Danh ca Khánh Ly: "Hãy xem tôi là cua đồng, khoai sọ, rau rút..."

(Dân trí) - Trong dịp trở về nước để biểu diễn cho liveshow “Cúi xuống thật gần”, danh ca Khánh Ly đã có một buổi trà đàm cùng các văn nghệ sỹ và khán giả Hà Nội yêu mến giọng hát của bà vào chiều 3/1. Trong buổi này bà xin mọi người hãy xem bà bình thường như cua đồng, khoai sọ, rau rút...

Buổi gặp gỡ diễn ra trong sự ấm áp, thân tình và xúc động bởi có rất nhiều gương mặt nổi tiếng trong làng nghệ và cả chính khách Hà Nội đã đến tham gia như: nhà văn Chu Lai, nhà thơ Đào Ngọc Anh, họa sỹ Văn Dương Thành, nhà thơ - nhà báo Thụy Kha, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình...

Nhìn thấy các văn nghệ sỹ, chính khách và khán giả đến rất đông, lại dành cho bà nhiều tình cảm, danh ca Khánh Ly rất xúc động. Bà luôn miệng thốt lên: “Tôi không ngờ tôi lại được quý vị yêu mến nhiều quá vậy. Tình yêu này rất đáng quý nhưng đôi khi lại thành áp lực lớn cho tôi. Và tôi thấy mình là người quá may mắn...”. Đôi khi bà lại hóm hỉnh: “Tôi cám ơn ông Trịnh Công Sơn, bởi quý vị yêu mến ông Trịnh Công Sơn nên yêu luôn cái người bên cạnh ông là tôi. Nếu không có ông Trịnh Công Sơn chắc chắn sẽ không có tôi nhưng không có tôi thì lại có nhiều người khác bên ông ấy...”.

Danh ca Khánh Ly trong buổi trà đàm chiều 3/1. Ảnh: Thuận Kiều.
Danh ca Khánh Ly trong buổi trà đàm chiều 3/1. Ảnh: Thuận Kiều.

Trước khi bắt đầu câu chuyện, danh ca Khánh Ly nói nhiều đến cái tên “Cúi xuống thật gần”. Danh ca Khánh Ly chia sẻ: “Có người hỏi tại sao lại là “Cúi xuống thật gần”? Lấy lấy chủ đề đó có phải là mình cao quá không? Tôi không nghĩ là mình cao đâu. Trong cuộc sống tôi toàn nhìn xuống để bằng lòng với những gì mình có, nhìn xuống để thấy những cái mình có nó hơi quá so với tài sức của mình, nó nhiều quá. Mà nhìn xuống còn khó sống, huống hồ là nhìn lên”.

Khánh Ly cũng cho rằng, cúi xuống để thấy gần hơn những phận đời bất hạnh, để nắm chặt tay nhau, để nhớ tới nhau, lắng nghe chuyện riêng của mình, chuyện của quê hương, để tìm sự đồng cảm, tìm sự ấm áp, tìm sự sẻ chia. Đây cũng là ước nguyện trước khi nhắm mắt của ông Nguyễn Hoàng Đoan - người bạn đời quá cố của danh ca Khánh Ly và đặc biệt là tâm nguyện cháy bỏng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với “sống cần có một tấm lòng dù để gió cuốn đi”. Đây là lý do, một phần tiền bán vé của chương trình sẽ dành để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Với danh ca Khánh Ly đó không phải là để tích phước hay để lưu lại một cái gì mà đơn giản chỉ là sự chia sẻ những điều may mắn mà bà có được cho những mảnh đời kém may mắn hơn.

Danh ca Khánh Ly thì thầm với nhà văn Chu Lai trên sân khấu. Ảnh: Thuận Kiều.
Danh ca Khánh Ly thì thầm với nhà văn Chu Lai trên sân khấu. Ảnh: Thuận Kiều.

