Danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm: “Người có cuộc đời mỹ thuật không giống ai”

(Dân trí) - Trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm được xếp vào hàng “tứ trụ” bên cạnh tên tuổi của các danh hoạ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái. Cũng có nhiều người gọi “bộ tứ” danh hoạ này là “tứ linh” bởi các tác phẩm hội hoạ của họ đã đạt đến đỉnh cao của những giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu hội họa "trời ban"

Trong bộ tứ này, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là người cuộc đời mỹ thuật không giống ai. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922 trong một gia đình có truyền thống Nho học của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Theo họa sĩ Đặng Tiến, thân sinh của danh họa là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái, làm quan rồi từ nhiệm về quê khai hoang, lập nên ấp Lạc Lâm và được dân làng tôn làm thành hoàng. Mẹ Trần thị Luật, là người chữ nghĩa, đã khuyến khích con trai nặn tượng đất thó, từ tấm bé, khởi điểm cho con đường nghệ thuật của danh họa về sau. Gia đình của danh họa có tất cả 7 anh chị em, đều thành đạt.

Vợ chồng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Thu Giang tại nhà riêng năm 2013. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Vợ chồng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Thu Giang tại nhà riêng năm 2013. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, từ nhỏ danh họa đã ham học và rất thích vẽ. Khi học xong bậc tiểu học ở Vinh, ông đã theo người anh trai ra Hà Nội tìm đến họa sĩ Lê Phổ, người tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930) để học vẽ. Ông đã học vẽ say sưa và sớm bộc lộ những năng khiếu hội họa “trời ban”. Năm 19 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (1941 - 1946), học cùng với ông có các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình…

Tháng 6/1945, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm rời trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trở về quê tham gia Việt Minh, và làm Uỷ viên Uỷ ban Hành chính Kháng chiến huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho đến cuối năm 1946.

Có một giai thoại rất vui đó là thời đi học danh họa rất thân thiết với Bùi xuân Phái. Khóa học của các danh họa tốt nghiệp cuối năm 1946 nhưng vì cuộc Toàn quốc kháng chiến nên không kịp nhận kết quả. Do đó có tư liệu nói danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tốt nghiệp 1952, trường Mỹ Thuật kháng chiến.

Tác phẩm đầu tay của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là bức sơn dầu “Người gác Văn Miếu”, ông vẽ năm 1944 và chỉ có một mảng màu. Thời đó, tác phẩm này được đánh giá rất cao, là tranh hiện đại và được giải nhất cuộc Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) thời đó. Đồng thời ông còn hai bức “Cổng làng Mía” và “Cánh đồng quê” cũng rất nổi tiếng.

Cũng theo họa sĩ Đặng Tiến, thời kỳ đầu Cách Mạng tháng 8, danh họa về quê, tham gia cướp chính quyền, rồi tham dự chính quyền ở huyện. Trước đây, từng có tài liệu nói danh họa làm chủ tịch UBND huyện Nam Đàn nhưng thực ra là ông bị nhầm với một người tên Hoàng Nghiêm.

Năm 1947, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lên chiến khu Việt Bắc, công tác tại Đoàn Văn hóa kháng chiến, làm họa sĩ Báo Toàn dân kháng chiến, Báo Sông Lô, vẽ nhiều tranh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách.... Năm 1948, ông công tác ở cơ quan Hội Văn nghệ tại xã Xuân Áng, Phú Thọ. Tại đây ông điều khiển xưởng vẽ Xuân Áng, bắt đầu vẽ sơn mài rồi chuyên về kỹ thuật này. Tại Triển lãm Hội họa năm 1948, chào mừng Đại hội Văn nghệ Việt Nam tại Đào Giã - Phú Thọ, tác phẩm khắc gỗ màu “Dân quân Phù Lưu” đã được tặng giải Nhất.

Năm 1951, khi trường Mỹ thuật kháng chiến được thành lập do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm cùng một số sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chưa hoàn thành khóa học đã được mời về trường làm bài tốt nghiệp.

Một tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Trần Khánh Chương.
Một tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Trần Khánh Chương.

Vào thời gian đó, ông cũng làm giảng viên của nhà trường. Đến năm 1952, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được phân công phụ trách Xưởng họa của Hội Văn Nghệ Việt Nam. Tại đây, ông đã cùng với một số họa sĩ thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, đặc biệt ông đã đưa được màu màu lạnh, xanh lam, xanh lá cây vào tranh sơn mài tạo nên một thay đổi quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam... Danh họa từng kể rằng, ông không tài giỏi gì mà chỉ dùng màu lam phổ (bleu de Prusse) phủ lên vàng thếp, thành màu xanh lục, theo yêu cầu vẽ tranh bộ đội vào thời điểm ấy.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội và công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông được cấp một phòng ở tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác như họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Mai Văn Hiến, Trần Đông Lương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Căn nhà này được mệnh danh là Nhà nghệ sĩ.

