Đạo diễn Lương Đình Dũng: Phía sau “kẻ lãng tử liều lĩnh”

Trong buổi gặp gỡ báo chí của đoàn làm phim “Cha cõng con – Father and son” trước ngày bấm máy, đạo diễn Lương Đình Dũng nói rằng với bộ phim này anh đang “để gió cuốn đi”.

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Trong buổi gặp gỡ báo chí của đoàn làm phim “Cha cõng con – Father and son” trước ngày bấm máy, đạo diễn Lương Đình Dũng nói rằng với bộ phim này anh đang “để gió cuốn đi”. Đó không phải là một câu nói đùa nếu ta biết những gian nan mà đoàn làm phim của anh đã trải qua và đang sắp phải đối mặt. Lương Đình Dũng đang “để gió cuốn đi”với tấm lòng yêu mến con trẻ, cùng sự "liều lĩnh" hiếm có của vị đạo diễn vốn nặng tình với trẻ thơ này.

“Cha cõng con” không phải là một bộ phim thiếu nhi, sức nặng của tình cảm, của những triết lý sống giản dị trong phim còn dành cho cả những người lớn.. Nhưng Lương Đình Dũng vẫn thường gọi việc anh làm phim “Cha cõng con” là cách “trả nợ” những ánh mắt trẻ thơ đau đáu, những nụ cười trong trẻo, những ước mơ hồn nhiên mà anh đã gặp, đã nhớ, đã yêu thương cũng như mắc nợ trong cuộc đời mình.. Qua cậu bé Cá, nhân vật trong “Cha cõng con”, với ước mơ tưởng như nhỏ bé và lạ lùng đâm chồi bên dòng sông sâu mênh mông thanh khiết, Lương Đình Dũng sẽ khiến người xem hiểu rằng mọi mơ ước của trẻ con đều đẹp đẽ, đều đáng được nâng niu, đều xứng đáng để trở thành hiện thực. Chẳng phải phim thiếu nhi nhưng lại thấm đẫm tình thương yêu con trẻ, chưa cần đợi đến khi “Cha cõng con” hoàn thành, ai được xem trước kịch bản cũng sẽ nhận thấy ngay điều rung động ấy.

“Để gió cuốn đi", Lương Đình Dũng làm người ta… phát bực bởi sự cầu toàn. Vì một vài cảnh phim như ý, anh đưa cả ekip cùng thiết bị lên tận đỉnh một ngọn đồi hiểm trở cao hơn trăm mét. Thậm chí lo xuồng nhỏ không đủ độ an toàn và kịp thời để đưa ê kíp vượt dòng sông Gâm tới bối cảnh chính, anh yêu cầu đóng hẳn hai chiếc thuyền lớn để đi lại chỉ trong vài tuần quay phim. Từ Hà Giang xuôi về Hà Nội, Lương Đình Dũng lại nhất quyết… bay vào Sài Gòn chỉ để quay duy nhất một cảnh sau khi “thám hiểm” mỏi chân các tòa cao ốc ở Hà Nội chẳng nơi nào ưng ý.

Người không hiểu chuyện thấy anh ngông, người biết rồi thì phục anh ở sự “liều”, dù có chủ ý. Nhưng đó mới chỉ là những cái “liều” nhìn thấy được. Còn có những gian nan không lời mà khi vượt qua mới thấy cái tình Lương Đình Dũng đặt vào “Cha cõng con” là quá nặng.

