Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên:

Dám đánh đổi hạnh phúc thì hãy theo ảnh khoả thân

Con đường này gian truân lắm...Nếu ai đó dám đánh đổi tất cả, kể cả hạnh phúc của mình thì hãy đi theo. Phải đủ “dũng cảm” khi đứng trước người mẫu trong trạng thái... Eva, và phải chuyển được "dục cảm" thành "mỹ cảm"...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên trao đổi với Lao Động sau khi bộ ảnh "Bước thời gian" của Anh được trao tước hiệu E.Vapa Gold.

NSNA Thái Phiên
NSNA Thái Phiên

Chúc mừng anh và bộ ảnh “Bước thời gian” vừa được trao tặng tước hiệu E.Vapa Gold. Cảm giác của anh khi nhận thông tin này thế nào?

Tôi nghĩ ngay đến những người mẫu đã cống hiến, đã cùng tôi dấn thân vào đề tài “nhạy cảm” này. Họ là những người đã cống hiến thầm lặng. Ngay khi vừa nhận tin, việc đầu tiên là tôi gọi điện, nhắn tin để thông báo và chia sẻ niềm vui với họ.

Từ “Xuân thì”- tập ảnh khỏa thân nghệ thuật được xuất bản chính thức đầu tiên, đến tước hiệu cho bộ ảnh “Bước thời gian” là một quá trình lao động miệt mài và cả sự chuyển biến dài trong tiếp nhận và đánh giá. Nhìn lại những ngày đã qua, đâu là rào cản cho những người sáng tác ảnh nuy nghệ thuật của Anh?

Trên thế giới, ảnh khỏa thân được xướng danh cùng với các thể loại ảnh nghệ thuật khác như: Phong cảnh, thể thao, tĩnh vật...Còn ở Việt Nam, khi nói đến khỏa thân nhiều người ghĩ ngay đến cái gì đó không đàng hoàng. Văn hoá Á Đông với các tiêu chuẩn khắt khe, nhất là các tiêu chuẩn đối với người phụ nữ càng làm cho định kiến trên trở nên dễ lý giải như một điều hiển nhiên.

Khi bước vào con đường sáng tác ảnh khỏa thân nghệ thuật tôi đã gặp quá nhiều những trở ngại. Trở ngại từ sự thị phi, tò mò, đồn đoán, thậm chí "ném đá" của những người ngoài cuộc...

Tôi còn nhớ ngày xưa có đọc truyện cổ của Andersen kể chuyện nàng công chúa Lidơ dệt dây tầm gai thành 11 chiếc áo cho các hoàng tử anh của nàng. Trong quá trình dệt, máu tươm ra từ các ngón tay, nhưng có lời nguyền là không được nói lời nào. Nghĩa là nàng phải im lặng, chấp nhận vượt qua những lời dè bỉu, âm thầm, miệt mài chịu đựng sự đau đớn, hòng giải lời nguyền của mụ phù thủy.

Điều đó nhắc nhở tôi người làm nghệ thuật, nhất là trong thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật cần có sự chịu đựng để mục đích cuối cùng là đưa ảnh khỏa thân nghệ thuật đến với công chúng và sánh vai với các thể loại ảnh nghệ thuật khác, thậm chí sánh vai với ảnh khỏa thân nghệ thuật quốc tế.

Để có được những tác phẩm ảnh nuy nghệ thuật được đón nhận, bên cạnh lao động sáng tạo của người nghệ sĩ còn có sự đóng góp của nhân vật trong ảnh. Anh đã làm gì để những người đẹp dám trút bỏ siêm y cùng sáng tạo cho anh sáng tác nghệ thuật?

Chừng 15 năm trước đây, tôi phải rất vất vả để nhờ cô A, cô B chấp nhận làm mẫu cho mình. Đến lúc tập sách “Xuân thì” xuất bản, thì rất nhiều cô liên hệ đến nhờ chụp. Càng ngày số lượng người tự nguyện tìm đến làm mẫu càng nhiều hơn. Điều này cho thấy suy nghĩ của họ đã ngày càng "thoáng" dần hơn, định kiến về ảnh khỏa thuân nghệ thuật cũng bớt đi.

Hơn nữa, một phần do ảnh của tôi cũng đã được in thành sách, thành lịch, một số đưa vào giáo trình, giáo án để giảng dạy cho sinh viên nhiếp ảnh,... Chính điều đó cũng làm cho họ thấy và tin những người làm nghệ thuật như chúng tôi sáng tác chỉ với mục đích là “duy mỹ”. Bên cạnh đó, người ta hiểu rằng, trên đời này, tất cả mọi cái đều thay đổi theo thời gian, duy chỉ có phim và ảnh là có thể gìn giữ lại những đường nét trên cơ thể họ mà thôi.

Nếu ai mà cảm thấy yêu cơ thể của mình thì hãy gìn giữ lại. Đó cũng là ẩn ý tôi muốn gửi gắm vào bộ ảnh “Bước thời gian”: Hãy giữ lại khoảnh khắc thời gian của mình. Thời gian trôi nhanh lắm, nếu ai đó lãng quên đi khoảnh khắc hiện tại thì ngày mai, ngày kia, những đường cong đó cũng sẽ đổi thay.

