Cục Điện ảnh nói gì về chuyện phim Việt thất thu do bị dán nhãn?

(Dân trí) - Mùa phim Tết vừa qua được xem là “mùa” ảm đạm và tồi tệ nhất của phim Việt khi tất cả các phim đều đạt doanh thu rất thấp, thấp hơn cả những phim nhập ngoại bị chê dở. Vậy đâu là nguyên nhân khiến phim Việt thất bại thảm hại đến thế?

Phim Việt chiếu Tết đạt mức điểm thấp nhất

Tết Đinh Dậu vừa qua, theo dự kiến sẽ có 4 phim Việt ra rạp là: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh KungFu”, “Bạn gái tôi là sếp” và “Nàng tiên có 5 nhà”. Những phim này được khởi chiếu từ 16/1/2017 đến 3/2/2017 (mùng 7 tết). Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 3 phim chiếu vào những ngày Tết Nguyên đán, còn “Bạn gái tôi là sếp” lại lùi lịch chiếu đến mồng 7 Tết (3/2) tức là khi kỳ nghỉ Tết đã kết thúc.

Theo đơn vị phát hành CGV, trong 3 phim Việt chiếu Tết thì chỉ có “Nàng tiên có 5 nhà” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu là đạt 23 tỷ, xếp hàng thứ 3 trong tổng số 5 phim có doanh thu cao nhất dịp Tết. Ngoài ra, theo đơn bị phát hành Galaxy, sau 4 ngày công chiếu, “Bạn gái tôi là sếp” cũng đã cán mốc 16 tỷ với 230.000 lượt xem. “Rừng xanh kỳ lạ truyện” cũng bị đơn vị phát hành nhanh chóng rút suất chiếu nên doanh thu chỉ mang về hơn 10 tỷ.

Trong khi đó, phim dẫn đầu về doanh thu chiếu Tết lại thuộc về phim Mỹ “xXx: Return of Xander Cage” của Vin Diesel với hơn 40 tỷ đồng và “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện” phần hai của Châu Tinh Trì đạt gần 40 tỷ đồng sau 6 ngày ra mắt. Điều đáng nói là “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện” là bộ phim gây khá nhiều tranh cãi về nội dung. Phần lớn ý kiến cho rằng, đây là bộ phim khá nhàm chán, kém hấp dẫn và không phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, bộ phim này vẫn “vượt mặt” 3 phim Việt có sự đầu tư đáng kể về kịch bản, dàn diễn viên và quy mô thực hiện.

Nàng tiên có 5 nhà là phim Việt duy nhất đạt doanh thu cao trong dịp Tết. Ảnh: ĐLP.
"Nàng tiên có 5 nhà" là phim Việt duy nhất đạt doanh thu cao trong dịp Tết. Ảnh: ĐLP.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ phim Việt bị lép vế so với phim ngoại ngay trên “sân nhà”, ngoài lý do tâm lý hướng ngoại của số đông khán giả thì một phần do phim Việt bị dán nhãn phân loại độ tuổi. Theo đó, cả 3 phim Việt chiếu Tết đều bị giới hạn độ tuổi từ C13 - C16 khiến cho nhiều gia đình muốn đi xem phim cùng nhau cũng rất khó khăn.

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, trong số 5 phim Việt chiếu trước và trong dịp Tết Đinh Dậu, chỉ 1 phim hòa vốn, 4 phim còn lại doanh thu rất thấp, thậm chí có phim “mất trắng” sau khi trừ các chi phí. Tuy nhiên, bà Lan khẳng định, việc dán nhãn phân loại độ tuổi xem phim có hạn chế đối tượng khán giả nhưng không phải là nguyên nhân khiến phim Việt thất thu. Theo bà Ngô Phương Lan, nguyên nhân chính khiến phim Việt thất thu vẫn là do chất lượng chưa đủ sức thu hút người xem.

“Việc thẩm định, đánh giá chất lượng phim được chấm theo 3 thang điểm: Loại 1 (từ 5-6,5 điểm); Loại 2 (từ 6,6- 8,5 điểm); Loại 3 (từ 8,6 đến 10 điểm). Phim Tết các năm trước hầu hết chất lượng đạt loại 2. Năm nay, các phim chỉ đạt loại 1 (5-6 điểm), mặc dù sử dụng nhiều chiêu trò”, bà Ngô Phương Lan cho biết.

Mượn chuyện dán nhãn để đẩy phim Việt vào thế khó?

Thực tế, cho đến nay, việc dán nhãn phim để phân loại theo độ tuổi vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Và điều này đã gây không ít phiền toái cho các nhà sản xuất phim Việt và nhà phát hành phim khi nhập phim ngoại về chiếu tại Việt Nam.

