Đắp mặt cho vai diễn

Hóa trang là công việc quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự thành công của nhân vật trên sân khấu. Nó đòi hỏi nghệ sĩ phải sáng tạo và trau chuốt tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất để làm nên dung mạo sống động của nhân vật

Ở Sân khấu Kịch IDECAF, nghệ sĩ Thành Lộc vẫn giữ thói quen là người đến sớm nhất và ra về muộn nhất. Anh đến sớm để có thời gian tự tay hóa trang cho vai diễn của mình và ngồi tĩnh tâm trước khi bước ra sân khấu. Thành Lộc nói anh yêu công việc hóa trang, yêu nhân vật và yêu nghề diễn đến mức không cho phép mình cẩu thả, trễ nải.

Những nét cọ có hồn

Phòng hóa trang của Sân khấu Kịch IDECAF gần 10 năm nay trở nên quen thuộc với nghệ sĩ Thành Lộc nhưng mỗi đêm trước giờ diễn, bước vào đó anh cho biết đều thấy một cảm giác khác lạ. Nhất là khi anh bắt đầu ngồi vào trước gương, nhìn khuôn mặt mình dưới ánh đèn vàng. Cũng gương mặt này, dưới đôi bàn tay tài hoa và những nét cọ sinh động, một lát nữa đây sẽ trở thành gương mặt kẻ khác. Bằng động tác chậm rãi và thuần thục của đôi tay, từng nhân vật trẻ, già, trai, gái… hay các loài vật nhanh chóng hiện lên.

Các nghệ sĩ trẻ thường thích quan sát Thành Lộc ngồi vẽ mặt vì anh rất khéo léo. Hầu như đụng đến nhân vật nào anh cũng vẽ dễ dàng, nhanh chóng. Từ cách vẽ mắt mũi, miệng, chân mày đến tóc tai… từng động tác vô cùng nhuần nhuyễn. Tùy theo nhân vật, có lúc anh vẽ mắt trước, có lúc vẽ miệng trước, có lúc vẽ mũi trước… Các thao tác đều nhanh, gọn, thuần thục. Nhất là trong vở “12 bà mụ”, Thành Lộc có những lúc vẽ mặt trong tích tắc khi chuyển từ nhân vật này sang nhân vật kia, nhân vật kia sang nhân vật khác. “Nhờ những nét cọ và những bộ trang phục, tôi lập tức biến thành một “thực thể” khác. Có lúc là một ông già, lúc là một đứa trẻ, có khi là một cô gái hoặc cậu thanh niên, lắm lúc là mụ phù thủy, nàng tiên hay cáo, khỉ, chồn, cá….” - nghệ sĩ Thành Lộc cho biết.


Diễn viên Thanh Tuấn đang hóa trang cho vai diễn của mình Ảnh: NVCC

Diễn viên Thanh Tuấn đang hóa trang cho vai diễn của mình Ảnh: NVCC

Cũng như Thành Lộc, nghệ sĩ Hữu Châu cũng thường đến sớm trước lúc diễn vài giờ để chăm chút cho gương mặt mình, nhất là với các nhân vật cần hóa trang cầu kỳ như quan, tướng. Hữu Châu rất thích vẽ đôi mắt vì đôi mắt thể hiện rõ nhất tâm trạng của nhân vật. Trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi”, nhân vật Nguyễn Trãi có đôi mắt tinh anh nhưng đầy u uẩn. Nhờ những nét vẽ tinh tế của anh mà đôi mắt nhân vật trở nên biết nói. Theo Hữu Châu, chỉ cần vài nét cọ là khắc họa được tính cách, bản chất và thần sắc của nhân vật. Tất nhiên, công việc này đòi hỏi nghệ sĩ phải có kiến thức, am hiểu và yêu công việc, yêu nhân vật của mình thì mới làm được.

Mỗi đêm, trong căn phòng hóa trang cũ kỹ với tấm kính và ánh đèn vàng hắt lên trên từng gương mặt, nghệ sĩ say sưa vẽ mặt cho chính mình. Hết nét cọ này đến nét cọ khác lần lượt biến họ thành người khác. Nhìn những gương mặt được hóa trang kỹ lưỡng cũng có thể dễ dàng nhận ra nhân vật là trung hay nịnh, là hiền hay ác. Sau khi hóa trang xong, các nghệ sĩ thường mặc trang phục vào, đứng trước gương nhìn lại mình một lần nữa. Nghệ sĩ Thành Lộc có lúc thốt lên: “Tôi không còn nhận ra mình!”.

