Công diễn vở “Linh khí trời Nam” nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ

(Dân trí) - Nhân dịp 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện chương trình tri ân và công diễn vở cải lương “Linh khí trời Nam” phục vụ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng vào 20h ngày 25/7 tại Nhà hát Kim Mã (Hà Nội).

Trong khuôn khổ chương trình, BTC sẽ trao tặng 100 suất quà cho các đối tượng thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách.

“Linh khí trời Nam” kể về cuộc đấu tranh bền bỉ giữa người dân Giao Chỉ với quân đô hộ nhà Đường mà đứng đầu là Tiết độ sứ Cao Biền – người cai quản An Nam đô hộ phủ, đóng tại thành Đại La vào nửa cuối thế kỷ thứ IX sau công lịch.

Hình ảnh trong vở Linh khí trời Nam.
Hình ảnh trong vở "Linh khí trời Nam".

“Vở diễn “Linh khí trời Nam” là một vở diễn lịch sử, không phải vở diễn thực tại đề cập trực tiếp đến những người lĩnh đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc thời cận đại nhưng đó lại là vở diễn mang tính lịch sử nói lên truyền thống đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong lịch sử chống lại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc.

Bất kỳ thời đại nào, người dân Việt Nam có thể không có nhiều phương tiện quân sự tối tân nhưng với sự kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn cùng ý chí sắt đá, họ đã bảo vệ được toàn vẹn nền độc lập của dân tộc. Để hôm nay, chúng ta có được một cuộc sống đẹp đẽ và phồn thịnh. Đây cũng là ý nghĩa của vở diễn cũng như chính là thông điệp của đêm diễn cho khán giả có mặt trong đêm diễn”, NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở cải lương chia sẻ.

NSƯT Triệu Trung Kiên cũng cho biết, trong mạch nguồn khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tri ân các bậc tiền nhân, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng vừa khởi công vở diễn “Ni sư Hương Tràng” (hay “Công chúa Huyền Trân”).

Tượng Huyền Trân công chúa trong đền thờ Huyền Trân công chúa ở Huế. Ảnh: TL.
Tượng Huyền Trân công chúa trong đền thờ Huyền Trân công chúa ở Huế. Ảnh: TL.

TS. Bùi Hữu Dược - tác giả kịch bản của vở diễn chia sẻ: “Tôi viết “Ni sư Hương Tràng” là muốn thông qua vở diễn này góp phần ca ngợi một người phụ nữ Việt Nam ở rất nhiều vai trò, trong đó có một vai trò hết sức quan trọng là yêu nước và vì nước. Huyền Trân muốn làm vẻ vang thêm hình ảnh của đất nước mình, mặc dù đã lấy chồng người Chiêm, đến lúc không may do biến cố của lịch sử phải xuất gia đi tu, nhưng bà vẫn thể hiện vai trò rất quan trọng của mình đó là lòng tự hào dân tộc. Qua đây tôi cũng muốn truyền tới lớp trẻ thêm tình yêu quê hương, yêu đất nước độc lập và yêu sự tự cường của một dân tộc trước sức mạnh của các thế lực khác quanh mình”.

Hà Tùng Long