Ông Phi Long - đại diện truyền thông của phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” cho biết, bộ phim này được Cục Điện ảnh xếp loại C13 - không dành cho khán giả dưới 13 tuổi nhưng khi ra rạp lại bị hệ thống phát hành tự dán nhãn C16 - không dành cho khán giả dưới 16 tuổi. Điều này khiến nhà sản xuất bị mất đi một lượng đáng kể khán giả từ 13 đến 15 tuổi là đối tượng khán giả đầy tiềm năng của phim. Mặc dù sau đó, một số rạp chiếu đã có sự điều chỉnh nhưng sự điều chỉnh này rất chậm, thậm chí qua hết các “ngày vàng” dịp nghỉ lễ mới điều chỉnh. Chính sự “kỳ lạ” này đã khiến nhà sản xuất phải đặt câu hỏi, có hay không việc mượn chuyện dán nhãn để đẩy phim Việt vào thế khó?.

Ông Phi Long cũng bày tỏ rằng, ngay từ đầu, khi cả ba phim Việt xuất xưởng bị gắn nhãn mác giới hạn độ tuổi C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) và C16 ông đã dự đoán phim Việt sẽ “thua”.

Bản thân bà Bích Liên - Giám đốc công ty Sóng vàng, đơn vị sản xuất “Rừng xanh kỳ lạ truyện” từng thắc mắc là phim này không hề có cảnh bạo lực, hở hang... chỉ đơn thuần là phim hài mà bị dán nhãn C13.

“Phim này mà bảo tôi sửa lại để được dán nhãn P thì tôi cũng không biết sửa cái gì, vì nó có cảnh hở hang bạo lực hay phản cảm gì đâu mà cắt”, bà Liên nhấn mạnh.

Mới đây, bộ phim “50 sắc thái Đen” (50 Shades Darker) cũng đã buộc phải lùi ngày hoãn chiếu một ngày do Hội đồng thẩm định phim truyện yêu cầu cắt bớt cảnh nhạy cảm. Theo đó, bản gốc của phim có độ dài 118 phút đã bị cắt mất 7 phút còn lại 111 phút khi chiếu tại Việt Nam và được dán nhãn C18 (cấm đối tượng khán giả dưới 18 tuổi).

Rừng xanh kỳ lạ truyện là phim hài đơn thuần, không có cảnh hở hang, bạo lực, phản cảm... nhưng lại bị dán nhãn C13. Ảnh: ĐLP.
"Rừng xanh kỳ lạ" truyện là phim hài đơn thuần, không có cảnh hở hang, bạo lực, phản cảm... nhưng lại bị dán nhãn C13. Ảnh: ĐLP.

“John Wick: Chapter 2” đã phải hoãn lịch chiếu tới 2 lần do phải chờ Hội đồng duyệt phim “xem đi xem lại” để bắt nhà phát hành bỏ bớt những cảnh bạo lực, cắt sửa cho phù hợp với tiêu chí của Việt Nam thì mới được cấp giấy phép phát hành phim. Theo đó, bản gốc của phim là 122 phút đã bị cắt sửa lại còn 121 phút và được dán nhãn C18.

Trong khi có những phim bị kiểm duyệt rất “chặt tay” thì cũng có những phim bị đánh giá là “lòng tay” quá mức. Đơn cử như “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” của Châu Tinh Trì bị nhiều khán giả cho là có rất nhiều cảnh bạo lực, cảnh “trai gái” và cảnh mặc hở hang… nhưng vẫn được dán nhãn P - dành cho đối tượng thông thường. Chính điều này đã khiến nhiều phụ huynh có những phản ứng khá gay gắt và tỏ ra lo ngại khi con trẻ muốn xem phim.

Ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia khẳng định, Hội đồng duyệt phim không hề phân biệt giữa phim nội và phim ngoại mà chỉ căn cứ vào hình thức và nội dung thể hiện. Nhưng với bảng tiêu chí phân loại phim mới vừa áp dụng từ năm 2017 thì Hội đồng duyệt phim quốc gia vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Bà Ngô Phương Lan cũng cho rằng, việc cấp phép phổ biến phim tại rạp được thực hiện theo Luật Điện ảnh. Phim được cấp phép là phim không vi phạm “Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh” quy định tại Điều 11 Luật Điện ảnh và Điều 9 Nghị định 54/2010. Việc phân loại theo độ tuổi là một công đoạn nằm trong quá trình thực hiện việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim. Bởi vậy, nếu phim chứa những cảnh vi phạm luật, nhà sản xuất, nhà phát hành có thể xin rút không phổ biến tại Việt Nam hoặc chỉnh sửa cho hết những cảnh vi phạm đó.

Thực tế thì việc phân loại phổ biến phim theo độ tuổi là việc mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, bên cạnh việc dán nhãn thì họ còn có những cảnh báo mang tính tư vấn để người xem có thể hiểu được nội dung phim mà có những lựa chọn phù hợp trước khi vào rạp. Ở Việt Nam, điều này là chưa hề có.

Hà Tùng Long