Đằng sau những “ca ngộ độc” sách ngôn tình

Những cuốn sách ngôn tình (chủ yếu được dịch từ các tác phẩm Trung Quốc) đang được nhiều thanh, thiếu niên “săn lùng”. Rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại này chứa đựng nội dung nhạy cảm, nguy hại đến tuổi trẻ và những cảm nhận về con người, cuộc sống.

Sách ngôn tình đang được bày bán tràn lan. Ảnh: TL

Sách ngôn tình đang được bày bán tràn lan. Ảnh: TL

Giới trẻ “nghiện” ngôn tình

Qua khảo sát từ các nhà sách và học sinh THCS, THPT tại Hà Nội, bên cạnh truyện ngôn tình có nội dung nhẹ nhàng, nhân văn như của Cố Mạn, Tào Đình… thì phần lớn giới trẻ đang “nghiện” đọc truyện ngôn tình trộn lẫn nội dung được gắn mác 18+, trong đó có nhiều tình tiết được vẽ ra quá xa rời thực tế và tâm lý của con người.

Ngôn tình được chia làm nhiều thể loại, hình thức, có khoảng từ 30 đến 50 nhãn phân loại. Ví dụ: Đam mỹ nói về tình yêu đồng giới của những người đàn ông có ngoại hình đẹp; Hủ nữ nói về những cô gái thích đọc truyện, xem phim; Sư đồ luyến là chuyện tình cảm luyến ái của thầy giáo... Đa số các truyện ngôn tình đều miêu tả tỉ mỉ mối quan hệ nam nữ, với yếu tố sex được sử dụng như một thứ gia vị không thể thiếu. Ngoài ra, dù đã được dịch ra tiếng Việt nhưng ngôn ngữ Hán văn chiếm dung lượng quá lớn nên nhiều cụm từ trong sách ngôn tình đã nghiễm nhiên bước vào đời sống của độc giả tuổi teen.

Đã có nhiều so sánh việc giới trẻ say mê ngôn tình hiện nay cũng tương tự như thế hệ trước say mê tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Dao. Tuy nhiên, có một khác biệt lớn không thể bỏ qua, đó là sự trà trộn của ngôn ngữ rẻ tiền, câu khách và sự xâm lấn của ngôn tình từ Internet. Gõ cụm từ “truyện ngôn tình” trên phần tìm kiếm của Google, chỉ 0, 26 giây sẽ nhận được khoảng 10 triệu kết quả là các website, blog cá nhân chuyên dịch và đăng tải thể loại truyện này. Phần lớn các tác phẩm đều được dán mác 16+, 18+ với lượng người xem và download cực lớn. Nhiều độc giả còn lập hẳn hội “chơi” ngôn tình với những “slogan” kiểu như “Nơi những tâm hồn biến thái thăng hoa và cái loa rộng mở” khiến người bình thường vừa nghe qua đã “hồn xiêu phách lạc”.

Không chỉ đọc, các bạn trẻ còn thể hiện niềm hâm mộ cuồng nhiệt đối với thể loại này thông qua những bình luận sôi nổi trên các diễn đàn và sự chờ đợi, trông ngóng vào từng truyện được dịch. Nếu như trước đây, các bậc phụ huynh bận lòng vì con ham chơi, “nghiện” game thì nay xuất hiện thêm mối lo lắng nữa: Nhiều học sinh đã “nghiện” sách ngôn tình. Những trường hợp không dứt nổi thể giới ảo dẫn đến si mê quá mức, không thiết ăn ngủ, học hành giờ không còn hiếm hoi nữa. Chính những người đã và đang đọc ngôn tình chia sẻ trên các diễn đàn: Thể loại này, một khi đã để mắt đến thì rất khó để cai.

Biết rồi nhưng đành… “bó gối”

Có một thực tế nhức nhối là tại các nhà sách hiện nay, những khu vực bày bán sách ngôn tình đang dần lấn chiếm diện tích những thể loại sách văn học, sách tham khảo. Vậy rốt cuộc, vì sao sách ngôn tình cám dỗ được độc giả trẻ?

Dưới góc độ tâm lý, ThS Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học Việt Nam cho biết: “Sở dĩ giới trẻ mê sách ngôn tình như điếu đổ vì thể loại này đã đánh đúng, thậm chí đánh trúng tuyệt đối vào sự tò mò cũng như nhu cầu thích khám phá của giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn về vấn đề rất “hot”: tình dục, giới tính. Với cách tiếp cận trực diện, cường điệu, câu chuyện và những hình ảnh dễ dàng đi sâu vào tâm trí bạn trẻ, kích thích trí tưởng tượng về những vấn đề hết sức nhạy cảm… Đó là thỏi nam châm vô hình sẽ làm cho các bạn trẻ đắm đuối mà sao lãng các hoạt động lành mạnh khác, tác động xấu đến tâm lý và sức khỏe”.

Theo tiết lộ của một đơn vị xuất bản sách ngôn tình, việc in ấn, phát hành thể loại này có tác động rất lớn tới doanh thu của nhà sách. Mỗi tựa sách thường bán được từ 2.000- 5.000 bản/6 tháng với giá bìa khoảng 100.000 đồng/cuốn. Trong khi đó, các đầu sách ở Việt Nam thường chỉ được phát hành từ 500 - 1.000 bản, bán lay lắt trong cả năm, qua nhiều đợt đại hạ giá vẫn tồn kho với số lượng lớn.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thaihabooks chia sẻ: “Sách nào cũng có độc giả của riêng mình. Sách ngôn tình đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn. Lí do đơn giản là thể loại truyện này đánh đúng tâm lý giới trẻ, những người rất tò mò, muốn khám phá, tìm thần tượng, ưa mộng mơ. Đây chưa hẳn là sách “đen” nhưng là sách “nhuốm màu”. Cá nhân tôi không ủng hộ loại sách này vì tính phản giáo dục, lợi ít mà hại nhiều. Tuy nhiên, trò đời là thế! Trong kinh doanh người ta “cung” khi có “cầu”.

Một số đơn vị xuất bản cho biết, thời gian gần đây, lượng sách ngôn tình đã có sự sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế, một trong những nguyên nhân khiến loại sách này xuất bản chậm lại là sự lan truyền mạnh bằng con đường “miễn phí” trên Internet với nhiều độc giả tuổi mới lớn đang mê muội trong thế giới ảo của loại truyện này. Và các bậc phụ huynh thì vẫn ngày ngày hốt hoảng trước tác động của lớp ngôn từ gợi dục lên nhận thức và lối sống của con em mình.

Theo Lữ Mai
Gia đình & Xã hội