Ảnh trong bộ ảnh Bước thời gian của NSNA Thái Phiên

Ảnh trong bộ ảnh "Bước thời gian" của NSNA Thái Phiên

Luôn làm việc với các khuôn hình "cởi truồng", người mẫu- thiếu nữ khoả thân...Xin hỏi thật, những người thân xung quanh anh nhìn nhận công việc của anh như thế nào?

Tôi chụp ảnh khỏa thân đến nay đã 22 năm. Gia đình cũng đã quá quen thuộc. Cả bố mẹ vợ tôi cũng đã quen với chuyện “thằng rễ” của mình "nay chụp cái kia cho cô này, mai chụp cái này cho cô kia". Con tôi từ lúc mới sinh đã nhìn thấy ảnh khỏa thân của bố treo trên tường nên đã quá bình thường. Thậm chí, khi về nhà, gặp lúc bố đang ngồi chỉnh sửa ảnh khỏa thân giữa nhà, con tôi đi ngang nó cũng xem bình thường như khi xử lý với các thể loại ảnh khác như phong cảnh.

Bạn bè, hàng xóm, lúc đầu có người không hiểu nên cũng không mấy thiện cảm lắm khi thấy 1 ông suốt ngày đi chụp ảnh “ở truồng”. Lâu dần thấy quen. Lại thấy ông này cũng được lên tivi, lên báo,... nên họ cũng thấy bình thường dần đi. Thậm chí, bạn bè cũng có người tự hào vì có thằng bạn chuyên chụp thể loại “quái dị” như thế.

Xã hội ngày càng mở, mạng Internet đã làm cho thế giới phẳng lại, gần lại với nhau. Suy nghĩ ngày càng thoáng nên ảnh khỏa thân không còn là chuyện xa lạ như xưa nữa.

Có thông tin cho rằng có lúc cháu nhà anh cũng bị “vạ lây” vì bị bạn bè kỳ thị, xa lánh vì có bố chụp ảnh “cởi truồng”?

Đúng là có chuyện đó. Hồi xưa, lúc cháu còn học mẫu giáo, một số phụ huynh không hiểu chuyện này nên họ nghĩ đó là chuyện xấu xa. Vì vậy, bạn bè cháu nghe bố mẹ nói nên cũng nghĩ không đúng về bố của bạn mình. Nhưng đó chỉ là chuyện của trẻ con trước đây thôi.

Một lĩnh vực rất nhạy cảm, từng rất nhiều thị phi, khó khăn đủ đường, nhất là trong sự đánh giá và đón nhận...Nhưng ảnh khoả thân nghệ thuật đang có đất sống?

Nói xã hội ngày càng bớt định kiến là có. Về chuyên môn, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã đánh giá đó là nghệ thuật. Tuy nhiên, đến giờ phút này vẫn chưa có một triển lãm ảnh khỏa thân nào ở Việt Nam. Có xin thì các đơn vị quản lý văn hóa cũng không cấp phép. Mặc dù các đơn vị này vẫn có hội đồng nghệ thuật và họ vẫn đánh giá đó là nghệ thsuật. Nhưng nghệ thuật là một chuyện, còn cấp phép cho triển lãm thì... chưa bao giờ.

Điều này làm cho ảnh khỏa thân nghệ thuật khó đến gần với công chúng. Mặc dù trên Internet công chúng phải tiếp xúc hàng ngày với các thông tin “lộ hàng”, phản cảm mà lại không được thưởng thức ảnh nghệ thuật thật sự. Đó là trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa.

Nghĩa là anh vẫn mơ và trăn trở về một hành lang để những người sáng tác ảnh khoả thân nghệ thuật công khai được tác phẩm của mình đến công chúng?

Trăn trở quá đi chứ. Trăn trở là đến bao giờ các nhà quản lý văn hóa đồng ý cho những người tâm huyết làm nghệ thuật được đưa tác phẩm đến với công chúng một cách công khai. Dĩ nhiên, bây giờ, với Internet thì người nghệ sĩ vẫn có thể đưa tác phẩm đến với công chúng qua Facebook, qua website trang cá nhân,... Tuy nhiên, nghệ sĩ vẫn mong muốn đưa tác phẩm đến với công chúng một cách chính thức, công khai qua các cuộc triển lãm. Kể cả đến với những người không có điều kiện vào Internet.

Cuối cùng, anh có lời khuyên (hay nhắn nhủ) của mình đến các tay máy đàn em có ý định bước chân vào lĩnh vực này?

Tôi muốn gửi gắm đến anh em yêu nhiếp ảnh nghệ thuật rằng con đường này gian truân lắm, chớ “thấy người ta ăn khoai mà vác mai đi đào”. Nếu ai đó dám đánh đổi tất cả, kể cả hạnh phúc của mình thì hãy đi theo. Tôi cho rằng đã sáng tác ảnh khỏa thân nghệ thuật là phải cực kỳ nghiêm túc thì may ra mới được. Bởi vì phải đủ “dũng cảm” khi đứng trước người mẫu trong trạng thái... Eva, và phải chuyển được "dục cảm" thành "mỹ cảm". Đây là việc rất khó!

Xin cảm ơn anh!

Theo Nhã Uyên
Lao Động