Hơn nửa thế kỷ sống độc thân tại gác 3 khu “Nhà nghệ sĩ” này, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã gây xúc động cho nhiều người khi hàng ngày lọ mọ xách nước, chợ búa, bếp núc trong không gian chật chội nhưng vẫn luôn đắm mình trong hội hoạ

Cuối 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho cấp thêm nửa căn hộ tầng trệt nhà A1 khu tập thể Trung Tự (vốn là căn hộ của nhạc sĩ Trần Hoàn từng ở) để danh họa có không gian vẽ. Năm 2003, cộng tiền bán hai căn nhà nhỏ ở Nguyễn Thái Học và Trung Tự, vợ chồng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm mua nhà ở số 8 Phan Bội Châu để có không gian rộng hơn trong sinh hoạt và vẽ.

“Chất dân tộc và tầm thế giới”

Từ năm 1954, danh họa tiếp tục sáng tác đủ thể loại: phấn tiên, màu nước, sơn dầu, sơn mài. Năm 1957, ông sáng tác bức sơn mài “Con Nghé quả thực” theo đường lối, đề cao việc phân chia tài sản sau cuộc cải cách ruộng đất, được dư luận đề cao và được giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc. Tác phẩm này sau đó được lưu trữ tại viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Về sau, ông vẽ lại nhiều lần đề tài “Con Nghé” và gây tiếng vang lớn trong giới hội họa đương thời.

Tranh vẽ 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: TKC.
Tranh vẽ 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: TKC.

Theo họa sĩ Đặng Tiến, danh họa từng trải qua một thời gian khó khăn và ông phải mưu sinh bằng cách vẽ tranh thương mại với các đề tài: Gióng, Kiều, Múa Cổ… và tùy đơn đặt hàng. Đặc biệt là tranh “con giống” theo mười hai con giáp trong âm lịch. Từ cuộc triển lãm “Năm Rồng” (1988), tranh “con giống” mới được sắp xếp thành hệ thống “lục thập hoa giáp” theo quan niệm Âm Dương Ngũ Hành.

Giới phê bình nghệ thuật thời bấy giờ từng nhìn nhận, tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, địa phương, tạo nên bản sắc riêng. Đường nét, màu sắc, nhịp điệu, không khí luôn luôn được phong cách hóa, dựa theo họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn đồ gốm Lý Trần, tranh tượng dân gian, kiến trúc đình chùa, nhịp điệu chèo tuồng, múa hát truyền thống. Kỹ thuật tạo hình, cho dù hiện đại và cách điệu, vẫn gợi lên được khí hậu tín ngưỡng dân tộc - và các nền văn hóa lân cận Đông nam Á.

Một trong những bức tranh vẽ về chủ đề Kiều của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: TKC.
Một trong những bức tranh vẽ về chủ đề "Kiều" của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: TKC.

“Những yếu tố tâm linh trong tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có khuynh hướng thần bí, rung cảm như bị cuốn hút vào cõi u linh. Do đó nhìn toàn bộ, nghệ thuật ông hướng theo thi pháp huyền nhiệm poétique mystique. Và từng tác phẩm một thỉnh thoảng truyền đạt một cảm xúc thần bí. Người không nắm bắt được xúc cảm này, cho rằng ông cầu kỳ hay lập dị nhưng ta có thể hiểu chất dân tộc trong nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm không phải là một dụng tâm bảo vệ truyền thống, trong ý chí bảo thủ, mà là một nhu cầu siêu linh, từ tiềm thức chuyển lên ý thức và thể hiện, hóa thân, thành nghệ thuật. Chất dân tộc không phải là hoài niệm, mà là khai phóng và dự phóng, là siêu hình hiển linh thành hình khối, một “truyền kỳ họa lục”. Có vậy mới hóa giải được mâu thuẫn trong tranh ông: chất cổ truyền trong nét hiện đại, chất dân tộc và tầm thế giới”, họa sĩ Đặng Tiến nói.

Tranh ông mang tính cách bản địa nhưng không phải là “sắc màu viễn xứ” (exotisme), ngược lại khá gần trường phái Siêu thực Âu Châu và tác phẩm lừng danh của Chagall, Miro... Thậm chí một số tranh Picasso mà ông hằng ưa thích. Tranh “lục thập hoa giáp” của Nguyễn Tư Nghiêm không giống tranh Tết hiện hành mà lại gần với những “thú vật đồ” (bestiaire) trong truyền thống phương Tây, mà các họa sĩ hiện đại trên thế giới thường vẽ lại. Sự trùng hợp là do niềm đồng cảm thẩm mỹ chung cho một thời đại chứ không phải là sao chép lẫn nhau.

Hà Tùng Long