Có đợt, người ta thấy anh đắm đuối với một số kịch bản phim mà theo anh là rất “điên”. Chúng “điên” thật, điên ở chỗ quá khác lạ, quá ám ảnh, quá thu hút. Nghe cái tên đã thấy dáng dấp của sự ăn khách và chẳng giống ai: “Một ngày có ba đêm”, “Thành phố ngủ gật”, “Ba mùa mưa, một tiếng sét”… Sự ăn khách ở đây không phải nói chơi, vì ngay từ khi kịch bản còn trên giấy đã có nhà đầu tư muốn tham gia. Họ thậm chí đề nghị đầu tư độc quyền toàn bộ kinh phí làm phim, và muốn bấm máy ngay. Tưởng như một cái gật đầu là ngã ngũ, nhưng Lương Đình Dũng… từ chối vì “Cha cõng con” – dự án ấp ủ suốt mấy năm gặp hết khó khăn này đến khó khăn nọ, kinh phí hạn hẹp, bối cảnh bị ngập nước do mưa lũ thất thường, thành phần đoàn không chịu được vất vả…, nhưng lại là bộ phim anh chưa bao giờ từ bỏ. Vì đó là món nợ tự rằng buộc vào mình khi anh nhìn thấy một người con đánh cha đến gục ngã rồi hằng ngày đọc tin thấy con giết cha, mẹ rồi cha mẹ hành hạ con cái. Điều đó thôi thúc anh làm “Cha cõng con” - một bộ phim sâu sắc về tình cảm gia đình mà nếu không thực hiện được anh sẽ không thể thoát nổi ra cho những dự án khác. Lương Đình Dũng cũng may mắn không “cô độc” trong hành trình của mình. “Cha cõng con” cũng gặp được những nhà đầu tư có tâm, nghĩ nhiều đến việc làm một điều gì có ý nghĩa cho con trẻ hơn là lợi nhuận và cơ hội thu được sau mỗi bộ phim. Có nhà đầu tư thậm chí đã trở thành bạn anh từ mối đồng cảm đó.

Chuẩn bị suốt mấy năm, nhưng gần đến ngày bấm máy “Cha cõng con”, Lương Đình Dũng vẫn cho rằng mình đang “để gió cuốn đi”. Phải chăng với những điều tâm huyết, thường thì sự chuẩn bị sẽ chẳng bao giờ thấy đủ.

Thanh lọc nhiều lần, Lương Đình Dũng đùa rằng anh đang có cho “Cha cõng con” một đội quân “thiện chiến”. Quả thực là thiện chiến và tâm huyết lắm mới dám xông pha giữa mùa mưa lũ, trèo đèo lội suối đúng nghĩa vào những ngày có thể sẽ là nóng nhất, mưa bão lớn nhất của miền Bắc… Lương Đình Dũng từng mong muốn bộ phim sẽ được quay kéo dài trong 4-5 tháng để thấy sự thay đổi của các mùa, sự biến đổi màu sắc của không gian. Nhưng vì kinh phí hạn hẹp, anh phải lựa chọn bấm máy trong khoảng thời gian khí hậu khắc nghiệt của tháng 7, tháng 8 này để có đủ mùa mưa, lũ, nước đầy, nước vơi trong phim.Có người đã bỏ cuộc, nhưng ê kíp “Cha cõng con” vẫn miệt mài chạy đua với thời gian và những khó khăn còn tiếp diễn. Nói theo cách của Lương Đình Dũng, đó là một cuộc chơi “ hết mình”.

“Cha cõng con” sẽ hay hay dở, có lẽ đợi đến khi phim hoàn thành có thể có một cái nhìn khách quan. Nhưng chỉ riêng với sự tận tâm không chỉ nói suông mà thể hiện bằng sự chăm chút tỉ mỉ, cầu toàn từng góc máy, cảnh quay của vị đạo diễn “lãng tử liều lĩnh” Lương Đình Dũng, đã khiến “Cha cõng con” đáng để chúng ta chờ đợi.

Đạo diễn Lương Đình Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ nghệ thuật điện ảnh

Từng đoạt giải “Phim xuất sắc” Liên hoan phim Quốc tế Tokyo

Được Hội điện ảnh tặng nhiều bằng khen phim “Hạnh phúc đỏ” “Chuyện Ông Mờ”

Là đạo diễn phim “Xẩm Đỏ” – Tư liệu quý về nghệ nhân Hà Thị Cầu

Đã xuất bản tiểu thuyết “Những cô gái vô chủ” và Tập truyện - thơ “Con hãy đi về phía mặt trời”

Tác giả của nhiều kịch bản phim truyền hình.








Phương Anh