Đền thờ Tăng Bạt Hổ được công nhận di tích lịch sử quốc gia

(Dân trí) - Sáng 17/9, UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) đã tổ chức Lễ khánh hạ và đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Tăng Bạt Hổ (thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Bình Định).

Việc xây dựng, tôn tạo và xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Tăng Bạt Hổ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân sâu sắc sự cống hiến hy sinh cao cả vì dân tộc của chí sỹ Tăng Bạt Hổ.

Lễ khánh hạ và đón nhận Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia Đền thờ Chí sỹ Tăng Bạt Hổ 
Lễ khánh hạ và đón nhận Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia Đền thờ Chí sỹ Tăng Bạt Hổ 

Đền thờ chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ được xây dựng từ năm 2001, xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2003, được mở rộng, nâng cấp năm 2012. Đến nay, UBND huyện Hoài Ân đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan thực hiện xong các bước tiến hành nâng cấp các hạng mục đền thờ chính, sân vườn, tường rào cổng ngõ, các hạng mục phụ trợ…, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh, huyện và xã hội hóa.

Ngày 26/8/2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cán bộ, nhân dân huyện Hoài Ân thắp hương tại đền thờ Chí sĩ yêu nước Tằng Bạt Hổ
Cán bộ, nhân dân huyện Hoài Ân thắp hương tại đền thờ Chí sĩ yêu nước Tằng Bạt Hổ

Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, tên chữ là Sư Triệu, tên hiệu là Điền Bát. Ông sinh năm Mậu Ngọ (1858) tại xóm Cửi, làng An Thường, Ân Thạnh, Hoài Ân; là con út của một gia đình gia giáo trong vùng. Lúc nhỏ ông là người nổi tiếng thông minh trên đường học vấn và giỏi võ nghệ.  Ông là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu trong phong trào cách mạng yêu nước chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

 
Đ. Nguyễn – D.Công