Cũng trong buổi trà đàm, khi được nhiều người gọi là “huyền thoại âm nhạc”, “tượng đài âm nhạc”… Khánh Ly tỏ ra rất bối rối. Bà bày tỏ ý kiến rằng hãy coi bà như một người thân trong gia đình và cũng xin đừng nghĩ bà là ca sỹ nổi tiếng nữa.“Đừng gọi tôi là tượng đài, danh ca, tài không xứng, đức cũng không xứng, nên tôi không dám nhận điều gì cả”, nữ ca sỹ nói.

“Tôi là người rất bình dân, ngồi ở vỉa hè ăn cũng ăn ngon, cần chỗ ngủ cũng chỉ cần một góc nhỏ cho nên đời sống của một diva, tượng đài, danh ca riêng tư không có. Đó là lý do vì sao tôi không thích làm những người như thế. Tôi thích là tôi, đơn giản thôi, tối nay ăn canh khoai sọ nấu với rau rút và canh cua đồng. Xin hãy coi tôi là cua đồng, hay củ khoai sọ, rau rút vậy thôi”, Khánh Ly nói thêm. Nói rồi bà ôm lấy nhà văn Chu Lai thì thầm điều gì đó không ai nghe rõ.

Nhà thơ Ngọc Anh tặng danh ca Khánh Ly bài thơ ông viết về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Thuận Kiều.
Nhà thơ Ngọc Anh tặng danh ca Khánh Ly bài thơ ông viết về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Thuận Kiều.

Trước đó, khi phóng viên Dân trí hỏi bà rằng “Có khi nào Trịnh Công Sơn yêu Khánh Ly mà ông không nói ra?”, bà đã khéo léo “khất” câu trả lời để trả lời trên sân khấu. Và ngay trên sân khấu, bà chia sẻ: “Có phóng viên hỏi tôi “Trịnh Công Sơn có yêu Khánh Ly không?” - Tôi trả lời rằng tôi không biết, yêu thì phải nói chứ. Tôi có phải thần thánh đâu mà biết được ông ấy yêu tôi không vì ông chưa bao giờ nói. Còn có khi nào ông ấy yêu mà không nói ra không, tôi mong là như vậy. Tại vì ông Trịnh Công Sơn là người khó tính, ông ấy yêu những cái đẹp, những gì hoàn mỹ, mà nếu ông ấy yêu tôi thì có nghĩa là tôi đẹp. Xưa nay chưa bao giờ có ai nói là tôi đẹp, từ cha mẹ, cho đến chồng, con. Tôi chỉ là người rắc rối. Tôi không làm được điều gì lớn cả. Chỉ một điều duy nhất tôi làm được trên 50 năm nay đó là hát.

Nhưng đến tuổi này thì nhiều khi hay quên lời. Quên đó là tại cái tuổi chứ không phải tại mình dở. Đến một tuổi nào đấy cái gì mình cũng chậm, cũng sai sót, mình không còn đủ khả năng để sắp xếp mọi chuyện như người trẻ. Ca sĩ trẻ bây giờ giỏi lắm, họ sáng tạo, thông minh, dám làm. Đó là lý do tôi yêu quý người trẻ, họ mới chính là những người cho tương lai. Thời của tôi qua lâu rồi, mình được xếp vào loại đồ cổ, mọi người chỉ nên đứng từ xa ngó, lại gần sẽ nhìn thấy những vết nhăn, dù những vết nhăn ấy là đáng quý, nhưng mà nó cổ, đã xưa rồi”.

Hoạ sỹ Văn Dương Thành tặng danh ca Khánh Ly bức tranh bà vẽ về cố nhạc sỹ họ Trịnh. Ảnh: Thuận Kiều.
Hoạ sỹ Văn Dương Thành tặng danh ca Khánh Ly bức tranh bà vẽ về cố nhạc sỹ họ Trịnh. Ảnh: Thuận Kiều.

