Đạo diễn người Singapore dựng vở “Tấm Cám” cho trẻ em Việt Nam

(Dân trí) - Sân khấu Lệ Ngọc vừa tổ chức họp báo để giới thiệu về việc khởi công dàn dựng vở Tấm Cám, phóng tác từ truyện cổ tích Tấm Cám nổi tiếng của Việt Nam.

Vở kịch do nhà văn Nguyễn Hiểu làm tác giả kịch bản và Đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore) dàn dựng. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đảm nhận vai trò cố vấn nghệ thuật và truyền thông.

NSND Lệ Ngọc chia sẻ: “Tôi là người Việt Nam nên ngay từ tấm bé đã gắn bó với nhiều câu truyện cổ tích, trong đó có truyện Tấm Cám. Tôi làm Tấm Cám như một cách để nhớ về tuổi thơ của mình. Tôi nghĩ rằng, các cháu là tương lai của đất nước nên tôi muốn hướng tới khán giả trẻ. Nhưng tôi nghĩ, ông bà và bố mẹ của các cháu cũng sẽ rất thích vở kịch này”.

Tam Cam 2.jpeg

Đạo diễn Chua Soo Pong (áo sơ mi xanh, đứng giữa) cùng ê-kíp tham gia vở Tấm Cám. Ảnh: Tùng Long.

Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: NSND Lệ Ngọc, Tạ Tuấn Minh, Kim Oanh… Trong đó, Kim Oanh đóng vai Tấm hiện đang gây chú ý với vai nữ chính trong phim “Những cô gái trong thành phố”. Vở diễn còn có sự tham gia có bé Như Khôi với vai trò người dẫn chuyện – bé cũng chính là nhân vật được lựa chọn làm người tặng hoa Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Việt Nam cách đây không lâu.

Vở Tấm Cám sẽ là những sáng tác về ngôn ngữ sân khấu rất riêng biệt của đạo diễn Chua Soo Pong trên cơ sở đề cao tính nhân văn, đặc biệt là tình cảm mẫu tử “cá chuối đắm đuối vì con”, “nước mắt chảy xuôi”… Vở kịch sẽ không có những cảnh tàn bạo như cốt truyện dân gian vì hướng đến trẻ em. Vở diễn cũng sẽ không có nhân vật Bụt, thay vào đó sẽ luôn là hình ảnh mẹ…

Lí giải về việc vì sao không có hình ảnh ông Bụt – một nhân vật gắn liền với truyện cổ tích Tấm Cám và đại diện cho cái thiện, nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết, do yêu cầu của vở kịch là sẽ đem đi dự thi và công diễn ở nước ngoài nên cần phải tinh gọn đội ngũ diễn viên tham gia.

Trong vở kịch này tôi muốn lấy mẹ của Tấm làm vai trò của Bụt. Vì tôi muốn nhấn đến ý tình yêu của người mẹ luôn mang đến cho con cái những điều kỳ diệu nhất. Điều này về mặt kỹ thuật thì sẽ tiết kiệm được một diễn viên nhưng quan trọng hơn là đã đề cao được vai trò của người mẹ”, nhà văn Nguyễn Hiếu nói thêm.

Ngoài ra, vở kịch cũng sẽ không có cảnh “làm mắm” từng bị cho là “ghê rợn” đối với cách nhìn của con người thời đại hiện nay.

Hà Tùng Long