dài” như một đặc sản du lịch, một biểu tượng...

Xung quanh ước mơ này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Áo dài TP.HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh).

Thưa ông, nói đến áo dài, người ta thường nghĩ tới Hà Nội hay những đô thị cổ nền nã, thanh lịch, chứ chưa hẳn là thành phố năng động đang trên đà phát triển mạnh mẽ là TPHCM. Vì lý do gì, ông tin rằng Lễ hội Áo dài TPHCM sẽ là một đặc sản của Thành phố này?


BTC cho biết đây là lễ hội nhằm mong muốn: TPHCM thành “thành phố Áo dài”.

BTC cho biết đây là lễ hội nhằm mong muốn: TPHCM thành “thành phố Áo dài”.

Trước hết, có thể thấy là Lễ hội Áo dài TPHCM không còn xa lạ với công chúng nữa, mà đã trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc với công chúng. Qua 2 lần tổ chức tại Đầm Sen, chúng tôi nhận thấy sức hấp dẫn lớn lao của áo dài, một trang phục đẹp, thuần Việt, vừa gần gũi với đời sống người dân, vừa mang những giá trị văn hóa phi vật thể lớn lao. Nối tiếp truyền thống đó, Lễ hội áo dài năm nay có sự thay đổi lớn về quy mô tổ chức, về tính chất lễ hội, thay đổi cả về không gian và thời gian. Lễ hội được kéo dài 2 tuần so với trước đây chỉ có 3 ngày, và được tổ chức ở những địa điểm nổi bật của thành phố để người dân toàn thành phố đều có thể tham gia. Có thể nói, đây là một sự thay đổi về chất để gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người dân và du khách về một “Thành phố áo dài” đầy hấp dẫn. Tôi tin rằng, bằng cách tôn vinh như thế, áo dài sẽ đi sâu vào cả quan điểm thẩm mỹ và đời sống thường nhật của người dân.

Thưa ông, các lễ hội dân gian, hay lễ hội sân khấu hóa được tổ chức khá nhiều ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Trong bối cảnh đó, làm sao Lễ hội Áo dài TPHCM có thể mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thu hút công chúng và phát triển du lịch thành phố?

Diện mạo của một “thành phố Áo dài” đang hình thành - 2

Khác với những lễ hội mang tính chất “sân khấu hóa”, Lễ hội Áo dài không phải là một không gian trình diễn khép kín, mà là một “không gian mở sống động trải khắp thành phố”. Với không gian mở này sẽ là trải nghiệm tuyệt vời, lạ và quen, đối với du khách tới TPHCM trong dịp này và cả người dân bản địa. Đơn cử như trong trong khuôn khổ của Lễ hội Áo dài, có hành trình “Thành phố áo dài - Thành phố tôi yêu” với chủ đề “Áo dài Việt - Du lịch Việt” từ Nhà Văn hóa sinh viên đến các di tích văn hóa, lịch sử. Các bạn sinh viên sẽ mặc áo dài, di chuyển bằng xe đạp, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân “Chung tay vì môi trường du lịch”.

Đây là cuộc diễu hành áo dài rất lớn và ấn tượng của một đội ngũ trẻ trung, năng động, vừa làm đẹp thành phố, vừa kêu gọi làm sạch thành phố để thu hút du lịch. Trên quan điểm Lễ hội là của nhân dân, lấy người dân làm chủ thể, có thể thấy Lễ hội Áo dài TPHCM năm may không chỉ có quy mô hoành tráng hơn, mà còn có sự tham gia của rất đông đảo người dân. Trong suốt thời gian lễ hội, các tầng lớp nhân dân TPHCM được vận động khuyến khích “diện” trang phục áo dài trong đời sống hàng ngày, để lan tỏa vẻ đẹp của Áo dài ở khắp nơi khắp chốn. Ở đâu có Áo dài, ở đó có không khí Lễ hội. Người dân mặc áo dài để trở thành các chủ nhân của Lễ hội. Với sự hưởng ứng như thế thì diện mạo của một thành phố áo dài sẽ hình thành.

Được biết rằng, Lễ hội Áo dài TP.HCM không có nhiều màn trình diễn các thiết kế mới về áo dài. Vậy Lễ hội chủ yếu tôn vinh lễ hội Áo dài ở khía cạnh nào?

Lễ hội sẽ giới thiệu những chiếc áo dài được kết bằng hoa tươi do 40 nhà tạo mẫu hoa Việt Nam và quốc tế trong cuộc thi kết hoa tươi trên áo có sự tham gia của tổ chức Interflora Pacific thực hiện trong hai ngày 19 - 20/3. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, thì Lễ hội Áo dài không đặt nặng việc giới thiệu, trình diễn các thiết kế thời trang mới dành cho áo dài trên sàn catwalk, mà thực sự là một lễ hội hướng tới quần chúng nhân dân và du khách, trong đó các giá trị lịch sử, văn hóa và giá trị sử dụng của áo dài được khám phá, bộc lộ và tôn vinh.

Chúng tôi muốn tăng tính chất “hội” nhiều hơn phần “lễ” để có thể tương tác với người dân trên bình diện sâu, rộng hơn. Ví như ngay ngày mai, trong lễ khai mạc diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, người dân thành phố và du khách sẽ thích thú với màn đồng diễn áo dài với sự tham gia của 1.000 người. Hội thi “Duyên dáng Áo dài” có sự tham gia của các trường học, doanh nghiệp, các tổng lãnh sự, hội doanh nghiệp nước ngoài ở TPHCM, Hội thi vẽ áo dài trên giấy là sân chơi hấp dẫn đối với học sinh cấp 1 và 2 tại Thư viện Tổng hợp; cuộc thi ảnh “Duyên dáng Áo dài”; cuộc thi thiết kế áo dài dành cho sinh viên các trường đại học; chương trình nghệ thuật “Áo dài - Vẻ đẹp bất tận” vào ngày 8.3 tại Nhà văn hóa Thanh niên; các buổi nói chuyện chuyên đề về áo dài của các nhà nghiên cứu, triển lãm ảnh “Áo dài qua từng thời kỳ” tại một số bảo tàng, Hội chợ Áo dài tại Nhà văn hóa Thanh Niên...

Mỗi chương trình trong khuôn khổ của Lễ hội kéo dài suốt 2 tuần đều có những nét độc đáo và thú vị riêng, khiến người tham dự sẽ có những ấn tượng đặc biệt về hình ảnh áo dài. Sẽ có rất nhiều thông tin thú vị, bổ ích về áo dài được tiết lộ trong dịp này, sẽ có những hình thức tôn vinh áo dài đẹp và bất ngờ, để mọi người cùng cảm nhận rằng áo dài Việt Nam xứng đáng là quốc phục, chưa kể như một ý tưởng trước đây từng đưa ra là xứng đáng được đề cử Di sản thế giới.

Vì thế, tôi rất hy vọng rằng trong không khí tưng bừng của Lễ hội Áo dài năm nay, công chúng sẽ thưởng thức được trọn vẹn những giá trị của áo dài, từ đó sẽ dần thay đổi thói quen, nhận thức của mình trong việc sử dụng áo dài.

PV