Xen kẽ trong những phần giao lưu của danh ca Khánh Ly là những lời chia sẻ rất đỗi thân tình của các văn nghệ sỹ Hà Nội. Nhà văn Chu Lai chia sẻ rằng: “Hôm nay chị trở về đây, trong gió đông se lạnh nên tôi chỉ muốn nói lời yêu thương. Bởi khi nói lời yêu thương, trái tim đàn bà mở ra mênh mông. Tôi đã đọc cuốn hồi ký của chị và vỡ ra một điều rằng, hóa ra một ca sỹ nhưng lại có một tài bút rất giỏi, đọc như một cây viết chuyên nghiệp. Tôi thật sự giật mình. Một ca sỹ có một tài năng văn sỹ, đấy là một hồng phúc. Còn tôi là một văn sỹ nhưng có trái tim ca sỹ, đó là khốn nạn”.

Đỡ lời nhà văn Chu Lai, ca sỹ Khánh Ly nói: “Tôi là người rất thích đọc sách. Lúc còn sống chồng tôi nói, nếu ở Cali có động đất thì gạch đá không làm gì được tôi, chỉ có sách mới đè tôi được. Xung quanh phòng ngủ của vợ chồng tôi, chẳng có gì trưng bày ngoài sách. Tôi đọc gần như tất cả sách in ở Việt Nam. Một trong người tôi thích là ông Chu Lai. Một người nữa tôi cũng rất thích và rất mong được gặp là nhà văn Hồ Anh Thái, viết rất dễ thương. Chuyến trở về lần này, tôi muốn gặp một số nhà văn nhà thơ mà tôi yêu mến, trước khi quá trễ. Tôi không biết viết. Tôi là người không có bằng cấp, tiểu học tôi cũng không có bằng. Cho nên thấy cái gì thì ghi lại. Tôi được khen, tôi rất xấu hổ. Tôi chỉ là người may mắn thôi”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình trò chuyện với nữ hoàng nhạc Trịnh. Ảnh: TL.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình trò chuyện với "nữ hoàng nhạc Trịnh". Ảnh: TL.

 

Ngoài ra, nhà thơ Ngọc Anh cũng rất xúc động khi ôm lấy Khánh Ly trên sân khấu. Ông kể rằng, ông có một tập thơ 20 bài in vào đúng tháng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mất. Từng có lần, ông vào một khu rừng ở nước Anh, để một điện thoại lên cây và đọc một trong 20 bài thơ đó cho cây rừng nước Anh nghe rồi quay lại clip. Và hôm nay, khi gặp lại danh ca Khánh Ly, ông muốn đọc lại bài thơ này cho “người đúng nhất cần được nghe”.

Nữ họa sỹ Văn Dương Thành cũng mang đến tặng danh ca bức tranh họa sỹ Trịnh Công Sơn đang hút thuốc. Bức tranh này bà vẽ nhân dịp cùng gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn dự buổi gắn tên đường của ông ở Hà Nội. Nữ nhạc sỹ này cũng không quên gửi lời cám ơn danh ca Khánh Ly bởi nhờ có giọng hát của bà mà bà đã có cảm hứng vẽ được 200 bức tranh.

Nhà thơ - nhà báo Thụy Kha khi vừa bước lên sân khấu đã bắt tay danh ca Khánh Ly và nói rằng: “Tôi chờ đợi hơn 40 năm để có được cái bắt tay này. Ngày xưa chị hát ở bên kia, tôi hát ở bên này. Tôi đã từng nghe tiếng hát của chị và chờ đợi cái bắt tay ngày hôm nay”.

Buổi trà đàm kéo dài đến khi Hà Nội đã lên đèn. Những câu chuyện về cuộc đời, về tình người, về nhạc Trịnh… như kéo dài bất tận khi khán giả không ai muốn về. Tuy nhiên, Khánh Ly đã hẹn gặp lại mọi người trong đêm nhạc “Cúi xuống thật gần” sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10/1/2016 để nghe bà hát nhiều hơn những tình khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc về thân phận, kiếp người của nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng… để qua đó hiểu hơn về những gì bà nghĩ suy và muốn nói.

Hà Tùng Long