Đặng Thiều Quang đánh dấu sự trở lại với tiểu thuyết “Săn cá thần”

(Dân trí) - Sau một khoảng thời gian dài sống “ẩn dật”, Đặng Thiều Quang đã quay trở lại diễn đàn văn chương bằng cuốn tiểu thuyết "Săn cá thần". "Săn cá thần" là một cuốn tiểu thuyết vô cùng thú vị với nhiều tình tiết ly kỳ và ý nghĩa.

Đặng Thiều Quang sinh năm 1974 tại Lào Cai. Học Đại học Kiến trúc Hà Nội nhưng Đặng Thiều Quang lại mê viết văn và từ thuở sinh viên đã là một cây bút nổi tiếng. Đến nay, Đặng Thiều Quang đã xuất bản được nhiều cuốn tiểu thuyết: Hoen gỉ (1996), Chờ tuyết rơi (2007), Đảo cát trắng (2008), Bóng giai nhân (2009), cùng các tập truyện Tôi và D’Artagnan (2007), Phải lòng (2009). Với anh, công việc của một nhà văn là kể lại những giấc mơ trước khi nó bị lãng quên.

Ngày 13/11, anh tổ chức họp báo chính thức giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình mang tên Săn cá thần đến với độc giả. Kịch tính, hoang đường, phiêu lưu và đượm chất kinh dị, Săn cá thần là kiểu tiểu thuyết mà khi cầm lên người ta phải đọc cho kỳ hết. Câu chuyện ly kỳ này kể về hai gã đàn ông trẻ dấn thân vào cuộc săn cá thần trên con sông Thiêng miền Tây Bắc. Một kẻ thành công, mạnh mẽ, tự tin, một người thất bại, nhút nhát, yếu đuối, một kẻ quyết săn cá thần để chứng tỏ tài năng và sức mạnh, một kẻ a dua cuộc săn “cho có chuyện” để giết thì giờ. Nhưng cả hai người đều bị cuốn vào cuộc săn mà càng về sau càng trở nên kỳ quái không thể nào thoát ra được. Và cuối cùng, cuộc đời họ rẽ sang những ngả mới mà không ai ngờ tới.
 
Bìa cuốn Săn cá thần

Bìa cuốn "Săn cá thần"
Đặng Thiều Quang trình diễn cuộc Săn cá thần bằng lối viết hiện thực huyền ảo. Anh khoác lên cuốn tiểu thuyết tấm màn huyền ảo với con cá thần nơi khúc sông hoang vu, những giấc mơ báo ứng, lão thầy cúng bị cắn cụt tay, rồi con cá khổng lồ đội nước phi lên bờ trước nỗi sững sờ của tất cả đám người trần tục…Những câu chuyện hoang đường này được Đặng Thiều Quang kể một cách chi li, tường tận, thản nhiên, xen kẽ những mảng miếng hiện thực chẳng xa lạ với chúng ta, khiến toàn bộ bức tranh hiện lên như thật và đầy sức cuốn hút. Nhưng trong khi người ta còn bán tín bán nghi với chuyện cá thần thì ngược lại, người ta lại tin chắc vào cái cốt lõi hiện thực mà tiểu thuyết thể hiện. Cuộc đi săn trưng ra một hiện thực cuộc sống trần trụi với tiền và dục vọng, với những con người hiện đại đầy tự tin, không sợ bất cứ điều gì, và muốn chiếm giữ những thứ “đỉnh” nhất. Con cá thần như biểu tượng về niềm tin, về một giá trị thiêng liêng, và sự mất niềm tin khiến con người ô trọc và tàn độc. Nhưng may thay giá trị không phải là thứ mà cứ có ý chí hay công nghệ hiện đại là giành được. Đám người đi săn đã giáp mặt cá thần, nhưng chỉ để nhận về một nỗi khinh bỉ khôn cùng.
 
Hình ảnh tại buổi giao lưu với tác giả Đặng Thiều Quang

Hình ảnh tại buổi giao lưu với tác giả Đặng Thiều Quang

Ngõ hầu mỗi chúng ta, trong cuộc sống, chẳng phải đều đang đi săn một con cá thần của riêng ta, biến cuộc sống của ta thành một cuộc đuổi bắt ham hố nhọc nhằn, mà kết quả chỉ là nỗi nhục nhã bẽ bàng không thể gỡ gạc?

Đọc tiểu thuyết của Đặng Thiều Quang người ta thấy nhiều nét lãng mạn, thơ mộng, nhưng cũng đầy lọc lõi, trải đời, suy tư và đôi lúc có phần cay nghiệt. Chẳng vậy mà sau khi đọc cuốn tiểu thuyết này nhà văn, nhà thơ Lê Anh Hoài đã đặt bút nhận xét: “Trong văn Đặng Thiều Quang ẩn chứa đau đớn, mất mát. Đôi chỗ siêu hình và cường điệu, nhưng đẹp!”. Chính tác giả cũng có chia sẻ một vài điều về cuốn tiểu thuyết của mình: “Đây là một cuốn sách viết về sự siêu thực, ngay tên cuốn tiểu thuyết chúng ta có thể thấy, con cá thần không hề có thực, nhưng cuốn sách được viết ra bằng ngôn ngữ đời thường với những chi tiết, tình tiết sống động. Viết về một điều siêu thực mà sử dụng đến những chi tiết như vậy thì sẽ cân bằng…”

Cuốn tiểu thuyết siêu thực mà lại rất hiện thực, tác giả mang đến cảm giác mới mẻ cho bạn đọc. Một khi đã cầm cuốn sách lên chúng ta sẽ bị “cuốn theo”, khó mà có thể dừng lại được.

Bài và ảnh: Trúc Diệp