Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng

(Dân trí) - Chúng tôi gồm các nhà thiết kế từ Hà Nội, TPHCM, đến Huế để cùng đồng hành trong chuyến hành trình tìm hiểu loại chất liệu mới - thổ cẩm dệt Zèng...

Từ Huế để đến thị trấn A Lưới không xa nhưng phải qua ba đèo mấy vực, tại đây ngay thị trấn có phiên chợ họp từ 3-6h sáng mỗi ngày, vẫn còn nét hồn nhiên nguyên sơ cho đến tận hôm nay.

Chúng tôi gặp ở đây đồng bào dân tộc Pakoh, Tà Ôi, Vân Kiều, Katuh… Mảnh đất này đã trở thành nơi hội tụ những sắc màu văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể và những giá trị nhân văn quý báu.

Sau 40 năm kết thúc chiến tranh, giờ đây, cũng khó để có thể tưởng tượng được nơi đây từng là chiến trường của nhiều trận bom dội trong quá khứ. Thị trấn ngày nay được đầu tư khang trang, sạch sẽ, thân thiện, nhưng điều cuốn hút chúng tôi là những tác phẩm dệt Zèng bằng tay.

Đoàn ghé thăm cơ sở dệt của chị Hợp. Trên căn nhà sàn truyền thống nép dưới những cành hoa rừng, các tấm thổ cẩm được bày ra thành một không gian đặc sắc. Và trước sự chứng kiến của các nhà thiết kế, chị em phụ nữ Tà Ôi ngồi dệt từng sợi từng sợi chỉ một.

Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Chúng tôi đón những tấm khăn to nhỏ khác nhau và không có tấm nào giống tấm nào. Bởi lẽ, mỗi tác phẩm như thể mối tâm tình của người dệt dưới con nắng, con mưa và những nỗi lòng thiên biến vạn hoá.

Cũng chính nhờ kỹ thuật đan thủ công mà các nhà thiết kế rạng rỡ như mở cõi lòng khi phát hiện ra thổ cẩm ở A Lưới chứa đựng một giá trị nghệ thuật của dệt mà không máy móc nào có thể làm được. Điều đặc biệt của thổ cẩm dệt Zèng chính ở những điểm nhấn hoa văn bằng cườm.

Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Những hạt cườm nhỏ được dệt chung, nằm trong các kết cấu đan chỉ và được sắp xếp bằng tay để trở thành những hoạ tiết độc đáo. Với các nghệ nhân người dân tộc, cuộc sống đã bước vào tấm vải với những hoa văn cách điệu từ ngọn chông anh dũng chống giặc, những sinh hoạt đời thường hay là tài sản thiên nhiên mà đất trời ban tặng.

Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Giá trị nghệ thuật và nhân văn nằm ở đây. Dù cho những yếu tố của thổ cẩm Zèng đều được cấu thành từ những điều bình dị và ngây ngô, nhưng chúng là chân thật. Nghệ thuật là những phản ánh về cuộc sống xung quanh và được người nghệ nhân nâng tầm, biến hoá thành những khái niệm nghệ thuật trừu tượng hơn.

Cứ như thế, một ngày miệt mài của người nghệ nhân dệt cho ra năm tấc thổ cẩm thường hoặc ba tấc thổ cẩm có hoa văn cườm. Và để chuẩn bị cho mùa Festival làng nghề Huế 2015, với tinh thần đề cao nghề dệt Zèng, các nhà thiết kế đã tìm hiểu, trao đổi và đặt dệt những tác phẩm để chuẩn bị cho ngày hội sắp tới.

Nhà thiết kế Lan Hương vốn nổi tiếng với các tà áo thêu tay kỳ công, lần này đến với A Lưới chị cũng ngập tràn cảm hứng thử nghiệm với một đề tài khác hẳn. Còn Quang Tân, đại diện cho các nhà thiết kế của Huế, lại ấp ủ cho một luận án tiến sĩ với đề tài về nghệ thuật dệt Zèng. Từ nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn, chúng tôi thầm hi vọng rằng tương lai của Zèng sẽ phát triển hơn nữa.

Để phát triển một loại hình văn hoá vật thể độc đáo còn cần rất nhiều sự chung sức và chung lòng từ nhiều ban ngành, đặc biệt là giúp sức chuyên môn từ các nhà thiết kế và điều kiện tốt từ chính quyên địa phương. Các đồng chí cán bộ huyện còn cho chúng tôi biết thêm về những dự án giữ gìn và phát triển loại thổ cẩm độc đáo này.

Một trong số đó là ý tưởng khuyến khích dân cư trong huyện (vốn phần nhiều là các đồng bào dân tộc thiểu số) sẽ có một ngày để mặc thổ cẩm của dân tộc mình như thường phục và giảng dạy cho các em học sinh về tấm áo truyền thống.

Ví như cứ mỗi sáng thứ hai đầu tuần đến A Lưới, chúng ta lại được ngập chìm trong màu sắc của đoàn đoàn người khoác những tấm áo mộc mạc và tươi vui, chắc hẳn sẽ là dấu ấn khó quên về một không gian văn hoá đậm đà.

Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Và cứ như thế, truyền thống sẽ đi vào đời sống đương đại. Những giá trị đến từ tình yêu thương chân thành, ắt hẳn sẽ đi đến tận sâu của sự chia sẻ. Và những giá trị văn hoá bản sắc của cộng đồng, sẽ có đủ niềm tin được bảo tồn và duy trì trước những làn sóng của thời đại mới.

Sau buổi nghiên cứu ở thị trấn, chuyến xe của đoàn nghiên cứu lại tiếp tục cuộc hành trình tiến vào các xã ở vùng sâu. Những câu chuyện về một thời oai hùng của mảnh đất xen lẫn với khung cảnh núi non và những con đường ngoằn ngoèo kề trên những dòng suối đỏ lừ.

Là nơi bắt đầu của năm dòng sông, trong đó có dòng Hương hiền hoà, hậu quả của chiến tranh để lại với nhiều di chứng của chất độc đã thấm sâu vào trong lòng đất, lòng nước. Những sự khó nhọc và khổ cực của người miền núi càng khiến những tấm thổ cẩm trên tay chúng tôi lấp lánh hơn và phát ra tiếng nói từ những tâm tình hồn hậu, vô tư. Như đi ngược dòng với đám bọt nước xối xả phía dưới, chúng tôi tìm ngược về với những cảm xúc thành thật nơi cội nguồn.

Ngôi nhà Rông của các dân làng xã A Đớt nổi bật nằm giữa bản làng. Trèo lên vài bậc thang cao chênh vênh, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên xen lẫn thích thú khi thấy cảnh các mẹ và các em đang ngồi dệt với nhau trong ngôi nhà.

Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Nhà thiết kế Minh Hạnh hỏi một em bé ngồi dệt bên khung cửa: “Năm nay con mấy tuổi?”. Em bé trả lời (bằng một chất giọng Kinh lơ lớ rất đáng yêu): “Dà mươi bốn tuồi”. Tuy mới 14 tuổi, nhưng em đã có ba năm kinh nghiệm trong nghệ thuật dệt Zèng rồi.

Người Tà Ôi đã biết dệt từ khi còn rất bé. Có lẽ dệt đã ăn sâu vào tâm hồn con người nơi đây như lẽ tự nhiên. Và khung cửi, những sớ chỉ, chuỗi hạt cườm lại trở thành những trò chơi khéo tay tuổi ấu thơ.

Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Không thể ngăn được cảm xúc với những nét đẹp từ tâm hồn chân tình, Giám đốc Nghệ thuật của Festival cùng tổ thực hiện đã bày tỏ mong muốn và thân tình mời những đồng bào ở nơi đây với những vẻ đẹp khó tìm trong cuộc sống cùng hội tụ về Huế những ngày cuối tháng Tư sắp tới, để cùng chia sẻ những cảm xúc chung về mảnh đất đặc biệt của Tổ Quốc.

Và rồi còn điều gì cảm động hơn, khi chúng tôi đang hồi hộp chờ đợi câu trả lời thì nghe tiếng reo “Sắp được vào Huế chơiii rồiii” của những đứa trẻ lấm lem, nhưng đôi mắt thì sáng ngời và sâu thăm thẳm…

Rồi một ngày ở miền cao cũng nhanh chóng trôi qua. Chúng tôi vội vã ghé qua xã Hương Nguyên. Trong ánh chiều chạng vạng, màu lửa nhóm đỏ và làn khói trắng cùng những câu chuyện lao xao của các cụ già trên nhà Rông là một khung cảnh dễ làm xao động lòng người.

Đi tìm vẻ đẹp Thổ cẩm Zèng


Mặc dù cuộc gặp gỡ diễn ra chớp nhoáng để đuổi theo ánh mặt trời đang xuống núi, nhưng đoàn chúng tôi cũng kịp tìm cho mình những cảm xúc sâu lắng và những tâm tình lóng lánh cườm bên ánh lửa đỏ...

Đường xuống núi đi qua huyện Sơn Thuỷ. Quả là không sai với tên gọi, cảnh chiều bãng lãng giữa núi ngàn và mây mù khiến chúng tôi cứ ngỡ xe đang trôi đi trong một bức tranh thuỷ mặc mà mỗi nét phác nhẹ của thiên nhiên cũng đủ làm lòng người trôi chập chùng.

Đâu đó vang lên tiếng hát mộc mạc, yên bình giữa cõi chạm của đất trời. Cả đoàn chúng tôi tĩnh lặng. Như để lắng lại cho riêng mỗi người thứ cảm xúc thuần hậu nhất, như mối giao hoà giữa con người với thiên nhiên, như để càng thấu hiểu hơn giá trị của cuộc sống.

Chỉ có thể là những con người với tâm hồn hồn hậu nơi đây, sống trong thiên nhiên đẹp tuyệt mĩ này, và giữ gìn lòng mình bình yên bằng những khó khăn cách trở, mới có thể tạo ra được những tác phẩm đặc sắc chứa đựng giá trị nhân văn quý báu cho cộng đồng như thế.

Và để những giá trị nhân văn nguyên sơ ấy còn được vẹn nguyên trong đời sống đầy biến động của ngày hôm nay, chúng ta cần làm gì? Có lẽ đó không phải là câu hỏi chỉ dành cho giới chuyên môn, mà dành cho tất cả chúng ta - những người cùng Tổ quốc và thừa hưởng trực tiếp những giá trị văn hoá tinh hoa của đồng bào mình.

Quang Nhật