Cần nghiên cứu, học hỏi và trau chuốt

Chàng Niễng tật nguyền với gương mặt bị cháy sạm một bên trong vở “Sông dài” do Quý Bình hóa thân đã lấy đi nhiều nước mắt khán giả. Quý Bình cho biết để làm được gương mặt bị phỏng rất khó và mất nhiều thời gian. Ban đầu, anh nhờ họa sĩ hóa trang chỉ dạy, sau đó tự làm theo và thường mất 2 giờ trong mỗi đêm diễn để hóa trang vết phỏng.

Nghệ sĩ Mai Trần bảo vai diễn khiến anh hóa trang vất vả nhất là trung úy Phêđo Rốpki trong vở “Đêm họa mi” vì phải ngồi hàng giờ từ khâu kẻ môi, mắt đến làm cho da dẻ toàn thân sạm đi. Riêng với nghệ sĩ Thành Lộc, thường khi đóng các vai giả gái, anh càng phải kỹ lưỡng hơn trong từng nét vẽ.

Tùy theo từng nhân vật mà mức độ hóa trang đơn giản hay cầu kỳ khác nhau. Nhân vật càng khác với hình dáng, gương mặt mình thì hóa trang càng cực và kỹ lưỡng. Diễn viên Thanh Tuấn còn trẻ nhưng thường đóng vai ông già nên mỗi lần hóa trang cũng vất vả không kém. “Ngoài việc nhuộm tóc bạc, vẽ nếp nhăn lên trán, mắt, tôi phải vẽ các hình khối sao cho gương mặt nhìn già đi. Những ngày đầu tập tự hóa trang, mặt người già mà cứ như mặt con mèo” - Thanh Tuấn nói.

Diễn viên Tuyết Thu trong vở “Bàn tay của trời” đóng 2 vai Hồng Nhiên và Chéry cũng chia sẻ: “Vai diễn này không chỉ khó ở diễn xuất vì một người tự ti, bế tắc, mặc cảm và một người tài hoa, quý phái, kiêu hãnh, cái khó còn nằm ở gương mặt biểu cảm nên hóa trang khuôn mặt cũng phải trau chuốt đến từng chi tiết”.

Theo nghệ sĩ Ái Như, với những nhân vật lần đầu tiên hóa thân, công việc hóa trang rất áp lực đối với nghệ sĩ. Họ phải hình dung tạo hình nhân vật ra sao mới có thể xác định hóa trang như thế nào cho phù hợp. Không phải nhân vật nào nghệ sĩ cũng hình dung ra tạo hình nhanh chóng. “Lần đầu tiên ngồi trước gương, tôi rất lo. Phải tính toán kỹ lưỡng trong từng cách vẽ đôi chân mày, đôi mắt, từng nếp nhăn” - Ái Như kể. Nói như nghệ sĩ Mai Trần, đôi khi chỉ cần vẽ sai cái môi, một đôi mắt cũng làm hỏng nhân vật. Ví dụ nhân vật hiền không thể vẽ môi mỏng, mắt xếch… Vì thế, cứ mỗi đêm ngồi trước gương là mỗi lần tự hoàn thiện nét vẽ hơn. Công việc hóa trang đòi hỏi diễn viên cũng phải như một họa sĩ.

 

Yêu nghệ thuật trong ta

Quan điểm của các nghệ sĩ sân khấu là “yêu nghệ thuật ở trong ta chứ đừng yêu bản thân ta trong nghệ thuật”, hóa trang là làm đẹp cho nhân vật chứ không phải làm đẹp cho bản thân. Nói như nhà hóa trang Trịnh Xuân Chính: “Tính cách của mỗi nhân vật được biểu hiện ở nhiều đường nét trên bộ mặt nhưng nghệ thuật cần thể hiện tất cả. Điều quan trọng là phải tìm ra những đặc điểm, những nét tiêu biểu nhất dù chỉ là một chi tiết nhỏ như một nuốt ruồi, một kiểu râu, một vết thẹo... những chi tiết đó phải giống và chân thực mới xem là đạt yêu cầu”. Cái khó của hóa trang là phải biết khắc họa được tính cách, bản chất và thần sắc của nhân vật bằng những nét điển hình và chân thật. Đây là công việc tưởng nhẹ nhàng nhưng cũng lắm vất vả, công phu, đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo và tình yêu của nghệ sĩ. Bắt đầu từ việc hóa trang đúng trước, sau đó mới nói đến chuyện đẹp. Vì cái đẹp còn phụ thuộc vào sự khéo léo, tài hoa, năng khiếu trời cho của từng nghệ sĩ.

 

Theo Hạ Nguyên
Người Lao Động