Đầu tư phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải ở Đà Nẵng

(Dân trí) - Trong năm 2018, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sẽ bố trí vốn ngân sách Trung ương 10 tỷ đồng để đầu tư Dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải ở Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã chia sẻ thông tin trên sau khi đoàn Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về làm việc với UBND TP Đà Nẵng hôm 23/9 vừa qua. Qua đợt công tác này, các thành viên trong Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đều nhận định di tích thành Điện Hải ở Đà Nẵng có giá trị đặc biệt cả về mặt lịch sử và kiến trúc.

Di tích Thành Điện Hải - Đà Nẵng
Di tích Thành Điện Hải - Đà Nẵng

Dẫn đầu đoàn công tác của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về làm việc tại Đà Nẵng, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng - đã phát biểu: Nếu chiếu theo Luật Di sản văn hóa năm 2009, nêu tiêu chí “di tích quốc gia đặc biệt là di tích gắn với sự kiện đánh dấu cước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc”, thì thành Điện hải có đủ cơ sở để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Năm 1958, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào hệ thống phòng thủ của nhà Nguyễn ở Đà Nẵng. Họ đã vấp phải ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Các nghĩa sĩ ngoài Bắc và cả nước đã dâng biểu và đưa nghĩa binh của mình vào sát cánh cùng nhân dân Đà Nẵng. Cho nên dù Liên quân Pháp - Tây Ban Nha rất mạnh, quân và dân ta đã cầm cự được hơn một năm rưỡi, đập tan kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân xâm lược. Giá trị của trận đánh gắn liền với di tích thành Điện Hải này ở chỗ đây là thắng lợi của quân ta trong buổi đầu chống thực dân xâm lược.

Các thành viên Hội đồng Di sản quốc gia nhận định di tích Thành Điện Hải có giá trị đặc biệt cả về mặt lịch sử và kiến trúc.
Các thành viên Hội đồng Di sản quốc gia nhận định di tích Thành Điện Hải có giá trị đặc biệt cả về mặt lịch sử và kiến trúc.

Thành Điện Hải còn có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc. Theo Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Thành được xây theo kiểu thành Vauban Châu Âu, giống như các hệ thống thành lũy trên cả nước, đặc biệt sau thời kỳ Gia Long và Minh Mạng, hiện nay còn rất ít. Ngoài cố đô Huế, thì thành Điện Hải có thể nói là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn lại ở miền Trung. Nơi đây có thể trở thành điểm đến lý tưởng ở Đà Nẵng để người dân và du khách đến đây mục sở thị hệ thống thành quách quân sự cổ và tìm hiểu lịch sử địa phương hơn 1 thế kỷ trước.

Đối với Dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”, về phía địa phương, đại diện lãnh đạo thành phố, ông Trần Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độl tạo cơ sở pháp lý để thực hiện Dự án. Trong quá trình thực hiện, sẽ cẩn trọng, cân nhắc lấy ý kiến các nhà nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu là trả lại giá trị, vai trò của thành Điện Hải.

Tâm An