Đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu Việt Nam là di sản thế giới

(Dân trí) - Sáng 21/10, tại hội thảo “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” tổ chức tại Viện Âm nhạc Việt Nam, nhiều chuyên gia đề nghị nhanh chóng lập hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO công nhận cây đàn bầu của Việt Nam là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Đàn bầu là biểu tượng văn hóa của Việt Nam

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bình Định- Viện trưởng Viện Âm nhạc đã khẳng định những giá trị độc đáo có một không hai của đàn bầu, so với các đàn một dây trên thế giới. Theo đó, trên thế giới hiện có hơn 10 loại đàn 1 dây trong đó đàn bầu Việt Nam được đánh giá là rất đặc sắc, độc đáo.

“Đàn bầu là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi; chỉ có 1 dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ; có khả năng trình diễn các dạng luyến láy của Việt Nam”- ông Định cho biết.

Toàn cảnh hội thảo khoa học Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hoá Việt Nam tổ chức sáng 21/10. Ảnh: HG.
Toàn cảnh hội thảo khoa học "Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hoá Việt Nam" tổ chức sáng 21/10. Ảnh: HG.

Đây cũng là nhạc cụ duy nhất trên thế giới chỉ với một lần kích âm có thể cho một âm cơ bản và âm khác có cao độ cao hơn hoặc thấp hơn âm cơ bản ấy tới một quãng 5. Có thể dùng đàn này đệm cho hát, ngâm thơ, độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác.

PGS Định cũng nêu dẫn chứng, trong 2 cuộc kháng chiến trường kì gian khổ, bài tủ của các đoàn văn công luôn có tiết mục đàn bầu và sáo trúc. “Có những đơn vị bộ đội trước giờ bước vào trận đánh ác liệt chỉ muốn được nghe đàn bầu”, ông Định nói.

Từ năm 1956, đàn Bầu đã được đưa vào giảng dạy chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhiều năm qua, nhiều tiết mục đàn bầu cùng các nghệ sĩ Việt đã đi biểu diễn khắp các châu lục trên thế giới và nhiều người nước ngoài đã cho rằng, hiểu người Việt Nam qua tiếng đàn bầu, có thể coi đàn bầu là một đại diện, một biểu tượng văn hóa của Việt Nam.

Bao đời nay, đàn bầu đã gắn liền với đời sống văn hoá của người dân Việt. Ảnh: TL.
Bao đời nay, đàn bầu đã gắn liền với đời sống văn hoá của người dân Việt. Ảnh: TL.

Nói về lịch sử, các chuyên gia cho rằng, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đủ dữ liệu xác định chính xác thời gian ra đời của đàn bầu nhưng có thể nói rằng đây là nhạc cụ bản địa của người Việt, có từ lâu đời, ít nhất từ trước thế kỉ IX.

Sớm đề nghị UNESCO công nhận là di sản

NSND Thanh Tâm chia sẻ rằng, gần đây có dư luận Việt Nam rất có thể sẽ mất chủ quyền đối với cây đàn bầu. Nguyên nhân chính là do các thông tin đưa đến là tại vùng Quảng Tây, Trung Quốc, người ta đã đưa đàn bầu vào giảng dạy trong một số trường phổ thông; còn tại Trường Đại học dân tộc tỉnh này có phân khoa đàn bầu.

Theo đó, một số học giả Trung Quốc cố gắng tìm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì thế, việc làm cần thiết lúc này theo NSND Thanh Tâm, đó là cần sớm thúc đẩy khẳng định giá trị, quyền sở hữu của Việt Nam với cây đàn bầu.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, đàn bầu là của Việt Nam không cần phải tranh luận. Ảnh: HG.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, đàn bầu là của Việt Nam không cần phải tranh luận. Ảnh: HG.

“Đã đến lúc chúng ta phải từng bước nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của Việt Nam”, NSND Thanh Tâm nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, đàn bầu là của Việt Nam không cần phải tranh luận.

“Tôi cũng có tìm hiểu thông tin về việc này và được biết loại nhạc cụ mà người dân ở Quảng Tây chơi tương tự như đàn bầu nhưng không phải đàn bầu”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

NSND Nguyễn Tiến kể, vào cuối năm 2013, khi ông có dịp nói chuyện và biểu diễn minh họa về lịch sử phát triển cây đàn bầu Việt Nam tại Học viện Quảng Tây (Trung Quốc), nơi cũng có một khoa giảng dạy đàn bầu. Cả hội trường đã vô cùng ngạc nhiên và khâm phục.

“Trưởng khoa đàn bầu và là người chỉ huy dàn nhạc của Học viện Quảng Tây đã nói với tôi: “Nghe anh nói chuyện cả buổi sáng nay tôi mới hiểu được hết cái hay và cái đẹp của cây đàn bầu Việt Nam. Học viện chúng tôi có khoa Đàn bầu là vì có một số học viên là người dân tộc Kinh ở Trung Quốc có nhu cầu nên chúng tôi dạy thôi. Hiện nay cũng có học sinh Trung Quốc đang học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam về đàn bầu”.

GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HG.
GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HG.

GS.TS Trần Quang Hải cho rằng, Việt Nam phải nhanh chóng có những hành động “xác lập chủ quyền” đối với cây đàn bầu. Việc làm trước tiên là phải trình UNESCO nhìn nhận đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam như đã từng làm cho quan họ, ca trù, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ... Đây là việc làm khẩn cấp và phải làm ngay từ bây giờ để đánh dấu sự hiện hữu của nhạc cụ này trong nhạc dân tộc Việt Nam. Đồng thời kêu gọi những nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tìm kiếm tài liệu qua thư tịch xưa để xác định nguồn gốc của đàn bầu, sự hiện diện của đàn bầu trong đời sống của cộng đồng người Việt.

Hà Tùng Long